Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng, chắn gió cánh rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Tạo sinh kế cho người dân

Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nằm trên đầm nước tự nhiên với diện tích khoảng 110 ha, cách trung tâm TP. Quảng Ngãi theo hướng đông bắc hơn 40 km. Đây cũng là nơi đầu nguồn của con sông Suốt với chiều dài gần 5 km, uốn quanh theo các động cát, núi đồi giáp biển đổ ra cửa biển sông Đầm.

Tuy nhiên, việc nhiều nhà máy, xí nghiệp ở Khu kinh tế (KKT) Dung Quất mọc lên và sự tác động của biến đổi khí hậu, khiến rừng ngày càng thưa thớt, cây cóc trắng (loài cây bản địa) bị suy giảm, tình trạng nước biển xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng, các loại thủy sản ven bờ cạn kiệt do không có nơi trú ngụ.

Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 1Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 2Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 3

Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái có diện tích khoảng 110ha nằm ở xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)

Ông Nguyễn Khương (67 tuổi, trú thôn Thuận Phước) đã gắn cả đời với đầm ngập mặn để mưu sinh. Ngày xưa, mỗi mùa nước lũ lên, các loài thủy sản theo con nước kéo về Bàu Cá Cái sinh sản. Sau mùa lũ, bàu có rất nhiều tôm cá. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên diện tích cây cóc trắng tại đây ngày càng bị thu hẹp, chim chóc, thủy sản cũng ngày một ít đi…

“Tên gọi Bàu Cá Cái xuất phát từ chính đặc trưng của đầm nước mặn. Nó như tình mẫu tử thiêng liêng, che chở ôm ấp đàn con trong bụng, vừa là nơi sinh sản, trú ngụ cho các loài thủy sản ven biển”, ông Khương cho biết.

Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn nhằm giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển và tạo ra sinh kế cho người dân.

Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 4Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 5

Sau khi được "hồi sinh", các loài chim, cò về đây cư trú, sinh sản rất nhiều. Ảnh: M

Lãnh đạo UBND xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn) cho hay, Bình Thuận là xã nằm trong KKT Dung Quất với nhiều công ty, xí nghiệp. Bàu Cá Cái có diện tích cây cóc trắng lớn, như “lá phổi xanh” làm hạn chế gió, cát từ biển bay vào và đảm bảo môi trường trong lành quanh năm.

Trong những năm 2015 -2021, tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận 33 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án tại địa bàn các xã Bình Thuận, Bình Trị, Bình Đông, Bình Phước (huyện Bình Sơn). Trong đó, dự án phục hồi rừng ngập mặn Bàu Cá Cái do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng đến việc trồng hàng chục ha các loại cây như đước, dừa nước, cóc trắng....

Sau gần 10 năm với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước cùng người dân, hàng chục ha rừng ngập mặn nơi đây đã được “hồi sinh”. Cùng với sự chăm sóc, bảo vệ có trách nhiệm, Bàu Cá Cái đang từng ngày phát triển xanh tốt trở thành “lá phổi xanh” của cộng đồng người dân ven biển. Cũng nhờ vậy, môi trường sống của các loại thủy sản được khôi phục. Người dân còn đầu tư nuôi thêm nhiều loại tôm cá tạo sinh kế ổn định cũng như nâng cao thu nhập.

Theo ông Khương, những năm gần đây, nhờ có rừng cóc trắng che chắn, nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể. Nhà và cây cối của người dân xung quanh không bị ảnh hưởng nhiều bởi gió bão các hướng ập tới vì đã có rừng cóc trắng che chắn. Về mùa hè, bầu không khí cũng dịu mát hơn trước đó rất nhiều… Ngoài ra, hệ sinh thái được cải thiện rõ rệt, các loài chim, cò về đây cư trú, sinh sản rất nhiều. Dưới các luồng lạch, các loài thủy sản như cá, ốc, cua cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 6

Ông Nguyễn Khương đã gắn bó với rừng ngập mặn Bàu Cá Cái hơn 30 năm, nơi đây giúp gia đình ông mưu sinh, nuôi 4 người con ăn học đến nơi đến chốn.

Thạc sĩ Tô Văn Hạnh - Giảng viên khoa Lịch Sử (trường Đại học Đà Nẵng - thành viên Dự án Quỹ môi trường toàn cầu) cũng đã có thời gian nghiên cứu, gắn bó với rừng ngập mặn Bàu Cá Cái. “Trong KKT Dung Quất, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, xí nghiệp rất cao, do đó, rừng ngập mặn sẽ giúp môi trường sống của con người và các loài sinh vật, động vật trong lành hơn. Rừng ngập mặn được phục hồi, có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển”, Thạc sĩ Tô Văn Hạnh nhấn mạnh.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

Để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, nhất là khai thác hiệu quả du lịch sinh thái, xã Bình Thuận đã thành lập Tổ du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái với sự tham gia của các hộ dân trong khu vực. Tổ này chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế bảo vệ và quản lý, hạn mức khai thác, đồng thời kết nối với các đơn vị lữ hành thiết kế các tour du lịch, hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện. Đồng thời, tổ chức lực lượng bảo vệ không để hành vi khai thác tận diệt, hủy hoại môi trường, hủy hoại rừng.

Nhờ được “hồi sinh” và gìn giữ, Bàu Cá Cái đang là điểm đến thú vị của nhiều du khách gần xa. Du lịch phát triển đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn nơi đây khởi sắc và cải thiện kinh tế của cộng đồng dân cư.

Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 7Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 8Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 9
Du khách thăm quan rừng ngập mặn Bàu Cá Cái.
Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 10Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất ảnh 11

Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tăng cường, lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển.

Chị Nguyễn Thị Tâm (trú huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, dù đã được bạn bè giới thiệu nhiều về Bàu Cá, nhưng đến nơi chị thấy rất bất ngờ khi ngay giữa một khu kinh tế rộng lớn toàn nhà máy lại có một rừng ngập mặn đẹp như thế này. “Ngoài tham quan, tôi còn được xem người dân đánh bắt hải sản, trải nghiệm những món ăn đặc sản rất ngon và thú vị. Sắp tới tôi sẽ giới thiệu thêm nhiều bạn bè nữa đến đây trải nghiệm”, chị Tâm nói.

Để rừng ngập mặn phát triển dài lâu, mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, Thạc sĩ Tô Văn Hạnh cho rằng, chính quyền các cấp phải tiếp tục mở các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ làm du lịch cho người dân địa phương. Ngoài sản phẩm du lịch hiện tại, cần tạo thêm nhiều sản phẩm khác từ thế mạnh vốn có của địa phương. Đồng thời, cũng cần để doanh nghiệp vào cuộc, hỗ trợ người dân phát triển du lịch. Vì chỉ có doanh nghiệp mới đủ khả năng kết nối các tour du lịch liên vùng, liên tỉnh…

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, ngoài việc bố trí ngân sách Nhà nước để quản lý, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện có, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư, lồng ghép các nguồn kinh phí để quản lý rừng ngập mặn gắn với bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân địa phương.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.