Tiếp theo TPCN ra ngày 26/9/21

Chuyện Hùm xám đường số 4: Khách ở làng Khương

0:00 / 0:00
0:00
Tướng Giáp với các cựu binh trung đoàn 174. Ảnh: TL
Tướng Giáp với các cựu binh trung đoàn 174. Ảnh: TL
TP - Lưng buổi sáng ấy nhà ông Việt ở làng Khương có khách! Chuyện vị khách ấy tới làng Khương Hạ, ngoại thành Hà Nội nhiều năm đã qua đi mà dân làng nhiều người vẫn nhắc nhớ.

Có người ới có khách, ngó ra ông Việt dường như không tin ở mắt mình? Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngó lạ hẳn trong bộ thường phục bên cái cổng ghép bằng tre thưa… Bên cạnh tướng Giáp là tướng Minh Đức, phụ trách Hội cựu chiến binh Hà Nội.

Tướng Giáp tản bộ một hồi quanh ngôi nhà cũ tuềnh toàng. Rồi Đại tướng vẻ bần thần, ưu tư ngồi xuống bên cạnh Đặng Văn Việt.

Tiếc là không có tấm ảnh nào lưu lại. Dường như dòng hồi ức thoảng nhanh trong đầu vị tướng Tổng Tư lệnh. Năm 1950, tháng 7, hình như những ngày cuối tháng. Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Biên giới chuẩn bị có cuộc họp trọng. Trước cuộc họp, diễn ra buổi hội ngộ các anh tài quân sự. Những Vương Thừa Vũ, Hồng Sơn, Vũ Lăng, Lê Trọng Tấn, Doãn Tuế, Hoàng Văn Thái… Trung đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt cũng được triệu tập.

Chuyện Hùm xám đường số 4: Khách ở làng Khương ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trung tá Đặng Văn Việt

Đại tướng liếc nhanh khuôn mặt trẻ măng nhưng rắn rỏi của Trung đoàn trưởng. Rồi ông phác nhanh cho một tình huống trận mạc sắp tới.

Có vội, có non quá không? Nhưng đại tướng dẹp ngay cảm giác phân vân ấy. 27 tuổi, trẻ thật nhưng trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt trận mạc lâu nay khá là ăn ý với tính cách chậm nhưng chắc chắn của chính ủy Chu Huy Mân. Cùng quê xứ Nghệ với Đặng Văn Việt, nhưng Chu Huy Mân chững chạc sớm. Hồi 45, Việt mới tham gia phong trào Việt Minh thì Chu Huy Mân đã là đảng viên kỳ cựu hoạt động từ hồi Xô viết Nghệ Tĩnh từng lãnh án tù Kontum, từng vượt ngục!

Rồi bốn tay Tiểu đoàn trưởng khác của Trung đoàn 174. Tất thảy tuổi tác đều nhỉnh hơn Trung đoàn trưởng Việt nhưng luôn là trợ thủ đắc lực của Đặng Văn Việt. Trong số ấy có Nguyễn Hữu An trưởng tiểu đoàn 251 xung lực chính trong trận Lũng Phầy lẫy lừng ngày 3/9/1949 trên đường số 4. Tiểu đoàn 251 của Nguyễn Hữu An bắt 100 tù binh, phá hủy 96 xe vận tải và 3 xe tăng, thu nhiều chiến lợi phẩm.

Chuyện Hùm xám đường số 4: Khách ở làng Khương ảnh 2

Sách Pháp viết về Đường 4 và Đặng Văn Việt

Lũng Phầy là đòn đánh thăm dò nhưng vỗ mặt của bộ đội Việt Minh non trẻ với đội quân lê dương nhà nghề trên một địa bàn phức tạp. Đại tướng được nghe kể lại một cảnh ngoạn mục. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu An đã lệnh cho đám tù binh điều khiển hàng chục chiếc xe ta thu được, gài số sẵn rồi lệnh lái xe nhảy ra trước khi cho xe lao xuống vực!

Như đang mồn một trong hồi ức Đại tướng một quá vãng đáng nhớ.

… Vào cuộc họp chính, tất thảy cán bộ quân đội tại Sở chỉ huy Mặt trận thoắt lặng phắc rồi những ý kiến ào ạt sôi nổi hưởng ứng khi Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt xung phong phát biểu đầu tiên. Chất giọng đanh chắc trở nên gấp gáp khi Đặng Văn Việt nêu ý kiến rằng phải đánh cứ điểm Đông Khê đầu tiên chứ chưa nên đánh Cao Bằng vội. Bởi vì Đông Khê là yết hầu nuôi sống Cao Bằng. Đông Khê bị đánh, buộc địch phải cứu viện, tạo điều kiện cho ta diệt viện binh!

