Còn cơ hội cho ông Trump 'lội ngược dòng'?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đi bỏ phiếu sớm ở bang Florida. Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Donald Trump đi bỏ phiếu sớm ở bang Florida. Ảnh: Getty
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng, khi giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden nhiều khả năng sẽ đơn phương tuyên bố “thắng cuộc” rồi công bố thành phần nội các mới để tạo “việc đã rồi”.

Tổng thống Donald Trump và nhóm tranh cử đang bắt đầu các biện pháp pháp lý như sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại tại các bang thắng/thua sít sao như Nevada, Wisconsin, đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao của bang/liên bang về trường hợp kiểm và đếm phiếu tại Michigan, Pennsylvania và một số bang khác xem có hợp pháp và hợp lệ hay không. Cho đến giờ, cả hai ứng viên Trump và Biden đều kiềm chế, không tuyên bố và ăn mừng “chiến thắng”. Ngày 5/11, cả 2 ứng cử viên đều thông báo sẽ không xuất hiện công khai, gặp mặt hay trả lời báo chí. Có thể là họ đang dành phần lớn thời gian để tham vấn các lãnh đạo trong đảng của mình, cũng như nhóm cố vấn pháp lý để thống nhất các bước đi tiếp theo.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, nếu ông Biden thắng tiếp một trong các bang trên và có 270 phiếu đại cử tri trở lên, nhiều khả năng ông sẽ đơn phương tuyên bố “thắng cuộc”, dù ông Trump và các cử tri Cộng hòa có thể không công nhận. Ông Tuấn cho rằng, sau đó sẽ có sức ép rất lớn từ trong nội bộ đảng Dân chủ yêu cầu ông Biden phải công bố thành phần nội các mới. Điều này sẽ tạo “việc đã rồi”, tạo cảm tưởng cho các cử tri Dân chủ và người dân Mỹ rằng ông Biden mới thực sự là người thắng cuộc. Kể cả khi ông Trump có kiện đến Tòa án Tối cao để xem xét sự việc thì Tòa án Tối cao cũng phải tính đến yếu tố đó, tránh để xảy ra rối loạn xã hội.

Theo ông Tuấn, dù Tổng thống Trump và ban vận động của mình có thể đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao cấp bang hoặc liên bang xem xét thì ông Trump đang làm một việc “lội ngược dòng”,  khó khăn bội phần. Trong lịch sử Mỹ, Tòa án Tối cao cấp liên bang rất ít khi can thiệp vào câu chuyện chính trị quốc gia như bầu cử vì các tranh chấp, khiếu nại đã có Tòa án Tối cao cấp dưới giải quyết. Lần gần đây nhất cách đây 20 năm khi Tòa án Tối cao thụ lý vụ kiện kiểm phiếu lại tại bang Florida giữa 2 ứng cử viên Al Gore và George Bush.

Lịch sử không đứng về phía ông Trump. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến năm 2015, trên toàn nước Mỹ có tổng cộng 4.687 cuộc bỏ phiếu cấp bang, nhưng chỉ 27 cuộc xảy ra có kiện cáo và phải kiểm phiếu lại. Chỉ 3 trong số 27 vụ việc đó cho kết quả ngược lại so với kết quả ban đầu. Tuy nhiên, ông Trump có thể không dễ bỏ cuộc sớm và sẽ “chiến đấu” ngoan cường cho đến phút cuối cùng để làm rõ trắng đen qua con đường pháp lý. “Câu chuyện giờ đây không chỉ còn liên quan đến cá nhân ông Trump nữa, mà còn liên quan đến danh dự và uy tín của đảng Cộng hòa, cũng như các cử tri mà ông Trump được họ tin tưởng đại diện trong cuộc bầu cử ngày 3/11”, ông Tuấn nói.

Tiền lệ tranh chấp

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay được đánh giá là kịch tính lịch sử, nhưng đây không phải lần đầu tiên kết quả không rõ ràng sau khi ngày bỏ phiếu khép lại. Cuộc đua giữa ông George W. Bush và đối thủ Al Gore vào ngày 7/11/2000 kéo dài hơn 1 tháng vì nhầm lẫn số phiếu ở Florida. Ông Gore ban đầu lặng lẽ nhượng bộ ông Bush khi có vẻ ông đã mất các phiếu đại cử tri ở bang miền nam. Nhưng số phiếu cuối cùng cho thấy mức chênh lệch chưa đến 2.000 phiếu.

Yêu cầu kiểm phiếu lại được đưa ra dựa trên luật của Florida, nhưng trận chiến pháp lý kéo dài cho đến khi lên tận cấp Tòa án Tối cao liên bang. Tòa ra quyết định gây tranh cãi nhất trong lịch sử để yêu cầu dừng kiểm phiếu lại. Phán quyết đưa ra ngày 12/12 đã trao cho ông Bush, người của đảng Cộng hòa, số phiếu đại cử tri cần thiết để thắng ở Florida rồi sau đó lên làm tổng thống.

Nhưng đó chưa phải đợt trì hoãn dài nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ. Năm 1876, người dân Mỹ phải chờ gần 5 tháng mới biết người chiến thắng là ứng viên đảng Cộng hòa Rutherford B. Hayes hay đối thủ Samuel J. Tilden của đảng Dân chủ. Khi ông Tilden nắm chắc số phiếu phổ thông, hai bên đều nhận thắng ở 4 bang quan trọng, gồm Florida, Louisiana, Oregon và Nam Carolina. Đến tháng 1/1877, Quốc hội Mỹ triệu tập Ủy ban Bầu cử để giải quyết tranh chấp. Họ quyết định với số phiếu 8-7 rằng ông Hayes chiến thắng ở cả 4 bang này. Ngay cả sau khi phe Dân chủ tìm cách trì hoãn kiểm phiếu đại cử tri, chủ tịch Hạ viện hồi đó bác bỏ và cho phép ông Hayes tuyên thệ trở thành tổng thống.

Cuộc bầu cử năm 1884 giữa ứng viên Dân chủ Grover Cleveland và đối thủ Cộng hòa James Blaine mất hơn 1 tuần mới ngã ngũ. Năm 1916, phải mất hơn 2 tuần ứng viên Dân chủ Woodrow Wilson mới chính thức được tuyên bố chiến thắng đối thủ Charles Evan Hughes.

Việt Nam nêu quan điểm

“Bầu cử là công việc nội bộ của Mỹ. Quan hệ Việt - Mỹ sau 25 năm đã có những bước tiến dài và Việt Nam tin tưởng rằng tổng thống Mỹ nào cũng ủng hộ tiến trình này". Ðó là phát biểu của Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 5/11, để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về bầu cử tổng thống Mỹ và tác động đến quan hệ hai nước. Ông Nam khẳng định, bầu cử tổng thống Mỹ là công việc nội bộ của nước Mỹ và chỉ nhân dân Mỹ mới có quyền quyết định. Về tác động của kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đến quan hệ Việt - Mỹ, ông Nam nói rằng, sau 25 năm, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước tiến dài và phát triển toàn diện, thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục thúc đẩy, mở rộng quan hệ, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. “Chúng tôi tin tưởng rằng, tổng thống Mỹ nào cũng sẽ ủng hộ tiến trình này. Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, cùng có lợi”, ông Nam nói.

Ông cho biết, Việt Nam mong Mỹ tiếp tục mở rộng, củng cố và đưa quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả, bền vững. Việt Nam hoan nghênh vai trò cũng như sáng kiến của Mỹ góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực, trong đó có ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hài hòa với các cơ chế hợp tác khu vực và phù hợp với luật pháp quốc tế.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.