Đam Pao không chỉ là ký ức - Kỳ cuối:

Chuyện lạ trong lễ cưới của người K’Ho Srê

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từng tham dự nhiều đám cưới truyền thống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, nhưng đám cưới của đôi trai gái người K’Ho Sre để lại cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt nhất. Phong tục cưới hỏi lạ lẫm của tộc người này là một trong những “thỏi nam châm” thu hút du khách đến với thôn Đam Pao và vùng phụ cận.

Chật vật “đêm thiêng”

Đang say sưa xem các bà, các chị ở thôn Đam Pao (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) bật bông, kéo sợi, dệt thổ cẩm thì tiếng chuông điện thoại réo liên hồi. Một người bạn giục tôi sang buôn lân cận là Bồ Liêng (thị trấn Đinh Văn) để dự lễ ăn hỏi của sơn nữ Ka Phương Lan và chàng trai K’Trung. “Đám hỏi diễn ra vào lúc nhá nhem tối thế này ư?”, tôi thắc mắc. “Đúng rồi, lễ hỏi chính là “đêm thiêng”, thời khắc mà cậu của cô gái và người mai mối mang lễ vật sang ngỏ ý với nhà trai. Họ phải sang nhà của chàng trai vào ban đêm để tránh bị thiên hạ gièm pha nếu chuyện “bắt chồng” không thành”, bạn tôi giải thích.

Chuyện lạ trong lễ cưới của người K’Ho Srê ảnh 1

Cô dâu chú rể đặt tay lên miệng ché cổ cầu xin Yàng chứng giám

Tại ngôi nhà của K’Trung, ông K’ Bes (cậu của Lan) đặt chiếc vòng cổ, bầu rượu và thuốc lá lên chiếc chiếu trên sàn nhà rồi cất tiếng: “Tôi đi xin cái xà gạc cho cháu gái” (xin bắt chàng trai về ở rể-PV). “Cái xà gạc” làm ra cũng hơn 20 năm rồi nhưng chưa có ý định đem cho người khác”, cha của chàng trai đáp rồi giải thích thêm: “Con tôi còn nhỏ, chưa biết làm ăn, còn đang ăn bám bố mẹ, chưa có kinh nghiệm trong gia đình đâu”.

Không nản lòng, ông cậu nài nỉ: “Đừng chia lìa nồi đất với cơm niêu/Đừng chia lìa nồi đun với cháo”. Bà mối tiếp lời: “Con của anh chị hôm nay còn trẻ, không có kinh nghiệm, ngày mai nó sẽ lớn. Người ta có sức đi làm được mười ngày, con anh chị cũng sẽ làm được bảy, tám ngày đó thôi”. Sau khi nhà gái năm lần bảy lượt kiên nhẫn thuyết phục, nhà trai mới đồng ý cho con về làm rể bên nhà gái.

Ông cậu vội trở về nhà để báo tin mừng, cùng gia đình của cháu gái chuẩn bị những lễ vật mà nhà trai thách cưới. Ông bảo thường thì nhà gái phải dạm ngõ khoảng 3 - 4 lần mới được nhà trai chấp thuận. “Họ từ chối nhiều lần không phải vì không ưng bụng với gia đình nhà gái mà là để giữ giá cho con trai mình”, ông K’Bes nói.

Các sơn nữ vui vẻ kể rằng người K’Ho Sre theo chế độ mẫu hệ, con gái sẽ bắt chồng và lễ cưới được tổ chức ở nhà gái. Nhưng điều thú vị là các chàng trai vẫn là người chủ động tìm người yêu và tỏ tình. Khi trót yêu cô gái, chàng trai thường mang chiếc khèn môi đến nhà nàng vào ban đêm, đứng bên cửa sổ thổi lên những giai điệu nhớ nhung da diết. Việc này thường tiếp diễn nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng cho đến khi cô gái ra mở cửa, trò chuyện cùng chàng trai. Khi cả hai đã thuận tình, chàng trai sẽ trao cho cô gái một vật định tình cùng lời ước hẹn đã thuộc về nhau.

Chuyện lạ trong lễ cưới của người K’Ho Srê ảnh 2

Nghi lễ trùm khăn, cụng đầu cô dâu chú rể trong đám cưới

Có những trường hợp nhà gái nhiều lần đến xin “bắt chồng” nhưng nhà trai vẫn một mực khước từ. Lúc đó, nhà gái sẽ trình ra món đồ mà chàng trai đã trao cho cô gái để bắt vạ. Thậm chí, có những vụ nhà gái còn lấy chuyện chàng trai đã “ăn trái cấm” với cô gái để “phạt vạ” thật nặng, buộc nhà trai phải chịu trách nhiệm.

