Chuyện sốc ở Sóc Sơn: Giáo viên giỏi cũng trượt viên chức

Nhiều giáo viên giỏi cũng lo trượt thi viên chức
Nhiều giáo viên giỏi cũng lo trượt thi viên chức
TPO - Trong số 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội có nguy cơ mất việc, có rất nhiều thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Và bản thân họ cũng lo không thể qua được “ải” lần này vì có những người đã từng thi và từng trượt.

Đánh đổi cả cuộc đời với một kỳ thi 

Thầy Nguyễn Văn Hùng, giáo viên tiếng Anh trường THCS Phú Minh nói: "Chúng tôi là giáo viên tiếng Anh, nếu không tâm huyết với nghề, chúng tôi đã ra ngoài làm việc khác. Chúng tôi trụ đến giờ phút này là quá yêu nghề. Bản thân là giáo viên hợp đồng nên chúng tôi còn luôn tự nhủ phải cố gắng, thậm chí cố gắng đến 200% so với đồng nghiệp của mình. Đó là những minh chứng mà chúng tôi đạt được rất nhiều trong quá trình làm việc. Bản thân tôi, tôi đã đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền, tôi tham gia giáo viên dạy giỏi cấp huyện đạt giải nhất, giải ba cấp thành phố. Huyện tin tưởng giao cho đào tạo đội ngũ học sinh giỏi cấp thành phố. Năm nào cũng có học sinh giỏi cấp thành phố".

Tuy nhiên, thầy Hùng cho rằng việc đánh giá giáo viên qua một kỳ thi hoàn toàn có thể may rủi, không thể chính xác bằng cả quá trình.

“Tôi thấy thất vọng bởi chúng tôi đã cống hiến từng đó năm, thậm chí thành phố cũng đã trao tặng những giải thưởng nhưng đến giờ phút này như trong tay không có gì cả. Nếu như trước kia khi còn trẻ thì chúng tôi có thể chuyển sang một ngành nghề khác để làm. Đánh đổi cả cuộc đời với một kỳ thi như thế này tôi nghĩ không hợp lý” - thầy Hùng bức xúc.

cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên dạy tiếng Anh Trường Tiểu học Thanh Xuân A chia sẻ, tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm, khi cô về công tác tại trường trong bối cảnh huyện đang thiếu giáo viên ngoại ngữ. Chính vì vậy, nhà trường từng yêu cầu cô phải viết cam kết với trường.

Chuyện sốc ở Sóc Sơn: Giáo viên giỏi cũng trượt viên chức ảnh 1 Cô Hiền bật khóc 

Giỏi thi viên chức cũng trượt

Theo cô Hiền, không phải vì thiếu giáo viên mà chất lượng giáo viên không tốt. Vì bản thân cô Hiền từng đoạt giải 3 trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2013, toàn thành phố phải rà soát toàn bộ giáo viên dạy ngoại ngữ theo chuẩn năng lực ngôn ngữ của khung tham chiếu châu Âu, cả huyện Sóc Sơn chỉ có duy nhất một giáo viên tiểu học đạt yêu cầu là cô Hiền. Cô đã 2 lần được chọn đi thi cô giáo tài năng duyên dáng, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, nhưng 2 lần thi viên chức cô đều không đỗ.

Năm gần đây nhất cô Hiền dự thi tuyển viên chức vào trường THPT. Cô có rất nhiều lợi thế như bằng đại học loại giỏi được cộng 10 điểm; điểm soạn giáo án, giảng dạy đều đạt cao nhất, nhưng đến vòng phỏng vấn thì điểm lại thấp và bị trượt.

Chuyện sốc ở Sóc Sơn: Giáo viên giỏi cũng trượt viên chức ảnh 2 Nhìn những danh hiệu này, nên buồn hay nên vui?
Cô Hiền cho biết kỳ thi viên chức trở thành nỗi ám ảnh với cô, vì 20 năm trong nghề chứng minh được năng lực, nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu, nên nếu thi không đỗ sẽ cảm thấy rất xấu hổ với đồng nghiệp và học sinh, vì vậy lần này nếu phải thi nữa cô không đủ… can đảm. “Thiết nghĩ thay vì trao cho chúng tôi những cái danh hiệu tài năng hay chiến sĩ thi đua thì hãy cho chúng tôi cơ hội để có thể được cống hiến khả năng tới các học sinh và ngành giáo dục huyện nhà”, cô Hiền tâm tư. Cô Nguyễn Thị Thơm, trường Tiểu học Thị trấn Sóc Sơn chia sẻ bản thân năm nào cũng có học sinh giỏi dự thi thành phố, nhận được nhiều bằng khen. “Chúng tôi nghĩ mình cũng có chuyên môn nhất định thể hiện qua những minh chứng đó chứ không phải nói suông. Nhưng với việc thi tuyển thì không ai tự tin”, cô Thơm cho hay.

Cô Thơm khẳng định thế vì từng tham gia dự thi 2 lần nhưng bị trượt. “Nhiều người đỗ về trường nhưng rồi nhiều việc vẫn phải về tay tôi làm, từ bồi dưỡng học sinh giỏi,… Thậm chí, hiệu trưởng còn bảo là hướng dẫn việc cho giáo viên mới trúng tuyển viên chức về trường. Như vậy tôi nghĩ bây giờ có đi thi thì 100% tôi lại vẫn sẽ trượt bởi tôi từng đi thi và chứng kiến” - cô Thơm nói rồi bật khóc.

Trong khi đó, cầm một tập bằng khen, giấy khen, các loại danh hiệu của các bạn đồng nghiệp đều là giáo viên hợp đồng trong trường, cô Đào Thị Nga buồn bã nói: “Nhìn những danh hiệu này, giáo viên chúng tôi không biết nên buồn hay nên vui”.

Tâm tư của 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn đều muốn có chính sách phù hợp, nhân văn, hợp tình, hợp lý. Vì những năm tháng khó khăn của ngành giáo dục, họ chính là những người đưa vai ra gánh. Nên không thể nói, thi đỗ thì ở lại, thi trượt thì ra khỏi ngành. Trong số 256 giáo viên này, có 26 người có thâm niên trên 20 năm. Còn lại, rất nhiều giáo viên từ 10 – 20 năm. Có thể nói, họ đã giành cả thanh xuân cho ngành giáo dục.

MỚI - NÓNG