Chuyện Hùm xám Đường 4

0:00 / 0:00
0:00
Tiền nhân ông Đặng Văn Việt (hàng trên: bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ)
Tiền nhân ông Đặng Văn Việt (hàng trên: bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ)
TP - Tôi đang ngồi với một nhân chứng huyền thoại của quân sử Việt. Người đã tham gia 126 trận đánh lớn nhỏ. Đánh thắng 120 trận suýt chết 30 lần. Bị thương tới 5 lần. Toàn vào chỗ hiểm. Nhiều tướng lãnh Pháp sau này (trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng) đã gọi ông là Tiger gris de la RC4 - Hùm xám Đường số 4…

Kỳ I: Trăm linh một tuổi

Nhớ mang máng đâu như nhà ông ở lối ngã ba chỗ nhà máy Dệt Minh Khai là rẽ? Mang máng vì cái độ lẩu lâu, theo chân ông Tạ Đình Đề lang thang ở khu vực Bãi rác mạn Thanh Nhàn. Đận ấy ông kéo tuột vào một chỗ ông quen. Cái thời thường xuyên có những cuộc đi ngẫu hứng bất chợt cùng ông Đề. Mà thường ông chẳng có kế hoạch và định trước gì sất. Nhờ vậy mà có lắm cuộc, nhiều mối quen bất ngờ. Như Hùm xám đường số 4 Đặng Văn Việt này chẳng hạn?

Cuộc gặp ấy khá gây ấn tượng. Chuyện ông già họ Đặng này là con dòng cháu dõi quan lại xứ Huế. Chuyện ông chỉ huy một trung đoàn thiện chiến đánh Tây ở đường số 4 trong chiến dịch Biên giới nổi tiếng đến mức lính Pháp phong cho ông biệt danh Hùm xám… Nhưng những chuyện ấy phần nhiều nghe qua ông Đề bởi chủ nhân họ Đặng vốn kiệm lời.

Rồi những ấn tượng ấy loãng, nhòa đi rất nhanh sau những dồn dập biến cố. Ông Tạ Đình Đề mất một thời gian… Rồi tôi có nghe ông Hùm xám ấy cũng đã về cõi!

Nhưng gần đây choáng cả người khi nghe tin Hùm xám vẫn còn sống! Và lại sống khỏe.

Tôi tìm về Ngã ba Minh Khai.

Đã biến mất cái khu tập thể của Bộ Xây dựng xập xệ hồi nào. Và một khu chung cư mới đã thay thế. Nhưng hỏi đến mươi nhà chả ai biết tung tích gì về ông cả!

Một ông hàng nước mách cứ đến Công an phường Minh Khai mà hỏi vì họ nắm hộ khẩu của hầu hết dân cư cái nhà tập thể chuyển đi ấy thì may ra…?

Cũng chỉ hỏi hú họa. Nhưng ngạc nhiên chưa, đồng chí công an phường trẻ măng nói luôn rằng tôi nên tìm đến phòng và tầng nọ trong khu chung cư hăm mấy tầng của phường. Thấy tôi ngạc nhiên, chú chàng cười, cụ Đặng Văn Việt, trăm linh một tuổi - công dân cao tuổi nhất của phường sao lại không biết?

Một căn hộ cũng tàm tạm. Rộng vừa phải. Cụ Đặng Văn Việt đang ở nhà vợ chồng ông con trai. Người con dâu của cụ Việt khá xởi lởi và mặn chuyện với khách. Thì ra căn hộ này ông bà thuê vài năm nay. Cụ Việt có nhà.

Cái dáng lòng khòng. Tấm lưng không thẳng tắp như dạo nào? Nhưng nhỡn lực từ cặp mắt sắc sảo cùng bàn tay ấm nóng chứng tỏ sức cụ còn khá vượng? Cụ làm sao nhận ra tôi tận những năm xa lắc ấy? Nhưng may mắn khi nói là lần ấy có đi cùng ông Tạ Đình Đề là cụ niềm nở vào chuyện.

Ngạc nhiên khi bà con dâu cho biết ba năm trước cụ còn phóng xe máy ào ào. Và nghỉ nhảy đầm cũng chỉ dăm năm lại đây?