Rất lanh lẹ, ý kiến của Trung Đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt đã trở thành mệnh lệnh của Sở chỉ huy tiền phương.

Cứ như lịch sử lặp lại? Chiến dịch Biên giới bằng đòn đánh mở đầu Đông Khê đã điểm trúng đại huyệt của địch vỡ bung thế trận của cuộc chiến. Mở ra một cục diện mới của cuộc kháng chiến chống Pháp. Và sau này là Buôn Mê Thuột đòn điểm huyệt trong Đại thắng Mùa xuân 1975.

Dòng hồi ức chầm chậm rồi nguôi dần… Đại tướng đặt tay lên đầu gối chủ nhân, thân mật.

Này, cô ấy nghe nói cũng mới mất? Vẫn là cô dược sỹ ngày nào?

Trời ơi, Đại tướng nhớ lâu quá. Vâng nhà em là Huyền dược sĩ. Nhà em mất năm 1999. Vâng đám cưới chúng em sau ngày hòa bình 54 đấy ạ. Chúng em được hai cháu, gái là Hằng sinh năm 1957 và trai là Hùng sinh năm 1960. Cháu Hằng là kiến trúc sư và Hùng là kỹ sư xây dựng ạ.

Đại tướng ôn tồn:

Này, cơn cớ nào mà cậu lại ở giữa làng Khương thế này?

Thiếu tướng Minh Đức cười rộ… Chủ nhân như cũng lây cái cười thoải mái ấy.

Chuyện dài lắm Thủ trưởng ơi…

Dài nhưng chủ nhân thuật lại một mạch.

…Sau cái án cụ thân sinh Đặng Văn Hướng ở quê Diễn Châu bị đấu tố và sau 6 năm làm chủ nhiệm huấn luyện Trường Sĩ quan lục quân, vẫn nguyên hàm trung tá mà Đại tướng đã phong từ năm 1947, Đặng Văn Việt được chuyển ngành làm Cục phó cục Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Sẵn tư chất thông minh, Đặng Văn Việt đã bền bỉ theo học Khóa I hệ tại chức chuyên ngành công nghiệp dân dụng suốt 5 năm tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thời gian đầu ở Bộ Xây dựng, gia đình ông Việt gồm hai vợ chồng và 2 con cùng 1 người cháu được phân tạm một phòng 30 mét vuông tại Khu tập thể nhà cấp bốn của Bộ Xây dựng ở 20 Lê Thánh Tông.

Rồi sau đó Bộ Xây dựng đã cho phá khu tập thể ấy, xây nhà mới cao tầng. Gia đình ông Việt được di chuyển đến nơi ở mới ở phố Minh Khai - trên tầng 4 Khu tập thể Bộ Xây dựng. Diện tích cũng 30 mét vuông. Nhưng cũng chỉ là tạm. Nói là tạm vì hai bên cam kết khi xây xong nhà cao tầng ở 20 Lê Thánh Tông thì gia đình ông Việt phải trả nhà ở Minh Khai.

Chuyện Hùm xám đường số 4: Khách ở làng Khương ảnh 3

Cụ Đặng Văn Việt và gia đình

Chuyện Hùm xám đường số 4: Khách ở làng Khương ảnh 4
Kể chuyện Đường 4 cho cháu

Năm 1965, Phó Cục trưởng Đặng Văn Việt được chuyển công tác về Bộ Thủy sản làm Phó Cục trưởng Cục xây dựng cơ bản. Ông Việt lăn lộn tất bật với công việc. Từng trực tiếp chỉ đạo xây dựng 12 nhà máy đông lạnh và chỉ huy việc dọn sạch lòng hồ Thác Bà hơn 5 ngàn ha để nuôi cá. Ra mãi Tiên Yên - Quảng Ninh xây đầm nuôi cá…

Nhà 20 Lê Thánh Tông xây xong, nhưng đùng cái, Bộ Xây dựng đánh công văn đề nghị Bộ Thủy sản cấp nhà cho ông Việt. Bộ Thủy sản nại lý do Bộ đang gặp khó khăn về nhà cửa! Ông Việt đành phải đợi…

Đợi mãi. Đến khi anh con trai ông Việt cưới vợ. Ông bà đành ngăn đôi cái diện tích 30 mét vuông ở Minh Khai cho vợ chồng con trai có chỗ ở.

Thôi thì gian nan công việc lẫn chuyện nhà ở thì cũng cố chịu đựng. Nhưng đột ngột có chuyện ông Việt tưởng khó mà chịu được.

