Đầu tàu đi chậm thì các toa sẽ chậm theo
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong 20 năm qua thu ngân sách của thành phố ở trong tình trạng “giảm dần đều”. Đơn cử, năm 1996 thu ngân sách của thành phố chiếm 31,5% tổng thu cả nước thì đến năm 2016 chỉ còn 27,8%. “Theo quy luật nước nổi thì bèo nổi, nhưng tốc độ ‘nổi’ của thành phố lại không giữ được”, ông Dũng nói. Ông Dũng cho rằng, muốn thành phố là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam thì cần phân cấp mạnh hơn cho thành phố phát triển.
“Thành phố hiện ô nhiễm, ngập lụt như thế thì nên cho phép tăng thêm một số khoản phí, lệ phí. Tinh thần là mở rộng cơ sở thu, đảm bảo hài hoà và phù hợp điều kiện thực tế. Quốc hội yên tâm, thành phố nếu có tăng thì phải có đề án tính toán chi tiết, đánh giá tác động môi trường đầy đủ và phải do cấp có thẩm quyền quyết định”, ông Dũng trấn an trước các lo ngại của nhiều đại biểu về việc tăng nhiều mức thuế.
Nhận xét về mức điều tiết ngân sách mà TPHCM chỉ được giữ lại dưới 20%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng “sẽ phát triển rất chậm”. “Đầu tàu của cả nước mà đi chậm thì các toa phía sau sẽ chậm theo. Vì vậy, quy định cơ chế đặc thù cho TPHCM không phải chỉ cho địa phương mà là cho cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý để TP HCM được dự toán ngân sách thành phố trên cơ sở Quốc hội sẽ giao tổng thu, tổng chi. Phải thay đổi cơ chế, giao chủ động để phù hợp với thực tế địa phương. “Phải thay đổi cách làm như “chốt đồng này mua mắm, đồng này mua tương. Không ăn mắm cũng không mua tương được”, Chủ tịch Quốc hội góp ý.
Tăng thu nhập để giữ người tài trong bộ máy
Đề cập đến quy định trong dự thảo nghị quyết cho phép HĐND thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nhận định đây là việc làm hết sức cần thiết để “trọng dụng nhân tài vào bộ máy”. Thực tế, theo vị đại biểu này, hiện nay ở khu vực nhà nước nhiều người không sống nổi với mức lương công chức, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. “Ở TPHCM, mức sống, giá cả sinh hoạt cao hơn, áp lực rất lớn nên lương không đủ sống. Vậy nên tự chủ việc trả lương là hướng tốt để giúp giữ người tài trong bộ máy”, ĐB Phương nói.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) ủng hộ chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ. Đi kèm với đó, ông Hiểu đề nghị nên cho thành phố quy định về tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay. Cũng ở tổ này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, bên cạnh việc tăng thêm mức thu nhập thì cũng phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém. “Quyền thì phải gắn với trách nhiệm của các cấp, tránh cấp đó không hoàn thành lại đùn đẩy công việc lên cấp trên”, ông Cường nói.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lưu ý cần phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố và các quận, huyện trong thành phố trên một số lĩnh vực. Ví dụ trong lĩnh vực trật tự đô thị, cần phân cấp thẩm quyền một cách chặt chẽ hơn, chứ cứ dồn hết thẩm quyền cho chủ tịch UBND quận, huyện thì “chỉ riêng việc ký quyết định xử phạt thôi cũng đã hết ngày”, đâu còn thời gian để điều hành công việc chung. “Cần phải khắc phục ngay tình trạng một đồng chí phó chủ tịch quận suốt ngày phải “chuyên trách” đi dẹp vỉa hè. Cả quận chỉ có 3 phó chủ tịch, mà lại mất một ông “chuyên trách” đi dẹp vỉa hè, đường phố thì lấy đâu thời gian để mà lo những việc khác”, ông Tạo nói.
“Nhận xét về mức điều tiết ngân sách mà thành phố Hồ Chí Minh chỉ được giữ lại dưới 20%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng “sẽ phát triển rất chậm”. “Đầu tàu của cả nước mà đi chậm thì các toa phía sau sẽ chậm theo. Vì vậy, quy định cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh không phải chỉ cho địa phương mà là cho cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.