Tại sao có danh Hùm xám Đường 4?

0:00 / 0:00
0:00
Đường số 4 khi chưa xảy ra chiến trận (Ảnh của LIFE)
Đường số 4 khi chưa xảy ra chiến trận (Ảnh của LIFE)
TP - Từ trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Đặng Văn Việt được điều về Bộ Tổng tham mưu làm Trưởng phòng tác chiến, tiền thân của Cục tác chiến sau này.

Quyết định của Bộ Tổng tham mưu chả phải tình cờ. Lanh lợi, thông minh và năng khiếu quân sự sớm phát lộ nổi trội ở chàng trai mới 26 tuổi. Tuổi ấy mà đã từng cọ xát thực tế chiến trường thời điểm sau ngày toàn quốc kháng chiến được đồng đội nhớ.

Mặt trận Đường số 4 được thành lập. Đặng Văn Việt lại được điều làm Đặc phái viên của Bộ Quốc phòng tại Mặt trận này.

Đường số 4 chạy dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Suốt từ Đông Bắc xuyên Tây Bắc, khởi đầu từ Mũi Ngọc - Móng Cái - Tiên Yên qua Đình Lập đến Lộc Bình rồi thị xã Lạng Sơn nối với Cao Bằng với các địa danh chủ yếu Đồng Đăng, Na Sầm, Thất Khê, Đông Khê…

Toàn bộ đường 4 dài 340km qua ba tỉnh. Từ đường 4 có các đường ngang quan trọng: từ Tiên Yên đường 18 về Hòn Gai - Hải Phòng; nối với đường 13 xuôi về Chũ, Lục Nam, Bắc Giang; qua Lạng Sơn nối với đường số I xuôi về Hà Nội; ngược lên là Đồng Đăng, Mục Nam Quan giáp với Bằng Tường - Long Châu (Trung Quốc).

Thử sức đầu tiên của Đặc phái viên chiến trường Đông Bắc và Mặt trận Đường số 4 Đặng Văn Việt là trận Bố Củng - Lũng Vài. Trận này ta tiêu diệt gọn đoàn xe 16 chiếc. Lần đầu bắt sống 6 tù binh lê dương. Thu nhiều vũ khí cối 60 ly, đại liên, tiểu liên…

Rồi tiếp trận Bản Nằm, tiêu diệt 200 địch. Mọi tình huống diễn ra đúng kịch bản mà Đặng Văn Việt cùng ban chỉ huy đã vạch ra.

Tại sao có danh Hùm xám Đường 4? ảnh 1

Lính Pháp ra hàng trong trận Đường số 4

Sau trận Bản Nằm, Đặng Văn Việt được thăng chức Trung đoàn phó. Rồi tháng 10/1947 được thăng Trung đoàn Trưởng ở tuổi 27.

Tướng Giáp rất có ấn tượng với trung đoàn trưởng trẻ này với năng khiếu quân sự nổi trội. Trước mỗi trận Đặng Văn Việt có đến hàng chục trường hợp giả định khác nhau!

Rồi thực tế chiến trường Đông Bắc và Đường 4 thay đổi mau lẹ. Để chủ động ứng phó tình hình, Tướng Giáp cho gọi Trung đoàn trưởng trung đoàn 74 của Cao Bằng là Chu Huy Mân và Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt lên.

Một quyết định đột ngột. Trung đoàn chủ lực mang số hiệu 174 được thành lập. Đại tướng chỉ định Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng và phân công Chu Huy Mân làm chính ủy.

Đại tướng căn dặn hai ông dân Nghệ An rằng, nhiệm vụ là xây dựng Trung đoàn 174 thành một trung đoàn mạnh có khả năng đánh vận động tiêu diệt nhiều sinh lực địch tiến tới đánh những trận công kiên lớn! Muốn vậy phải mạnh về tư tưởng, trình độ, kỹ thuật. Công tác chính trị binh vận và dân vận phải giỏi!

