Thị trường chứng khoán quá bất thường: Xử lý thao túng, làm giá thế nào?

TP - Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, thị trường chứng khoán quá bất thường, còn thị trường trái phiếu phát triển quá nóng.

Thao túng, làm giá ngày càng tinh vi

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm. Cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết. Cùng với đó, cần làm rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường…

Thị trường chứng khoán quá bất thường: Xử lý thao túng, làm giá thế nào? ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

“Luật Chứng khoán mới sửa, nghị định vừa ban hành, các đồng chí đã nói là không chặt chẽ, sơ hở thì ai chịu trách nhiệm chỗ này. Đừng đổ thừa cho khách quan, nhất là lỗi chủ quan phải quy được trách nhiệm chỗ này, cơ quan nào và đối tượng nào, ai chịu trách nhiệm chuyện này, chứ không thể nói chung chung”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trước hiện tượng thao túng giá, làm giá ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp. Ngoài trách nhiệm của các doanh nghiệp, cần làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi để xảy ra việc này. Bà cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết tình trạng sai phạm trong đấu giá đất, hiện tượng môi giới bất động sản liên kết với nhau đẩy giá đất lên cao, gây sốt đất và làm bất ổn thị trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, tình hình thị trường chứng khoán “quá bất thường”. Ông ví dụ, trong phiên giao dịch ngày 10/5, phiên sáng giảm điểm mạnh, nhưng đến chiều lại đảo chiều tăng mạnh, “sáng mưa, chiều nắng”, còn phiên giao dịch ngày hôm trước giảm sâu hơn nữa khi mất gần 60 điểm (hơn 4,4%)... “Thị trường không ngày nào ổn định thì các đồng chí thấy có yên tâm không?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Trước sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ các doanh nghiệp đã phát hành bao nhiêu trái phiếu, trong đó dành bao nhiêu cho bất động sản. Bên cạnh đó, cần làm rõ số nợ đến hạn bao nhiêu, trong đó nợ đến hạn mà không thanh toán được là bao nhiêu; vì sao để thị trường trái phiếu doanh nghiệp quá nóng như vậy? Nếu nghị định về lĩnh vực này không chặt chẽ thì ai chịu trách nhiệm?

Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã đánh giá, chỉ đạo các bộ, ngành để làm sao kiểm soát được thị trường. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định sửa Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế… “Yêu cầu của thị trường vốn rất quan trọng trong hệ thống kinh tế thị trường, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn, nếu không thị trường tiền tệ ngắn hạn không đáp ứng được”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Làm rõ vấn đề nổi cộm trong phòng, chống COVID-19

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ làm rõ hiệu quả của việc phân bổ nguồn ngân sách phòng, chống dịch COVID-19. Theo ông, báo cáo thẩm tra mới nói đến chuyện bao nhiêu tiền và danh mục chi chứ chưa đề cập đến hiệu quả. “Tổ công tác có nhiều kiến nghị với Chính phủ nhưng đến giờ phút này báo cáo chưa đánh giá hiệu quả các gói chi phòng, chống dịch. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng rất quyết liệt nhưng vì sao trễ như thế, các bộ ngành không làm thì cách giải quyết như thế nào?”, ông Phương đặt vấn đề.

Cùng mối quan tâm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị báo cáo làm rõ hơn những vấn đề nổi cộm liên quan nội dung phòng, chống dịch, các hạn chế yếu kém, như vụ việc tại Công ty Việt Á, việc CDC các địa phương tham gia đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19…

Đề cập đến tác động của dịch COVID-19 đối với xã hội, đặc biệt hiện tượng học sinh, trẻ em tự tử, hiện tượng bạo hành…Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhận định, nguyên do có thể liên quan đến sức khỏe tâm lý trong xã hội. “Vừa rồi chúng ta giải quyết các vấn đề hậu đại dịch, vấn đề này được giải tỏa bớt, nhưng ngành y tế nên quan tâm phát triển hệ thống tư vấn sức khỏe tâm lý”, ông Vinh đề xuất.

MỚI - NÓNG