Giây phút thập tử nhất sinh
Là doanh nhân khá thành đạt, nhưng ông Thảo sống một cuộc sống bình dị ở con ngõ nhỏ phố Ô Đồng Lầm (quận Đống Đa, TP. Hà Nội). Đầu tháng 7, dù tất bật chuẩn bị các chương trình tri ân đồng đội, nhưng ông vẫn tranh thủ tiếp chuyện tôi. Vừa rót ly nước vối thơm phức trong cái nắng nhẹ buổi sáng Hà Nội, ông Thảo chia sẻ, 18 tuổi ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Sau 6 tháng huấn luyện, tháng 2/1971, ông lên đường vào Nam, được biên chế vào Đại đội 4 pháo binh, thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn chiến đấu. Mùa khô năm 1972, khi đang chiến đấu ở chiến trường Savannakhet (Lào), đơn vị ông nhận lệnh hành quân thần tốc vào miền Đông Nam bộ bảo vệ sân bay Lộc Ninh.
Ông Phạm Văn Thảo (thứ 3 bên trái) cùng đồng đội, chính quyền địa phương huyện Trảng Bom cất bốc đưa hài cốt liệt sĩ Hoàng Thanh Sơn về quê hương |
Sờ lên bả vai không còn nguyên vẹn, ông Thảo chia sẻ, ngày 14/3/1975, đơn vị ông được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường Tây Ninh - Sài Gòn tại trận địa núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Trong khi đang chiến đấu, địch cho máy bay ném bom vào trận địa khiến nhiều đồng đội hy sinh, bị thương, còn ông bị thương nặng ở cánh tay bên trái. Ông Thảo kể: “Khi hai đồng chí quân y mang cáng đến đưa thương binh đi cấp cứu, nhìn sang bên cạnh thấy đồng đội nằm quằn quại, tôi thì thào: Các đồng chí để tôi lại, đưa anh em bị thương nhẹ ra trước đi. Đằng nào tôi cũng không qua khỏi... rồi tôi lịm đi”.
“Anh Thảo là người có tấm lòng với đồng đội. Những thương binh, con em thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn anh đều tạo công ăn việc làm phù hợp. Mỗi khi đồng đội già yếu, vết thương tái phát phải nhập viện hoặc mất anh đều lo chu đáo. Anh còn đứng ra dựng vợ gả chồng cho nhiều con em liệt sĩ, thương binh khó khăn”.
Ông Trần Phú Vĩnh
Khi được các y tá đưa về trạm xá, bác sĩ nghĩ ông không qua khỏi, nên không phẫu thuật cắt cánh tay bị thương, mà tiến hành đào huyệt, chuẩn bị hậu sự cho ông. Nhưng nửa đêm, kiến bò lên cắn vào vết thương khiến ông tỉnh dậy và xin lương khô pha loãng với nước suối để uống. Sau một thời gian được chăm sóc, điều trị ông dần bình phục, xin ra viện đi tìm đơn vị và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn sau chiến thắng. “Sau trận đánh tại núi Bà Đen tôi được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì”, ông Thảo chia sẻ.
Đất nước thống nhất, ông xin xuất ngũ, rồi thi vào Đại học Luật Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội nhận vào làm việc. Ông Thảo nói: “Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, phải chứng kiến sự hi sinh, mất mát của đồng đội, khi xuất ngũ may mắn được làm công tác chính sách, chăm lo chế độ cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nên tôi có cơ hội trả nghĩa với đồng đội. Lúc bấy giờ Đảng, Nhà nước có chính sách cử lao động đủ 18 tuổi ra nước ngoài, tôi đề xuất ưu tiên con em thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 1980-1986, ông đã làm hồ sơ, giải quyết thủ tục cho hàng trăm em con liệt sĩ ra nước ngoài lao động”.
“Tôi hạnh phúc nhất là thư các cháu gửi về hỏi thăm, tôi đựng đầy một thùng sắt. Dù chuyển nhà nhiều lần, nhưng nhiều cháu về nước vẫn cố tìm đến hỏi thăm sức khỏe chú và xem tôi như người cha thứ hai”, ông Thảo kể.