Chồng chất khó khăn cùng là thử thách. Riêng khoản hậu cần thôi: Một trung đoàn độc lập nhiều tiểu đoàn và đại đội trực thuộc quân số vài nghìn người đóng ở đâu chỉ non tháng là ăn cạn thóc dân nuôi. Vậy trung đoàn luôn phải di chuyển, giành thế chủ động bất ngờ.

Đặng Văn Việt và Chu Huy Mân liên tục cùng đại đội trưởng trinh sát là Sáu Nhật (tên thật Koshiro Iwai, theo Việt Minh từ khi quân đội Nhật hoàng đầu hàng ở Lạng Sơn) đi thực địa điều nghiên chuẩn bị khai hỏa trận Bông Lau, Lũng Phầy. Cách đánh chủ động bất ngờ mang lại hiệu quả lớn của trận Bông Lau, Lũng Phầy đã làm nức lòng quân dân Đường 4.

Tại sao có danh Hùm xám Đường 4? ảnh 2

Thành tích chiến đấu của cụ Đặng Văn Việt:

Suốt thời gian ở các chiến trường, Đặng Văn Việt đã tham gia 126 trận đánh lớn nhỏ. Đánh thắng 120 trận, suýt chết 30 lần, bị thương 5 lần, toàn vào chỗ hiểm.

Nhà nước và Quân đội đã tặng Trung tá Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt nhiều Huân chương trong đó có 4 Huân chương Hạng Nhất. Một Huân chương Độc lập Hạng hai.

Còn các tướng tá và binh lính Pháp phong ông là Tiger gris de la RC4 - Hùm xám Đường số 4; Herode la RC4 - Anh hùng đường 4; Petit Napoleon (Tiểu Nã Phá Luân); Maréchal sans étoile (Nguyên soái không sao).

Hơn 100 xe được hai tiểu đoàn lê dương khóa đầu và khóa đuôi. Đội hình mỗi tốp 10 xe, cách nhau 300 mét. Tốp trước cách tốp sau 2km, địch hy vọng cách vận hành này sẽ an toàn!

Nhưng vào trận, mở màn ngày 3/9/1949, đội hình địch đã bị xé lẻ, tan tác. Địch bị lọt vào vị trí ém quân phục kích dài trên 6km của 4 tiểu đoàn bộ binh của Đặng Văn Việt, với xung lực chính là tiểu đoàn 251 do Nguyễn Hữu An chỉ huy.

Đây là trận thắng lớn nhất trên đường số 4. Hơn 100 tù binh bị bắt, phá hủy 96 xe vận tải và 3 xe tăng thu nhiều chiến lợi phẩm.

Với những trận thắng liên tiếp, Trung đoàn 174 của Đặng Văn Việt đã chặt đứt đường tiếp tế của Pháp từ Na Sầm lên Cao Bằng, đoạn quan trọng nhất của cái cuống họng từ Lạng Sơn đến cái dạ dày lớn phía Bắc. Vậy là để tiếp tế cho Cao Bằng, địch phải dùng máy bay. Đường số 4 trở thành con đường máu, con đường chết!

Trung đoàn của Đặng Văn Việt trở thành mũi chủ công trong Chiến dịch Biên giới là cả một câu chuyện dài.

Đảng ủy Mặt trận Biên giới gồm Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Bùi Quang Tạo (Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy) đã cân nhắc ý kiến táo bạo của Trung đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt chủ động đề xuất là đánh trước Đông Khê thay vì đánh Cao Bằng.

Tại sao có danh Hùm xám Đường 4? ảnh 3

Anh hùng La Văn Cầu - thứ 2 từ trái sang.

Và trung đoàn 174 ngay sau đó đã được chọn là mũi chủ công.

… Ba lần trong đêm 17/9/1950, các tiểu đoàn xung kích của 174 đột phá pháo đài Đông Khê thì cả 3 lần đều vấp phải sự phản kháng quyết tử thủ của địch. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt. Tiểu đội phó La Văn Cầu ôm quả bộc phá 12 kg xông lên đánh lô cốt to nhất. La Văn Cầu bị trúng đạn ngất đi. Bộc phá văng mất. Sau tỉnh lại, anh Cầu nhờ đồng đội chặt cổ tay đang lủng liểng đẩy quả bộc phá vào sát lỗ châu mai. Lô cốt bị sạt một góc lớn. Xung kích ào lên.