Ấy là năm 1975, khi ông Đặng Văn Việt ở tuổi 55, Bộ Thủy sản đùng cái có quyết định cho ông nghỉ hưu trước tuổi mặc dù không phạm khuyết điểm gì!

Chuyện Hùm xám đường số 4: Khách ở làng Khương ảnh 5

Thăm nhà văn Sơn Tùng

Những ngày hoang mang buồn chán ấy qua mau. Ông chưa kịp đơn từ kêu xin thì một người lính của Trung đoàn 174 năm xưa dưới quyền ông ở Mặt trận đường 4 khi ấy làm ở Phủ Thủ tướng đã báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo ông Bộ trưởng Thủy sản hủy cái quyết định bất cận nhân tình ấy mà cho Đặng Văn Việt tiếp tục làm việc đến năm 1980 đúng tuổi hưu!

Rồi những ngày gian nan của thời kỳ hưu… hắt!

Bảy miệng ăn loanh quanh tù túng trên tầng 4 khu tập thể. Ông Việt bàn với vợ là bố vợ mất rồi, nhà đất ở làng Khương Hạ vắng người… Thôi thì để ông xuống đó trông nhà làm vườn.

Bàn tay cậu ấm con quan cầm bút rồi ôm súng nay cần mẫn phạt cỏ cuốc đất trên thửa vườn hoang.

Ông trồng chuối, trồng các loại rau mùa nào thức nấy. Ăn không hết, ông chất lên chiếc xe đạp dong ra chợ hoặc đứng bán ở ngã ba ngã tư… Bạn bè nhiều người chứng kiến, bắt gặp. Và cả chuyện ông nghe lời đồng đội cũ chuyển sang trồng hoa. Rồi kiêm thêm cả việc đưa kẹo bột, bánh gai, bánh su sê… cho các bà hàng nước kiếm thêm mấy đồng bạc lẻ.

Chuyện đã loang đến tai tướng Giáp!

Và bữa nay, Đại tướng đã cùng tướng Minh Đức, Hội cựu binh Hà Nội đến làng Khương Hạ thăm người lính, người trung đoàn trưởng quả cảm mà mình từng ký quyết định phong quân hàm trung tá năm 1947!

Nhiều, nhiều lắm những khó khăn, gian nan…

Nhưng khi Đại tướng hỏi thăm thì ông Việt cũng mạnh dạn bộc bạch cái tâm trạng bức xúc, cấn cá nhất. Ấy là việc minh oan chính trị cho cụ thân sinh!

Chuyện Hùm xám đường số 4: Khách ở làng Khương ảnh 6

Cụ Đặng Văn Hướng thân sinh Đặng Văn Việt

Sau chuyến về làng Khương ấy, có thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Ban Bí thư T.Ư Đảng đồng gửi Ban Tổ chức T.Ư.

… Cụ Đặng Văn Hướng có con là Đặng Văn Việt. Anh Việt có tinh thần yêu nước, tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 ở Huế sau đó vào Quân đội đã từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 chỉ huy đơn vị lập nhiều chiến công vẻ vang trên đường số 4.

Năm 1945 cụ Đặng Văn Hướng là Tổng đốc Nghệ An đã có thái độ đón tiếp hợp tác bàn giao chính quyền đảm bảo cho cuộc cướp chính quyền của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Nghệ An được thuận lợi. Từ đó về sau Cụ đều đồng tình hưởng ứng các chủ trương của chính quyền cách mạng.

Khi thành lập Chính phủ Liên hiệp, Cụ được mời giữ chức Bộ trưởng không Bộ của chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là một nhân sĩ có tinh thần độc lập. Đáng tiếc là trong phong trào giảm tô cải cách ruộng đất ở địa phương đã xử lý Cụ không đúng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo tôi cần có xác nhận này để nói lên thái độ đúng đắn của Đảng và chính phủ ta đối với Cụ, trân trọng Cụ Đặng Văn Hướng - một nhân sĩ có tinh thần dân tộc và đáp ứng nguyện vọng của đồng chí Đặng Văn Việt cũng như gia đình Cụ.

Sau thư của tướng Giáp có thêm thư của tướng Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyên Ủy viên Ủy Ban khởi nghĩa tại Nghệ An tháng 8 năm 1945, người từng gần gũi với cụ Hướng.

Mãi đến năm 2011, việc minh oan ấy mới có kết quả, trước 2 năm mất của Tướng Giáp!

Người lính già Đặng Văn Việt đã đặt bản sao những bức thư lên bàn thờ thắp hương rồi sau đó hóa để Cụ thân sinh được thỏa vong linh!

Đón đọc Kỳ V: Cuộc gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng và cựu binh Pháp trên TPCN ra ngày 10/10/21

MỚI - NÓNG