Khẩn cấp với “nghĩa địa” tàu đắm sau bão

Vùng biển Quy Nhơn có 10 xác tàu hàng bị đắm/bị nạn nguy cơ gây ra thảm họa môi trường biển khu vực.
Vùng biển Quy Nhơn có 10 xác tàu hàng bị đắm/bị nạn nguy cơ gây ra thảm họa môi trường biển khu vực.
TP - Bão số 12 (Damrey) chỉ trong phút chốc ập vào bờ biển Quy Nhơn (Bình Định) sáng 4/11 đã đánh đắm một lúc 8 con tàu hàng đang neo đậu, nhấn chìm gần 100 thuyền viên. Giữa bão bùng, 71 thuyền viên được cứu sống, 13 thuyền viên mất tích, sau đó đã tìm được 11 thi thể. 1 tàu hàng khác bị báo đánh dạt vào bờ mắc cạn, may mắn 15 thuyền viên sống sót.

Người dân Quy Nhơn không thể quên hình ảnh buổi sáng hãi hùng hôm ấy. Giữa bão biển mịt mùng, sóng cuộn xé nát mặt biển, là cảnh những con tàu nghiêng ngả, nhiều tàu khói đen cuộn bốc lên ngùn ngụt. Như nhận định của Chủ tịch tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, đây là sự cố hàng hải chưa từng xảy ra tại tỉnh này, khiến cả hệ thống chính quyền phải dồn sức để ứng phó.

 Thủy thủ bạo gan

Trong số tàu hàng bị bão đánh bật vào vùng biển Quy Nhơn có tàu FEI YUE 9 (quốc tịch Mông Cổ) được chú ý nhất. Không phải chết chóc hay mất mát mà là vì sự bạo gan của thuyền trưởng.

Con tàu đang theo hành trình từ Vũng Tàu đi Hồng Kông, bị bão đánh bật vào biển Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Giữa lằn ranh sống chết, chủ tàu cố điều khiển tàu vượt qua lớp sóng cao đến 8m. Cách cuối cùng viên thuyền trưởng chọn lao cả tàu vào vực đá Ghềnh Ráng để tìm cơ may sống sót.

Tình huống tương tự cũng xảy ra với tàu Nam Khánh 26 thuộc Cty TNHH vận tải Nam Khánh (Thái Thụy, Thái Bình). Nỗi kinh hoàng vẫn còn nguyên trên khuôn mặt của thuyền trưởng Nguyễn Văn Tài. Thuyền trưởng 45 tuổi quê Thanh Hóa, nhớ lại: “Lúc ấy sóng đánh cao đến 8 mét, tôi tìm cách leo lên ca bin để điều khiển tàu lao vào ngay mỏm đá. Khoảng 7 giờ sáng, tàu bị một cái giã trôi nổi của tàu cá quấn vào chân vịt, chết máy. Sau đó tàu tôi bị trôi khoảng 3 hải lý, đến khu vực phao 5, phao 6 ở luồng Quy Nhơn. Tàu sắp chìm, tôi lệnh cho 11 thuyền viên bỏ tàu. Lúc này anh em xuống phao cứu sinh để vào bờ khẩn cấp nhưng do sóng quá to nên phao vỡ tan, tôi chỉ còn biết hô anh em hết sức bình tĩnh bờ còn rất gần, trời đã sáng nên phải bám phao bè để vào bờ bằng mọi giá. Lúc vào đến các vực đá, càng vào gần thì sóng càng lớn, cứ bổ chúng tôi về phía đá, nếu vào ban đêm thì chết chắc. May mắn người dân nhìn thấy dùng dây cứu vào”.

 Vũng biển xác tàu

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá: “Bình Định đã huy động tất cả các lực lượng, làm hết những gì có thể để tìm kiếm, cứu vớt các thuyền viên, tạo điều kiện hỗ trợ hết sức về chỗ ăn, sinh hoạt, quần áo…”.

Nguy cơ trước mắt, đó là ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nếu các tàu hàng bị tràn dầu, đổ hàng ra biển. Trong ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trực tiếp đến Bình Định để chỉ đạo xử lý sự cố tràn dầu ở các tàu hàng khi trục vớt.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, thừa nhận: Nếu để xảy ra thảm họa môi trường ngay trước cửa biển Quy Nhơn thì không thể nào khắc phục lại được. Bây giờ thì chưa ảnh hưởng gì nhưng khi trục vớt lên thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng và có thể sẽ tràn dầu. Tỉnh rất mong Trung ương, Bộ TN&MT và các ban ngành chức năng sớm vào cuộc hỗ trợ khắc phục và xử lý sự cố để đảm bảo môi trường ven biển Quy Nhơn.

 Dồn lực ứng phó

Những ngày qua, liên tục tin tức người mất tích từ vùng biển Quy Nhơn đổ về. Tại các nhà xác Bình Định vẫn còn 5 thi thể chưa xác định được danh tính.

Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng UBQG Tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN, cho biết: “Hiện tại có tàu Ninh Thuận 68 bị mắc cạn nặng, trên tàu đang có 103 tấn dầu F.O cần hút ra trước khi cứu hộ. Còn lại 7 tàu đã chìm hẳn. Hiện chưa có dầu tràn ra, nhưng khi trục vớt chắc chắn sẽ có. Ủy ban đã điều 14 cán bộ, trang bị của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung vào để giải quyết dầu tràn”.

Theo Thiếu tướng Tiến: “Cần phải kiểm tra thực tế hiện trường để lên phương án xử lý, trục vớt. Các chủ tàu khi trục vớt tàu nào sẽ dùng phao quây khoanh vùng khu vực sau đó sử dụng bơm hút. Đồng thời tiếp tục điều 1 đến 2 tàu chuyên dụng vào để hút dầu khi trục vớt, đến đâu giải quyết làm sạch môi trường đến đó”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Bình Định chỉ đạo Sở Xây dựng tìm vị trí chứa vật liệu, hàng hóa trên các tàu trước khi tiến hành các phương án trục vớt. Công việc đặt ra lúc này là việc xử lý trục vớt cứu hộ tàu hàng, tìm kiếm người mất tích. Phải đảm bảo tính mạng an toàn về người cho đơn vị cứu hộ, trục vớt như thợ lặn…

Chiều 8/11, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, cho biết: Bộ Quốc phòng đã tăng cường 26 thợ lặn cùng khí tài đặc chủng tới hiện trường để tìm kiếm các nạn nhân trong khoang tàu chìm và phối hợp các cơ quan địa phương để khảo sát đánh giá nguy cơ tràn dầu tại vùng biển Quy Nhơn. Hiện lực lượng chức năng vẫn duy trì 18 phương tiện tham gia tìm kiếm và mở rộng phạm vi tìm kiếm trên biển thêm 10 hải lý để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng còn chỉ đạo huy động thêm flycam của Đài PT-TH Bình Định để hỗ trợ công tác tìm kiếm người mất tích trên biển.    

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.