Lễ cưới độc đáo

Vừa đến đầu ngõ nhà bà Ka Phen, chúng tôi đã nghe tiếng ù ù ngân dài. “Đó là tiếng tù và báo hiệu lễ cưới sắp bắt đầu. Nhanh chân lên kẻo trễ các anh chị ơi!”, Ka Loan giục giã. Sơn nữ này đang trên đường đến dự đám cưới của Ka Phương Lan. Lễ cưới diễn ra tại ngôi nhà sàn vốn thuộc sở hữu của một trong những nghệ nhân nổi tiếng ở Tây Nguyên - già làng Duân Jai K’Bat. Sau khi già làng mất, gia đình bà Ka Phen gìn giữ ngôi nhà truyền thống này cùng một số tài sản, vật dụng sinh hoạt của người K’Ho Sre như cồng chiêng, ché rượu, thổ cẩm.... Nhiều hoạt động văn hóa của buôn Bồ Liêng và huyện Lâm Hà được tổ chức tại đây.

Đến gần nhà sàn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhà gái cột một con heo dưới chân cầu thang và treo trên bậu cửa một khúc ruột gà… “Con vật này được gọi là heo đụng bởi khi đoàn nhà trai đến dự lễ cưới, từng người lần lượt đụng chân vào nó với hàm ý hôm nay các Yàng (thần) và chúng tôi đã chứng kiến đám cưới của đôi trai gái”, ông K’Bring, một thành viên của nhà gái nói và cho biết thêm: Con heo này sẽ được làm thịt cúng Yàng và chế biến các món ăn trong đám cưới. Nhà gái còn chuẩn bị một chậu nước sạch để vẩy lên chân từng thành viên nhà trai khi họ lần lượt bước qua cửa để vào nhà.

Tay cầm cái liềm, bà Ka Phen dẫn cô dâu chú rể và người mai mối đi 8 vòng trong nhà. Đến vòng cuối cùng, bà dùng liềm cắt đứt sợi lòng gà được treo phía trên cửa chính. “Việc này như lời khẳng định là K’Trung đã lớn, không còn phụ thuộc vào cha mẹ đẻ. Đây cũng là nghi thức tiễn chàng trai về nhà vợ. Từ nay, chàng rể có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ vợ và gắn bó trọn đời với Ka Phương Lan”, Ka Loan giải thích.

Chuyện lạ trong lễ cưới của người K’Ho Srê ảnh 3

Đôi vòng đồng cho cô dâu chú rể

Sau khi nhà gái trao những lễ vật mà nhà trai đã thách cưới theo thỏa thuận, ông mối cầm con gà lên làm nghi thức cúng và đưa cho mọi người sờ tay vào để báo với thần linh rằng mọi người cùng thống nhất cho cô dâu và chú rể thành đôi. Nhà gái sẽ nhanh chóng làm thịt con gà này, luộc chín, xé phay để bà mối và ông mối đưa cho cô dâu, chú rể ăn cùng với 8 miếng cơm. “Với người K’Ho S’Re, số 8 tượng trưng cho sự may mắn, bình an và bền vững”, ông K’Bring cho hay.

Một chiếc ché cổ được dòng họ mang ra để cô dâu chú rể làm lễ: Cùng đặt tay lên miệng ché cầu mong thần linh chứng giám. Sau đó nhà gái tuyên bố tặng cổ vật này cho đôi trẻ làm của hồi môn. Một ché rượu cần thật lớn được khui để cô dâu, chú rể cùng uống, rồi lần lượt các thành viên của hai họ thưởng thức cho đến khi rượu trong bình nhạt hẳn. Hai họ cùng khách mời ăn tiệc, uống rượu cần, múa hát thâu đêm quanh đống lửa trong tiếng cồng chiêng huyễn hoặc.

Bà Dương Thị Hiền, Phó Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL Lâm Đồng) nhận định: Cùng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những phong tục tập quán cưới hỏi độc đáo thế này sẽ giúp mô hình du lịch cộng đồng ở Lâm Hà thêm hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Một nghi thức khiến du khách vô cùng thích thú là việc trùm tấm khăn thổ cẩm lên người cô dâu chú rể và cho họ cụng đầu nhau 8 lần. Người mai mối vừa giúp đôi trẻ thực hiện nghi thức này vừa nhắn nhủ: “Êm ấm và ngủ ngon. Sinh một con, trưởng thành một con, sinh hai con trưởng thành hai con; đừng để hư hỏng. Mát mẻ như nước, đẹp như mặt trời, sống lâu như cây me rừng, Con cháu sum họp, biết ăn nói như cha mẹ, cậu dì”.

MỚI - NÓNG