Câu chuyện từ người con dâu và thứ sinh khí truyền sang từ lòng tay cụ chủ nhân cao niên như khiến một quá vãng hào hùng được tái sinh? Như hiển hiện lại cái thuở chàng thanh niên Đặng Văn Việt sinh viên nội trú trường Công giáo có tên là Ý Chúa (Institut de la Providence) ở thành Huế năm nào. Chàng thanh niên Đặng Văn Việt thông minh lanh lợi sức nhớ bền dai cứ vào thun thút các môn Anh ngữ, tiếng Pháp, Ý, Hy Lạp và cả La mã cổ. Sau 4 năm ở Institut de la Providence, Đặng Văn Việt lại được theo học tiếp tại Trường trung học Khải Định tức là Quốc học Huế làm học trò yêu của nhiều thày cô xuất sắc.

Việt ham học, ham đọc và cũng ham chơi. Dáng chuẩn, cao một mét bảy nặng 68 kg. Từng là đội trưởng đội bóng đá với sở trường thuận chân trái lợi hại. Ba lần Việt vô địch trường đua xe đạp Huế cùng giải chạy nhanh và bơi vượt sông Hương.

Trí nhớ tôi cố chắp nối từ mẩu thông tin năm xa… Cậu ấm con quan? Chẳng thể ngờ ở cái tuổi trăm hơn mà trí nhớ của lão chủ nhân vẫn sắc nét, rành rẽ.

Cụ thân mật nắm lấy tay tôi dẫn đến gian thờ đương trưng ngay ngắn các ảnh. Cụ ưng thuận cho khách kính cẩn lên ba nén hương.

Chất giọng chủ nhân trầm đều đều như đưa khách về một quá vãng.

***

Phủ Diễn Châu vùng đất thiêng, đất lạ. Vùng ấy có hai dòng họ nổi trội, Cao Xuân Đặng Văn thuộc dòng danh gia thế phiệt. Hai dòng họ này đã sản sinh ra hàng trăm con cháu thông minh, học giỏi, đạt khoa bảng cao thời xưa cũng như thời nay.

Riêng họ Đặng Văn ở đất Nho Lâm (Diễn Châu) có cụ Đặng Văn Thụy, văn hay, học rộng, 16 tuổi đỗ Đầu xứ; 25 tuổi thi hương đỗ Cử nhân (Á nguyên). Năm 1904 cụ thi hội, đỗ nhị Giáp tiến sĩ Bình Nguyên (tức đỗ nhất, Hoàng Giáp), được bổ nhiệm là Tử nghiệp (Phó hiệu trưởng) sau đấy là Tế Tửu (tức Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám, trường đại học quốc gia lớn nhất thời phong kiến). Đặng Văn Thụy là một Quốc sư dạy từ vua trở xuống.

Tế tửu Quốc tử giám Đặng Văn Thụy có hai con trai đều học hành đỗ đạt. Đặng Văn Oánh và Đặng Văn Hướng đều đỗ Phó bảng đồng khoa!

Cụ Hướng sinh 1887. Năm 1906 cụ 18 tuổi đỗ Cử nhân, năm 1919 đỗ Phó bảng. Thời Tây cụ chuyển sang học tiếng Pháp. Đi thi đỗ Thành chung. Tính tình cương trực, tiết tháo liêm khiết nên thời nào cũng được dân trọng. Thời Bảo Đại, cụ làm đến Thượng thư bộ Hình. Thời Trần Trọng Kim làm Tổng Đốc Nghệ An. Trong Chính phủ Liên hiệp Hồ Chí Minh làm Bộ trưởng Không Bộ phụ trách Thanh – Nghệ - Tĩnh.

Phong trào Việt Minh dấy phát khắp Nghệ Tĩnh. Cụ Hướng bí mật liên lạc với Việt Minh qua các ông Trần Văn Cung, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và Lê Viết Lượng (sau này làm Chủ tịch UB Kháng chiến hành chính Trung Bộ). Nghe lời ông Cung, ông Lượng, Tổng đốc Đặng Văn Hướng đã thay viên lãnh binh chính quyền thân Nhật. Thay cả viên tri huyện có tư tưởng bài Việt Minh!

Cách mạng Tháng Tám, Tổng đốc Đặng Văn Hướng nhanh chóng bàn giao ấn tín vũ khí, tiền bạc cho chính quyền mới. Sau đó cụ tham gia Việt Minh Liên khu IV. Suốt 7 năm từ 1946- 1953, cụ sát cánh cùng Bí thư 3 tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh cần mẫn chống đói diệt giặc dốt. Năm 1953, Cụ Hồ cử hai ông Hoàng Quốc Việt và Trần Công Tường về Nho Lâm mời cụ Hướng ra Việt Bắc làm việc bên cạnh Chính phủ.

