Có thể quan hệ tình dục khi đang điều trị ung thư không?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tình dục là nhu cầu bình thường của con người. Với bệnh nhân ung thư thì đây có phải là câu chuyện quá nhạy cảm hay không?

Đây là nội dung một số câu hỏi bạn đọc gửi đến chuyên mục Bác sĩ online của chúng tôi.

Một người bình thường khi mới phát hiện ra mình bị ung thư thì nỗi băn khoăn đầu tiên là mình cần điều trị bệnh như thế nào. Thêm một băn khoăn nữa là có nên chia sẻ với người thân, đặc biệt là người bạn đời hung tin này không?

Theo ThS. BS Đinh Thị Hiền Lê, bệnh nhân nên chia sẻ với người bạn đời hoặc người thân gần nhất ngay từ khi mới nhận tin xấu. Bệnh nhân ung thư thường cần sự hỗ trợ, thấu hiểu trong suốt quá trình chữa bệnh sắp tới mà người bạn đời là thành viên quan trọng của nhóm hỗ trợ người bệnh.

Có thể quan hệ tình dục khi đang điều trị ung thư không? ảnh 1
ThS. BS Đinh Thị Hiền Lê

Vấn đề cần lưu tâm chỉ là chia sẻ như thế nào, vào thời điểm- không gian nào. Và điều này thì còn tùy thuộc vào mối quan hệ hiện có giữa hai vợ chồng. Nếu khó nói ra sự thực này, người bệnh có thể rủ vợ hay chồng đi cùng và nhờ bác sĩ giải thích giúp.

Ngoài việc chia sẻ với người bạn tình hay bạn đời về căn bệnh ung thư, thì một bệnh nhân còn nên làm những điều gì đó để trợ giúp chính bản thân mình, thưa bác sĩ?

Sau khi đã hiểu rõ về bệnh và hiệu quả điều trị cùng với sự thấu hiểu và thông cảm của người bạn đời, câu hỏi tiếp theo của nhiều bệnh nhân ung thư thường sẽ là: Tôi sẽ trở lại cuộc sống bình thường như thế nào? Với riêng quan hệ vợ chồng, nỗi ám ảnh lớn nhất của họ chính là căn bệnh này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống thầm kín?

Chúng ta không thể phủ nhận thực tế tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư là nguyên nhân lớn nhất làm giảm hoạt động tình dục, đặc biệt là ở phụ nữ. Cảm xúc của bệnh nhân trong hành trình đặc biệt này thường không ổn định. Buồn bã, chán nản sẽ dẫn đến căng thẳng và đó chính là kẻ thù số một của tình dục. Khi tâm trí không bình yên, ham muốn sẽ không xuất hiện. Vì vậy, giữ cho mình một đời sống tinh thần vững vàng thông qua các bài tập thể dục, tập thiền và các hoạt động giải trí lành mạnh... chính là một hình thức “tự cứu chính mình”.

Có thể quan hệ tình dục khi đang điều trị ung thư không? ảnh 2
Các bài tập thể dục, tập thiền và các hoạt động giải trí lành mạnh... chính là một hình thức “tự cứu chính mình” của bệnh nhân ung thư.

Ngoài ra, bệnh nhân nên nghĩ đến việc trao đổi với bác sĩ khi gặp trục trặc trong lĩnh vực thầm kín này.

Bác sĩ có thể giúp được bệnh nhân cụ thể những gì trong trường hợp này?

Tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư với cuộc sống thầm kín của một cặp đôi khá rõ nét. Với nam giới là chứng loạn cương dương. Với phụ nữ là hiện tượng khô âm đạo, đau khi “quan hệ”…

Sự đồng hành của bác sĩ hay nói cách khác là sự hiểu biết về y học có thể khiến người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Những phụ nữ bị đau hoặc khô âm đạo có thể thử sử dụng chất bôi trơn dạng lỏng hoặc viên estrogen liều thấp giúp đỡ khô âm đạo . Đau khi “quan hệ” có thể thử dùng dụng cụ làm giãn âm đạo vài lần mỗi tuần để nhẹ nhàng kéo giãn âm đạo, qua đó làm dịu cơn đau thắt. Hoặc bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp máu lưu thông đến dương vật nhiều hơn, giúp duy trì sự cương cứng lâu. Máy hút chân không dương vật (VED) là một trong số các phương pháp không xâm lấn, không dùng thuốc để khắc phục chứng rối loạn cương dương.

Tuy nhiên, các dụng cụ bổ trợ này thường không giúp ích nhiều nếu bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lý- điều khó tránh với người bị ung thư- nên việc chia sẻ với người bạn đời hay là nói chuyện thêm với bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng.

Qua trao đổi của bác sĩ, chúng tôi hiểu là chuyện quan hệ tình dục là không chống chỉ định với bệnh nhân ung thư?

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân vẫn có thể quan hệ tình dục nếu có ham muốn và điều kiện sức khỏe cho phép.

Phẫu thuật hay xạ trị, hóa chất khiến bệnh nhân thường ngại gần gũi do đau, mệt mỏi, giảm ham muốn. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu tình dục không chỉ là ân ái. Những cử chỉ âu yếm như ôm nhau, cầm tay, massage… cũng có sức mạnh kỳ diệu, giúp bệnh nhân cảm thấy được quan tâm và giải tỏa nỗi lo âu, đau đớn của bệnh tật.

MỚI - NÓNG