Chiều 7/4, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp giao ban tháng 3/2022, triển khai nhiệm vụ tháng 4/2022 giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh QH |
Tại cuộc họp, lãnh đạo của các Ủy ban tập trung cho ý kiến, đề xuất nhiệm vụ trong tháng 4/2022 để chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2022. Một số ý kiến đề xuất nên dành nhiều thời gian, thời lượng để tổ chức kỳ họp này theo hình thức trực tiếp nhiều hơn khi mà dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát hiệu quả.
Để các hoạt động thực sự linh hoạt, đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có sự phối hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra và được giao.
Chia sẻ với khó khăn thời gian qua khi phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan chủ động, tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung, công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt lưu ý với 11 nhóm nhiệm vụ cụ thể.
Cụ thể, lãnh đạo Quốc hội giao Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện ý kiến kết luận tại cuộc họp giao ban lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tháng 4/2022; tiếp tục xây dựng các nội dung, đề án và tham gia ý kiến vào các nội dung, đề án của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung được trình tại Hội nghị Trung ương 5 của Đảng (đầu tháng 5/2022)…
Thường trực Ủy ban Tư pháp theo dõi, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng giao; Giao Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội về nội dung tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung chuẩn bị kịp thời, các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 (dự kiến từ ngày 14-27/4/2022) và phiên họp thứ 11 (dự kiến từ ngày 10-13/5/2022). Việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (dự kiến gồm 2 đợt, đợt 1họp trực tuyến từ ngày 23/5-8/6, đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 14-23/6 hoặc phương án họp tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội).
Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật: Khẩn trương theo dõi, đôn đốc, đảm bảo tiến độ thẩm tra kỹ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022.
Thường trực Ủy ban Kinh tế khẩn trương theo dõi, đôn đốc, đảm bảo tiến độ thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); nghiên cứu, thẩm tra báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14, báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021…
Giám sát hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Ông Trần Thanh Mẫn giao Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách khẩn trương theo dõi, đôn đốc, thẩm tra các báo cáo tài chính nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án, khoản vốn chưa phân bổ, việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sang năm 2022; dự kiến phương án phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan liên quan kịp thời theo dõi, giám sát về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc những rủi ro khi thiếu điện, thiếu nguồn nhân lực cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục giám sát về tình hình cung ứng, xuất nhập khẩu, bình ổn giá xăng dầu trong nước và hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng văn bản kèm theo Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành và gửi báo cáo Thường trực Ban Bí thư. Theo dõi, giám sát về diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong nước để chủ động đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
Đồng thời cơ quan này cũng theo dõi, giám sát về tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong gói chính sách tài khoá, tiền tệ đã được Quốc hội thông qua.