Cà Mau có nhiều diện tích rừng ngập mặn tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân. Những cánh rừng này là môi trường sống lý tưởng của chù ụ. |
Chù ụ thuộc họ cua, có hình dáng gần giống như ba khía nhưng phần mai xù xì, nhiều gai, mai cũng dầy, cao hơn mai của ba khía. Mùa triều cường dâng cao vào khoảng tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch, chù ụ có nhiều gạch, thịt chắc, ăn rất ngon. |
Người dân Cà Mau thường bắt chù ụ bằng nhiều cách như soi đêm, đào hang, nhưng cách bắt hiệu quả nhất là đặt rập. |
Bẫy rập bắt chù ụ được làm giống như rập chuột nhưng nhỏ hơn. Mỗi rập được bỏ các lò xo và gia cố bằng các cọng dây thun, để đặt dưới nước mặn được bền hơn. Mồi đặt chù ụ là các lá cây, chủ yếu là lá mắm, lá đước. |
Do đặc tính của chù ụ thường đào hang ăn thông với các gốc mắm, chan đước nên tìm ngay hang có dấu chù ụ mới bò vào mà đặt bẫy rập là hiệu quả nhất. |
Chù ụ thường đào hang hình tròn. Đây là những ngõ ra cũng là đường thở của chù ụ khi mực nước thủy triều dâng cao. |
Đặt bẫy chù ụ phải là người có nhiều kinh nghiệm xác định hang. |
Ông Châu Văn Mười, ngụ xã Tam Giang, huyện Năm Căn (Cà Mau) chia sẻ: “Hồi xưa, ông cha mình kêu con chù ụ do nhìn thấy mình nó có gai, sần sùi. Khi bị bắt, nó cúm lại, mặt ngầu hơn con ba khía”. |
Sau khi bắt, người ta phải bỏ ngay chù ụ vào nước đá để gây tê, tránh cảnh chù ụ kẹp nhau gây gãy càng. Chù ụ được vận chuyển đi bán ở các tỉnh thành, chủ yếu là TPHCM. |
Chù ụ sống được thương lái thu mua tại vựa với giá từ 50.000 đến 65.000/kg. |
Mỗi ngày một người đi đặt từ 100 đến 300 cái rập thu về được hơn 10kg chù ụ, có thu nhập khoảng 500.000 đồng. |
Chù ụ thường được chế biến thành nhiều món nhưng luộc sả, rang me là ngon nhất. |