Lời ước hẹn nơi tuyến lửa
Những ngày cuối tháng 7, trong căn nhà cấp bốn ở xóm 2, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Tường (73 tuổi) tất bật sửa soạn bàn thờ gia tiên để tưởng nhớ chị gái - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn (còn có tên là Nguyễn Thị Diện, SN 1947) và anh rể Đặng Văn Cự (SN 1946), quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
“Giữa mưa bom bão đạn, giữa lằn ranh sinh tử của cuộc chiến tranh khốc liệt, tình yêu của chị Diễn và anh Cự đã nảy nở. Tình yêu ấy đã hòa vào tình yêu đất nước… Đến nay đã hơn một năm sau khi được hai gia đình tổ chức đám cưới, anh chị đã danh chính ngôn thuận là vợ, là chồng, trọn đời trọn kiếp bên nhau”, ông Tường chia sẻ.
Họ hàng hai bên xin phép liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn, để “rước dâu” về với nhà trai |
Trong ký ức của ông Tường, chị gái ông không những đẹp người, đẹp nết mà còn rất giỏi giang. Chị từng giành giải Nhì, Hội thao quốc phòng toàn tỉnh các môn ném lựu đạn, bắn 3 tư thế và bơi lội. Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, chị Diễn trong đội hình dân công hỏa tuyến của địa phương, có mặt khắp các trọng điểm đánh phá ác liệt tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sau đó, chị được bổ sung cho Công ty Đường sắt 769, hoạt động tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Làm việc cùng một đơn vị, lại ở trong hai nhà dân sát vách nhau, chị Diễn dần cảm mến chàng trai "xứ Vải" Đặng Văn Cự. Anh Cự tuy không đẹp trai, nhưng thật thà, chất phác. Tình yêu cứ thế lớn lên trong bom đạn ác liệt. Trong bức thư gửi vào năm 1972 chị Diễn viết: “Con đã đi rất lâu nhưng chưa về nhà. Nhưng, con sẽ dồn ngày phép bốn năm để về Tết 1973. Ngày đó, con sẽ đưa chàng rể ngoài Bắc về ra mắt họ hàng…”. Thế nhưng, dự định đó đã không thành. Chỉ hơn tháng sau, gia đình nhận tin sét đánh, cả con gái lẫn người con rể sắp ra mắt đều đã bị dòng nước cuốn đi.
“Thời ấy, tôi thuộc biên chế lực lượng Công an vũ trang tỉnh Nghệ An (nay là lực lượng bộ đội biên phòng). Một đêm cuối năm 1972, tôi được thủ trưởng cơ quan thông báo cho về phép để giải quyết việc gia đình mà không nói rõ lí do. Linh tính điều không lành, tôi cuốc bộ xuyên đêm, vượt chặng đường hơn 20 cây số về nhà. Về đến nhà, tôi thấy mẹ đang khóc, bên cạnh là giấy báo tử của chị tôi. Trong giấy ghi chị là tử sĩ, mất trên sông Đò Vàng, thuộc địa bàn xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình vào ngày 29/12/1972, nhằm 24/11 âm lịch”, ông Tường nghẹn ngào.
Chiến tranh kết thúc, người lính Nguyễn Hữu Tường phục viên, trở về địa phương. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên ông chưa có điều kiện đi tìm mộ chị. Cho đến năm 1994, ông Tường mới quyết tâm đi tìm mộ chị gái. Phải mất 3 chuyến xuôi ngược Nghệ An - Quảng Bình, với sự giúp đỡ của nhiều người, cuối cùng ông Tường cũng đến được nơi chị gái mình đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). “Tôi quỳ gối trước mộ chị, không nói nên lời, nước mắt tuôn trào. Bên cạnh mộ chị là phần mộ anh Cự”, ông kể.
Cử hành hôn lễ bên phần mộ
Không ít lần, ông Tường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới để đưa hài cốt chị gái mình về quê, nhưng đều không thành.
