Cơ quan quản lý chứng khoán phải là 'cảnh sát' của thị trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, hút được dòng vốn đổ vào nền kinh tế, chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý phải đóng vai trò như một “cảnh sát” của thị trường, kịp thời phát hiện và trừng phạt nghiêm vi phạm.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị góp ý, đề xuất hướng khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Chứng khoán năm 2019.

Cơ quan quản lý chứng khoán phải là 'cảnh sát' của thị trường ảnh 1

Hội nghị góp ý, đề xuất khắc phục những bất cập trong Luật Chứng khoán và Luật Đấu thầu

Thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế

Phản ánh về những bất cập trong Luật Chứng khoán năm 2019, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng, hành vi thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế nhưng hiện nay quy định xử phạt, mức phạt đối với sai phạm chưa đủ sức răn đe.

Từ đó, ông Hạnh đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán theo hướng minh bạch hơn về thông tin, kèm theo đó là chế tài thật nghiêm với hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Ban Pháp chế của VCCI thì cho rằng, hiện nay các cơ quan chức năng chưa xử lý giao dịch nội gián trên thực tế. Theo ông, số lượng xử lý các vi phạm về thao túng chứng khoán vẫn còn rất ít so với phản ánh của các nhà đầu tư trên thị trường. Các hành vi gian lận khác như công bố thông tin sai lệch vẫn diễn ra thường xuyên mà rất ít bị xử lý.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chưa thực hiện vai trò của mình một cách đầy đủ và hiệu quả. Cơ quan này phải đóng vai trò như một cảnh sát của thị trường, thường xuyên nắm bắt, phát hiện và trừng phạt các hành vi vi phạm. Làm như vậy mới thu hút được nhà đầu tư thiểu số giúp thị trường phát triển lành mạnh, hút được dòng vốn đổ vào nền kinh tế.

Một vấn đề nóng hiện nay ông Thạch muốn đề cập là trái phiếu doanh nghiệp, bởi hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào trái phiếu riêng lẻ, trong khi trái phiếu công chúng thì lại vắng bóng. Điều kiện và thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng quá cao. Cần có những điều chỉnh về điều kiện phát hành ra công chúng một cách phù hợp, để bớt phụ thuộc vào phát hành riêng lẻ, như vậy thị trường sẽ an toàn hơn.

Chặn xin – cho, “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu

Về những bất cập, hạn chế của Luật Đấu thầu, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế cho rằng, việc chỉ định thầu dễ dẫn đến cơ chế xin – cho, phát sinh tiêu cực, trục lợi, tham nhũng, thất thoát ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư trong thực hiện chỉ định thầu.

“Chủ đầu tư, nhà thầu hay nhà đầu tư lợi dụng các kẽ hở của pháp luật về chỉ định thầu để đề xuất, tiến hành chỉ định thầu mà đáng lẽ phải tổ chức đấu thầu. Trường hợp phổ biến nhất là lấy lý do thời gian không còn nhiều, công trình cấp bách triển khai theo chỉ đạo để chỉ định thầu, không qua đấu thầu. Hay như việc thông thầu “quân xanh, quân đỏ”, không công khai minh bạch để hạn chế nhà thầu, nhà đầu tư để có lý do thực hiện chỉ định thầu” ông Dĩnh nêu thực tế.

Để khắc phục những lỗ hổng này, ông Dĩnh đề xuất hạn chế các trường hợp cho thực hiện chỉ định thầu, làm rõ nội hàm tình huống cấp bách, công trình cấp bách, trường hợp đặc biệt… để không thể lợi dụng thực hiện chỉ định thầu hay đề xuất áp dụng trường hợp đặc biệt.

Trước những ý kiến trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết sẽ tổng hợp xây dựng báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để pháp luật được thực hiện nghiêm minh, vừa đảm bảo phòng chống tham nhũng tiêu cực, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích, tạo môi trường lành mạnh, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

MỚI - NÓNG