Nhưng hỡi ôi cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất đã làm tanh bành xứ Nghệ. Vị nhân sĩ Đặng Văn Hướng đáng kính bị đấu tố liên miên và bị chết trong trại giam!

***

… Chất giọng chủ nhân Đặng Văn Việt chừng như chùng lại và khàn thêm. Nhỏ nhẹ nhưng vẫn rành rẽ về khúc nhôi bên đằng ngoại. Về cái đận vàng son một thuở, một thời.

Chuyện Hùm xám Đường 4 ảnh 1
Ông Đặng Văn Việt và tác giả

Càng nghe càng thêm những hụt hẫng cùng là tiêng tiếc bởi thời nay những thông gia cùng môn đăng hộ đối đã thưa vắng đi bao nhiêu những tiết tháo cùng hiền lương?

Thân mẫu Đặng Văn Việt là cụ Hoàng Thị Hiền, con gái cụ Hoàng Đạo Phương. Mà cụ Phương là bào huynh của cụ Hoàng Đạo Thúy, người anh cả của Hướng đạo sinh Việt Nam.

Cái công sinh thành của cụ Phương thật là đáng nể! Cô con gái đầu là vợ ông Trịnh Văn Bính, một yếu nhân tâm phúc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến đi Pháp năm 1946. Ông Bính là người có công lớn trong việc xây dựng nền tài chính của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bà em là Hoàng Thị Minh Hồ đẹp duyên với người anh ông Trịnh Văn Bính là nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô. Gia đình ấy là một phần sử của cái thuở ban đầu dân quốc ấy. Liền mấy ngôi nhà hiến cho cách mạng trong đó có nhà 48 Hàng Ngang nơi cụ Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập và riêng Tuần Lễ Vàng đã hiến hơn 5.000 lượng.

Chất giọng rủ rỉ của chủ nhân khiến tôi như bừng thức bởi một sự ngạc nhiên. Hàng xóm của ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ là nhà tư sản Nghĩa Tường ở phố Hàng Ngang tức là cụ Đặng Thị Huyền. Noi gương ông bà Trịnh Văn Bô hào hiệp hằng tâm hằng sản với cách mạng, nhà Nghĩa Tường cũng hăng hái tự nguyện hiến cho cách mạng hai căn nhà cùng mấy vạn đồng bạc Đông Dương.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần cô con gái nhà Nghĩa Tường là Đặng Thị Thọ theo một đoàn nhân sĩ ra chiến khu úy lạo các chiến sĩ. Chẳng hiểu duyên số thế nào mà anh chiến sĩ Đội Biệt động thành Tạ Đình Đề lọt vào mắt xanh của cô tiểu thư khuê các Đặng Thị Thọ. Chuyện họ nên vợ nên chồng như thế nào là cả một câu chuyện đẹp và dài. Cũng như cái bi kịch mà người đàn bà tài sắc ấy phải gánh chịu biết bao khổ não đau đớn khi ông chồng Tạ Đình Đề sau này bỗng dưng bị vu cho cái tội làm gián điệp! Chuyện ấy xin được khất bạn đọc vào dịp khác!

Bây giờ càng nghe chuyện của cụ chủ nhân, tôi mới càng hiểu tại sao trước đây tư gia của Hùm xám đường số 4 Đặng Văn Việt lại là chỗ đi lại thân thiết với Tạ Đình Đề.

… Làn khói hương hồi nãy đương vấn vít tỏ mờ quanh những bức hình cụ ông, cụ bà thân sinh chủ nhân ăn vận theo lối cũ.

Hai cụ Hướng và Hiền sinh được 8 người con, 3 trai 5 gái. Số phận của họ trong cơn bão lốc cải cách ruộng đất ra sao? Và người con trai Đặng Văn Việt thời điểm đó như thế nào? Câu chuyện của chủ nhân như lật tiếp một cuốn sử nhà vấn vít cùng sử nước…

Đón đọc kỳ 2: Cờ trên Ngọ Môn và cuộc vợ nhỡ trên TPCN ra ngày 19/9/2021

MỚI - NÓNG