“Lần nào tôi khấn âm dương xin hương hồn chị để đưa về quê thì cũng đều không được. Có lẽ cả tuổi trẻ của chị đã gắn bó ở đây, ngót nửa thế kỷ chị nằm lại với các đồng chí đồng đội. Hơn nữa, chị được an táng cạnh người mình yêu nên chị không nỡ rời xa chăng? Nghĩ vậy nên gia đình quyết định để chị yên nghỉ lại tại đây, bên cạnh anh Cự và các đồng đội”, ông Tường cho hay.
Tại bàn thờ gia tiên, liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn được chăm lo hương khói hằng ngày |
Gia đình anh Đặng Văn Cự ở Bắc Giang mãi không có manh mối gì để tìm mộ, chỉ biết anh tham gia công tác được 4-5 năm thì hy sinh, chưa một lần về thăm nhà. Gia đình đã tận dụng mọi cách để tìm mộ nhưng vô vọng.
Cho đến tháng 3/2022, thông qua hình ảnh về phần mộ được đăng tải trên một website về liệt sĩ, đối chiếu thông tin danh tính, năm sinh, quê quán, đơn vị, gia đình mới biết anh Cự đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới.
Lúc này, người thân mới biết về câu chuyện tình yêu của anh Cự và cô dân công hỏa tuyến xứ Nghệ Nguyễn Thị Diễn. Thông tin được khớp nối, hai gia đình đi đến thống nhất tổ chức đám cưới, hoàn thành ước nguyện đang dang dở của anh chị.
Ngày 3/4/2022, đoàn nhà trai từ Bắc Giang mang gạo, gà, trầu cau, bánh phu thê... vào Nghệ An. Mọi công đoạn được thực hiện đúng nghi thức và phong tục truyền thống của một đám cưới bình thường, chỉ khác rằng, cô dâu, chú rể không thể hiện diện.
Sau lễ ăn hỏi tại nhà cô dâu, hai họ "hành quân" vào Quảng Bình. Đoàn cử hành hôn lễ có thêm những người con xứ Quảng đã thay mặt gia đình chăm sóc, hương khói hai phần mộ và người tiếp sức, hỗ trợ ông Tường trong hành trình tìm mộ chị gái mình.
Đám cưới đặc biệt của chị Nguyễn Thị Diễn và anh Đặng Văn Cự được hai gia đình tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ vào tháng 4/2022 |
Trưa ngày 5/4, tất cả tề tựu về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới. Bên các phần mộ, hai họ thắp hương, chính thức tổ chức lễ cưới cho cô dâu Nguyễn Thị Diễn và chú rể Đặng Văn Cự. Bởi hương trầm hay bởi không khí quá thiêng liêng mà ai ai cũng cảm thấy mắt mũi cay cay. Không gian ấm cúng nhưng thinh lặng đến lạ. Trên bàn thờ là di ảnh nữ liệt sĩ xinh tươi, nhoẻn miệng cười.
“Khi lời văn khấn vừa xong, nhang cắm lên, hoa quả lễ lạt bày xong, một con bướm trắng bay tới đậu trên bó hoa nơi mộ chị tôi. Bên phần mộ anh Cự, bát hương hóa, bùng lên thành ngọn lửa. Trên đài tưởng niệm liệt sĩ của nghĩa trang, chân hương cũng bùng lên. Có lẽ hương hồn chị tôi và anh Cự, cùng hương hồn các liệt sĩ đã về chứng kiến cho một đám cưới đặc biệt”, ông Tường xúc động.
Hoàn thành lễ cưới, gia đình nhà trai mời nhà gái ra Bắc Giang để tham dự lễ cưới tại nhà thờ của dòng họ. Ngoài việc thông báo cho tổ tiên, các bậc tiền nhân và con cháu về sự kiện đặc biệt này, còn là nghi thức nhập họ cho con dâu - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. Trong gia phả của dòng họ, tiểu sử anh Cự cũng được thay từ “qua đời khi còn trẻ, chưa có vợ con” thành “Vợ: Nguyễn Thị Diễn”...
Trong lễ cưới giữa nghĩa trang liệt sĩ, con bướm trắng bay tới đậu trên phần mộ cô dâu - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. Bên phần mộ chú rể Đặng Văn Cự, bát hương hóa, bùng lên thành ngọn lửa. Lời hẹn ước thành vợ, thành chồng của họ trở thành sự thực, sau nửa thế kỷ hy sinh.