Cũng cần nói thêm, sau trận Đông Khê, La Văn Cầu được phong anh hùng. Nhưng có hai tấm gương quả cảm nữa trong đơn vị La Văn Cầu dự trận đêm 17/9. Đó là Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên. Người thứ hai là tân binh Lý Văn Mưu, lúc đó mới 18 tuổi cùng tổ bộc phá với La Văn Cầu. Sợ rằng mình có thể hy sinh trước lúc giật kíp châm ngòi nổ, anh tân binh Lý Văn Mưu đã giật kíp trước khi mang bộc phá xông lên đặt vào lô cốt. Một cảnh tượng bi hùng in dấu vĩnh viễn đến mai sau. Ấy là khi anh Mưu vừa kịp mang được quả bộc phá lên thì bộc phá nổ tung!

Chi tiết này không hiểu sao, quân sử ít nhắc đến?

Anh hùng La Văn Cầu sau này đã viết nhiều đơn, thư đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho thủ trưởng cũ của mình, Trung đoàn trưởng trung đoàn 174 Đặng Văn Việt. Trong thư ông tha thiết tỏ bầy rằng, tôi được phong tặng danh hiệu cao quý đó một thì thủ trưởng tôi, Đặng Văn Việt phải xứng đáng 10 lần anh hùng!

…Nhân cụ Việt có việc vào nhà trong một lát, tôi cầm lấy tập vở chi chít chữ mà hồi nãy trong câu chuyện thi thoảng cụ lại giở ra ngó.

Thì ra đó là bản thảo cuốn sách Đường 4 rực lửa mà sau này tôi mới được tiếp cận. Một sự tiếp cận muộn màng. Bởi Đường 4 rực lửa từng được dịch sang tiếng Pháp. Rồi sách đoạt giải thưởng của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Theo yêu cầu của bạn đọc và cựu binh ta lẫn Pháp, cụ Việt đang sửa chữa bổ sung để chuẩn bị cho lần tái bản gần nhất.

Thật kính nể, cảm phục! Thời điểm viết cuốn Đường 4 rực lửa, người lính già Đặng Văn Việt đã ở độ tuổi gần 80. Người nhà cùng các bạn cựu binh có người đề nghị hay là nhờ một nhà văn nhà báo nào đó, cụ cứ kể họ sẽ ghi lại rồi cụ làm cái việc biên tập sau. Nhưng cụ chỉ cười và bắt tay vào việc viết sách. Nghe cụ bộc bạch, bản thảo Đường số 4 rực lửa chỉ bỏ ra hơn 5 tháng!

(Còn trong chính loạt bài viết này, cụ Việt đã hào phóng luôn sẵn lòng cung cấp cho tôi những tư liệu cần thiết).

Về mấy trận đánh Đường số 4 cụ có hẳn một bài thơ. Xin được chép ra đây:

Tự do độc lập hồn sông núi/ Một dải biên cương Tổ quốc mình/ Cao Lạng điệp trùng quân giặc chiếm/ Nguyện vì Tổ quốc quyết hy sinh/ Chiến công huyền thoại đường số 4/ Quân tướng nhất tâm chí lực cường/ Trăm trận xuất quân trăm trận thắng/ Anh hùng đất Việt sáng muôn phương.

Và đoạn cuối bản thảo cuốn sách là những dòng tóm tắt về Trung đoàn 174:

- Trung đoàn 2 lần được phong Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam

- 2 Tiểu đoàn được tuyên dương anh hùng

- 10 chiến sĩ, cán bộ trở thành Anh hùng

- 10 Huân chương Quân công

- 1.130 Huân chương Chiến công

- 20 cán bộ chiến sĩ lên cấp tướng (1 tướng 4 sao, 1 tướng 3 sao, 6 tướng 2 sao, 12 tướng 1 sao).

- Hơn 100 người được phong hàm đại tá

MỚI - NÓNG