Ông Phạm Văn Thảo (người ngồi giữa) động viên anh em thương binh đang làm việc tại doanh nghiệp |
Chị Lê Thị Phượng, hiện đang sống tại Liên bang Nga tâm sự: “Chú Thảo như người bố thứ hai của tôi. Tôi không quên được lời nói ân cần, dặn dò chúng tôi khi lên đường đi xuất khẩu lao động. Chiếc áo len chú tặng, tôi vẫn giữ, xem nó như báu vật. Bố tôi hy sinh khi tôi hai tuổi. Từ nhỏ tôi lớn lên trong trường Nguyễn Viết Xuân (nơi nuôi dạy con em liệt sĩ, thương binh…). Thật may mắn khi gặp và được chú giúp làm thủ tục ra nước ngoài lao động, nay cuộc sống của chúng tôi ổn định”.
Lập doanh nghiệp để giúp đồng đội
Năm 1996, ông Thảo kêu gọi một số cựu chiến binh có điều kiện ủng hộ kinh phí đi thăm đồng đội. Chuyến đi đó, ông chứng kiến nhiều đồng đội khó khăn, con cái không có việc làm. “Nếu giúp một khoản tiền nhỏ rồi cũng tiêu hết, làm sao tạo cho đồng đội, con của đồng đội có công việc ổn định may ra thoát khỏi cảnh cơ hàn”, ông suy nghĩ.
Nghĩ là làm, ông Thảo tìm hiểu thị trường, rồi quyết định thành lập doanh nghiệp chuyên về buôn bán thức ăn cho chó, mèo. Với 6 cửa hàng tại Hà Nội, ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là con em của các thương binh, liệt sỹ. Ngoài ra, ông kết hợp với một số cựu chiến binh thành lập hai doanh nghiệp chuyên về trông giữ xe ô tô và hệ thống chuỗi nhà hàng ăn uống trên địa bàn Hà Nội, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thương binh.
Chúng tôi có mặt tại điểm trông giữ xe ô tô tại khu vực Đền Lừ, gặp cựu chiến binh Trần Phú Vĩnh (72 tuổi). Ông tham gia trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và để lại ở chiến trường một cánh tay. Năm 1985, ông xuất ngũ, cuộc sống gia đình chỉ phụ thuộc vào khoản trợ cấp ít ỏi. “Năm 2015, biết hoàn cảnh của tôi, anh Thảo bố trí công việc nhẹ nhàng phù hợp với mức độ thương tật, giúp tôi đủ trang trải”, ông Vĩnh bày tỏ.
Ông Thảo còn bỏ kinh phí đưa hài cốt đồng đội được quy tập ở nghĩa trang các tỉnh phía Nam về quê hương. Ông Thảo cho biết: “Nhiều gia đình muốn đưa hài cốt liệt sĩ về nơi “chôn nhau, cắt rốn” để tiện chăm sóc, hương khói, nhưng không có điều kiện. Biết được tâm nguyện này tôi đề xuất với một số anh em, đi đến từng nhà nắm bắt tâm tư nguyện vọng. Gia đình nào muốn đưa liệt sĩ về quê, ông sẽ bỏ kinh phí vào các nghĩa trang đưa các anh về”.
Mỗi lần đưa đồng đội về ông đều kết hợp với địa phương tổ chức lễ truy điệu trang nghiêm, chu đáo. Chị Hoàng Thị Hồng Hải ở tỉnh Thái Nguyên, em gái của liệt sĩ Hoàng Thanh Sơn cho biết, gia đình chị muốn đưa liệt sĩ về quê, nhưng không có điều kiện. Khi biết tin anh Thảo là người sẵn lòng hỗ trợ, chi đã liên hệ và được anh đồng ý. Khi gia đình có nguyện vọng, anh Thảo trực tiếp vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, làm việc với địa phương, tập trung đồng đội đang sinh sống trong các tỉnh phía Nam tổ chức lễ cất bốc đưa anh Sơn về quê theo ước nguyện của gia đình.
(Còn nữa)