Lâu nay, việc dự báo khí tượng thủy văn vẫn thiếu các thiết bị, nên chỉ ra được bão vào ở đâu, mưa lũ vùng nào ở diện hẹp là chưa làm được.
Bão số 12 vừa rồi, Phú Yên bị rất nặng, nhưng chúng ta chỉ thông báo là ảnh hưởng của bão từ khu vực này đến khu vực kia thôi. Hiện việc dự báo mưa trong khoảng 6 tiếng, lâu hơn cũng chưa có. Bão thì chỉ nói hướng đi, chứ bão đánh vào đâu cụ thể thì cũng chịu.
Còn nhớ, năm 1997, khi cơn bão Linda vào, lúc đó, không dự báo được Cà Mau và Kiên Giang bị nặng, nhưng chính Cà Mau số người chết nhiều nhất và đặc biệt là Côn Đảo, người ta nói là “trắng” thông tin dự báo. Vì thế, người dân có nói là dự báo chưa chính xác thì cũng không sai.
Hay như đợt mưa vừa rồi ở miền Bắc, khiến thủy điện Hòa Bình phải mở 8 cửa xả đáy trong một thời gian ngắn. Nhiều ý kiến chuyên môn, cho rằng, giá mà có một radar lắp ở đèo Pha Đin thì sẽ cảnh báo được mưa ở giữa Hòa Bình, Sơn La, phục vụ tốt hơn việc dự báo.
Cũng phải nói, hệ thống máy móc, thiết bị dự báo chưa đủ, không hẳn lỗi của anh em khí tượng thủy văn, mà chính là Nhà nước đầu tư chưa tương xứng.
Còn về lũ, dự báo bằng các trạm thủy văn trên sông suối, nhưng chúng ta quá ít trạm đo, trừ các công trình lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… Với hơn 3.500 dòng sông suối để phát triển triển thủy điện, nhưng chắc rằng chưa tới 100 trạm.
Trong khi đó, chiến lược, công tác chỉ đạo phòng chống thiên tại hiện nay cũng chưa theo kịp tình thế, khi sự phát triển kinh tế, xã hội rất nhanh. Có tới 26.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển trong bão số 12, bị thiệt hại liệu họ đã có được dự báo, cảnh báo, hướng dẫn?
Muốn giảm thiểu thiệt hại trước thiên tai, phải đặt lại chiến lược phòng chống thiên tai từ bài toán kinh tế. Công việc này các nước trên thế giới đặc biệt Anh, Mỹ, Nhật Bản... làm rất hiệu quả. Họ nói rằng, phòng chống thiên tai không chỉ là ngẫu nhiên, ứng phó mà xem đó là vấn đề kinh tế để toan tính, dài hơi.
Cùng đó, phải thông tin cho người dân hiểu rằng, thiên tai ở Việt Nam là khốc liệt. Phải xác định, đất nước chúng ta nằm trong rốn, bão lũ của khu vực Đông Nam Á. Mỗi người dân phải ý thức điều đó chứ không phó mặc hoàn toàn vào nhà nước.
Cơn bão vừa rồi, đúng vào mùa bão lũ của miền Trung, nên không có gì bất thường, nó đúng quy luật. Nếu hiểu quy luật đó, dân nuôi lồng bè phải chủ động “lách” thời tiết. VIệc gia tăng nuôi trong các tháng mùa khô, còn mùa vừa kéo về sát bờ, nhưng liệu họ có ý thức được điều đó?
Cần thay đổi chiến lược phòng chống thiên tai, ngoài việc phát lệnh phòng chống cho các địa phương, T.Ư phải chỉ ra các địa chỉ nguy cơ cao và chỉ đạo ở dưới theo phương châm 4 tại chỗ. Ban chỉ đạo T.Ư cũng cần có tổ xung kích, là những người có nhiều kinh nghiệm, khi bão vào sẽ xuống phối hợp các địa phương ứng phó.