Cà Mau hướng tới du lịch thông minh

Thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ xây dựng và hình thành một hệ thống tích hợp, trao đổi dữ liệu du lịch thông minh. Trong đó, ưu tiên phát triển các dự án ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường sử dụng các kênh thông tin nhanh chóng, có sức lan tỏa cao để quảng bá và kinh doanh du lịch.

Sản phẩm du lịch không trùng lặp

Với vị thế ba mặt giáp biển, Cà Mau được xem là vùng bán đảo có giá trị kinh tế, sinh quyển và du lịch cao trong cả nước với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.

Cà Mau hướng tới du lịch thông minh ảnh 1

Giới trẻ trải nghiệm du lịch 360 độ trên thiết bị số.

Đặc biệt, Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 theo quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 18/6/2018. Đây là điều kiện thuận lợi, là tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển du lịch tỉnh, nhất là việc xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.

Với tính đa dạng về tài nguyên du lịch, trong đó có nhiều tài nguyên khá đặc sắc, Cà Mau hoàn toàn có cơ sở để phát triển những sản phẩm du lịch không trùng lặp không chỉ đối với hoạt động phát triển du lịch của bản thân địa phương Cà Mau mà còn sẽ không trùng lặp với sản phẩm du lịch nhiều địa phương khác trong khu vực.

Hơn nữa, các tài nguyên này được phân bố ở các vị trí khá thuận lợi cho việc khai thác phục vụ phát triển du lịch, thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình tham quan du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch trở về với cội nguồn, du lịch tham quan làng nghề, du lịch văn hoá lễ hội, du lịch cộng đồng gắn với sinh thái nhân văn của cộng đồng dân cư địa phương, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá, trải nghiệm... đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển du lịch của khu vực và trên thế giới.

Cà Mau hướng tới du lịch thông minh ảnh 2

Cà Mau đang phát triển du lịch không trùng lặp với sản phẩm du lịch nhiều địa phương khác trong khu vực.

Nhìn chung, du lịch Cà Mau đã và đang phát triển đúng định hướng. Điển hình, trong năm 2023, lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt 2.078.399 lượt, tăng 23,5% so 2022 (1.683.492 lượt), vượt 19% kế hoạch năm 2023 (1.750.000 lượt); tổng thu đạt 2.908 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2022 (2.415 tỷ đồng), vượt 9% kế hoạch năm 2023 (2.670 tỷ đồng).

Năm 2024, ngành du lịch Cà Mau phấn đấu đạt tổng số khách du lịch 2.350.000 lượt (khách trong nước 2.337.000 lượt; khách quốc tế 13.000 lượt). Tổng thu du lịch là 3.480 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2024, tổng lượt khách đạt 1.665.106 lượt, đạt 71% so kế hoạch năm 2024. Tổng thu đạt 2.402 tỷ đồng, đạt 69% so kế hoạch năm 2024.

Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, để phát triển du lịch của địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh hạ, Đề án Làng văn hóa du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Một số quy hoạch khác như: Quy hoạch cụm đảo Hòn Khoai, quy hoạch điểm du lịch sinh thái Đầm Thị Tường, Hòn Đá Bạc,… đang triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước; thực hiện các chương trình ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quảng bá xúc tiến du lịch với một số tỉnh trong chương trình liên kết phát triển du lịch như: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình,...

Đặc biệt, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua việc đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch,…

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (facebook, fanpage, zalo),... nhất là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau (du lịch thông minh) chính thức hoạt động hỗ trợ tối ưu cho du khách tiếp cận các điểm đến du lịch Cà Mau”, ông Hùng chia sẻ.

Trong thời gian tới, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết sẽ xây dựng và hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Cà Mau. Trong đó, ưu tiên phát triển các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch như: Du lịch trực tuyến, du lịch thông minh, trí tuệ nhân tạo,…; tăng cường sử dụng các kênh thông tin nhanh chóng và có sức lan tỏa cao như Facebook, Youtube, Instagram, Blog,… trong công tác quản lý, thông tin, quảng bá và kinh doanh du lịch.

MỚI - NÓNG
10 năm kể chuyện cuộc đời anh Lý Tự Trọng
10 năm kể chuyện cuộc đời anh Lý Tự Trọng
TPO - Những thuyết minh viên ở Khu tưởng niệm anh Lý Tự Trọng kể chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của anh Lý Tự Trọng để câu nói “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể có con đường nào khác” luôn tỏa sáng.