'Cởi trói' cho metro

Tuyến metro số 1 đang bị tắc vốn do thủ tục. Ảnh: H.T.
Tuyến metro số 1 đang bị tắc vốn do thủ tục. Ảnh: H.T.
TP - Giấc mơ về những tuyến tàu điện ngầm (metro) hiện đại, có sức chở lớn, chạy vun vút trên đường ray, góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe…sẽ nhanh chóng thành hiện thực khi các cơ chế đặc thù cho đầu tàu TPHCM được Quốc hội thông qua.

Một số tuyến metro đã thu xếp được vốn đầu tư từ các nhà tài trợ nhưng vẫn chưa triển khai được do thủ tục. Đơn cử như dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đã có sự cam kết tài trợ và đã được Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (BQL ĐSĐT) trình UBND TPHCM phê duyệt từ cuối năm 2014, nhưng đến nay chưa được triển khai.

Theo đại diện BQL ĐSĐT, Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết tài trợ một phần nguồn vốn ODA và nguồn vốn hỗ trợ tín dụng xuất khẩu (ECA) cho tuyến metro số 5. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án này thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, đồng nghĩa việc triển khai chậm lại.

Mới đây nhất là dự án tuyến metro 3a dài gần 20 km có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 62.000 tỉ đồng (hơn 2,8 tỷ USD), được chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1: Xây dựng trước đoạn Bến Thành - Bến xe Miền Tây (dài 9,7 km đi ngầm toàn bộ với kinh phí hơn 1,8 tỷ USD) với 8 ga ngầm và 2 ga trên cao. Giai đoạn 2: Xây dựng đoạn Bến xe miền Tây - Tân Kiên dài hơn 10 km với phần lớn đi trên cao với kinh phí khoảng 1 tỷ USD gồm 7 ga trên cao. Dự án sẽ kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hình thành nên tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm nối từ Bến xe miền Đông mới đến trung tâm thành phố và Bến xe miền Tây, kết nối ba trung tâm vận chuyển hành khách lớn của TPHCM giúp cải thiện mật độ giao thông đô thị tại khu vực phía Tây.

Theo một số chuyên gia, nếu Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù, phân cấp cho HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A thì sẽ rút ngắn được gian thực hiện dự án. Tình trạng các thủ tục đầu tư chạy lòng vòng từ địa phương lên từng Bộ ngành thẩm định…sẽ không còn. Đặc biệt, khi cơ chế đặc thù được thông qua, “cục máu đông” trong phân bổ vốn ODA cho dự án tuyến metro số 1 như vừa qua sẽ không xảy ra. Dự án tuyến metro số 1 đã được JICA thu xếp nguồn vốn ODA song hơn một năm qua chủ đầu tư không được phân bổ vốn để thanh toán cho nhà thầu thi công và khiến chủ đầu tư đứng trước nguy cơ bị các nhà thầu kiện, phạt lãi chậm thanh toán...

Theo báo cáo của UBND TPHCM, việc thanh toán cho 4 gói thầu xây lắp đang triển khai thi công đã bị ngưng từ tháng 9/2016 cho đến nay. Để giải quyết khó khăn, UBND thành phố phải tạm ứng từ ngân sách để thanh toán cho các nhà thầu. Điều đáng nói, kế hoạch phân bổ vốn ODA năm 2017 là 2.119 tỷ đồng nhưng đến nay dự án vẫn chưa được ghi vốn kế hoạch, dù Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến và JICA nhiều lần bày tỏ quan ngại, làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.