Chuyện Hùm xám Đường 4: Cờ trên Ngọ Môn và cuộc vợ nhỡ

0:00 / 0:00
0:00
Ông Đặng Văn Việt (thứ 6 phải sang) dịp kỷ niệm 70 năm Trường Thanh niên tiền tuyến
Ông Đặng Văn Việt (thứ 6 phải sang) dịp kỷ niệm 70 năm Trường Thanh niên tiền tuyến
TP - Tôi gạn ông Đặng Văn Việt mở lời thêm về cái thời liệt oanh ở Huế… Quả là không chỉ có kỷ niệm ở trường Ý Chúa và trung học Khải Định!

Là một cậu ấm con quan (kỳ I do sơ suất, tôi đã nhầm Cụ Hướng – thân sinh của ông Đặng Văn Việt là Thượng thư Bộ Hình, chính xác là Tham tri Bộ Hình, dưới Thượng thư một bậc), Đặng Văn Việt lại tích cực tham gia phong trào Hướng đạo sinh do huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy sáng lập. Việt say mê và tích cực bởi tổ chức này có nhiều hình thức phong phú sinh động để luyện rèn tố chất và kỹ năng sống cho người thanh niên.

Sau khi đỗ Tú tài, Đặng Văn Việt ra Hà Nội theo học trường Y khoa Đông Dương. Đang dở năm thứ 3 thì Nhật đảo chính Pháp. Trường tạm đóng cửa.

Thời điểm này, chính phủ Trần Trọng Kim bất lực. Lại lệnh không được chở gạo thóc từ trong Nam ra. Nạn đói bùng phát. Nhóm Hướng đạo sinh Trường Y của Đặng Văn Việt tham gia phát chẩn, chôn cất người chết đói. Mấy ngày liền, anh em phải chôn cất trên 2.000 người ở Nghĩa trang Hợp Thiện.

Chuyện Hùm xám Đường 4: Cờ trên Ngọ Môn và cuộc vợ nhỡ ảnh 1

Ông Đặng Văn Việt

Về Huế. Bữa ăn nhà quan dọn ra. Cụ Đặng Văn Hướng bưng bát cháo lên gương mẫu cho mọi người dùng theo. Cụ nói để hưởng ứng phong trào nhịn ăn góp gạo cứu giúp đồng bào trong nạn đói.

Một sự kiện cuốn hút ngay anh sinh viên Trường Y Đặng Văn Việt. Đó là Trường Thanh niên tiền tuyến (TNTT) khai mạc 1/7/1945 tại Huế nhằm đào tạo các sĩ quan Việt Nam tương lai. Hiệu trưởng là Phan Tử Lăng vốn là Chỉ huy trưởng Bảo an binh miền Trung sau này trở thành một trong những đại tá đầu tiên của quân đội ta.

Trường TNTT có lẽ là một sáng kiến của Thủ tướng thân Nhật Trần Trọng Kim? Trần Trọng Kim không lập Bộ quốc phòng nhưng có Bộ Thanh niên. Bộ trưởng là Luật sư Phan Anh. Tạ Quang Bửu là Cố vấn.

Tổ của Đặng Văn Việt trong Trường TNTT có Lâm kèn sau này là Thiếu tướng, Quân khu trưởng QK5, Tư lệnh xe tăng. Thêm hai người có quân hàm thiếu tướng nữa là Phan Hàm và Võ Quang Hổ.

Chuyện Hùm xám Đường 4: Cờ trên Ngọ Môn và cuộc vợ nhỡ ảnh 2
Chuyện Hùm xám Đường 4: Cờ trên Ngọ Môn và cuộc vợ nhỡ ảnh 3

Ông Đặng Văn Việt về thăm Huế

Một kỳ tích là 43 sinh viên của Trường TNTT khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra đã hóa thân thành 43 sĩ quan xuất sắc tài năng của QĐNDVN! 43 vị ấy đều được công nhận là các cán bộ tiền khởi nghĩa.

Đồng chí Trần Hữu Dực, cán bộ nòng cốt khi ấy ở Bình Trị Thiên (sau này là Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ) đã nhắm đến tổ của Đặng Văn Việt trong Trường TNTT. Ông muốn giao phó nhờ cậy một nhiệm vụ quan trọng. Đó là việc cắm cờ đỏ sao vàng của Việt Minh trên kỳ đài thành Huế!

Sáng 20/8/1945, Đặng Văn Việt và mấy anh em được lệnh bí mật gặp ông Trần Hữu Dực. Nhiệm vụ được giao là cứ thế, cứ thế…

Đặng Văn Việt cuộn tròn lá cờ cho vào bao tải buộc đằng sau xe. Hộ tống Việt có Lâm kèn và Cao Pha tức Nguyễn Thế Lương sau này là Cục trưởng Cục 2 Bộ Quốc phòng.

Kỳ đài Huế nằm giữa nội đô cách Ngọ Môn khoảng 300 mét. Trên khuôn viên chừng 4 ha xây thành 3 tầng cao 17,5 mét. Chính giữa có cột bê tông cao 29,52 mét. Dây thừng kéo cờ to bằng cổ tay người lớn. Đỉnh cột cờ có ròng rọc đỡ, phải sáu người lính vạm vỡ mới kéo nổi.

Kỳ đài luôn có 12 lính trang bị súng mousqueton canh gác ngày đêm. Bên cạnh đó có đại đội lính khố vàng gồm 120 tay súng. 10 khẩu pháo đùng và 9 khẩu thần công 200 ly bảo vệ cung vua ngay cạnh.

Đặng Văn Việt và Cao Pha trong trang phục chỉnh tề của Trường TNTT, giày da, mũ ca lô sừng bò, súng lục bên hông. Việt tiến lên dõng dạc với thầy đội chỉ huy.

Theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Trung Bộ, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ cách mạng lên thay cờ quẻ ly. Các anh phải giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ!

Trước vẻ oai phong của Việt và Cao Pha, viên đội đã phải chấp hành. Lá cờ đỏ sao vàng rộng hơn 100 mét vuông sáng 21/8 đã phấp phới bay trên kỳ đài Huế.

Mãi lo việc, sau này, Đặng Văn Việt mới biết một chuyện.

Khi cờ quẻ ly bị hạ xuống, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đang có mặt bên vọng lâu Đại nội. Đội trưởng đội cảnh vệ của Triều đình Huế đã cho 120 lính chĩa súng về phía Đặng Văn Việt và xin phép vua Bảo Đại cho nổ súng!

Bảo Đại lúng túng, hỏi nhỏ Hoàng hậu Nam Phương:

Răng chừ?

Hoàng hậu Nam Phương đáp ngay:

Ngài rành sử chắc biết Vua Louis 16 và Marie Antoinette chỉ vì cho phép lính bắn vào người của cách mạng năm 1789 mà sau đó cả hai đã bị chém đầu!

Bảo Đại bật kêu lên.

Chớ chớ! Không được bắn. Các ngươi mà bóp cò thì Trẫm chết trước đó!

Nhờ quyết định sáng suốt của Bảo Đại lúc đó mà không bên nào bị đổ máu!

Nhiệm vụ đầu tiên của Đặng Văn Việt may mắn suôn sẻ như vậy đó.

Khi ấy Việt tròn 25 tuổi!

Chỉ ít ngày sau, vua Bảo Đại thoái vị và trở thành công dân Vĩnh Thụy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời ngài ra Hà Nội làm Cố vấn của Chính phủ. Học viên trường TNTT, Cao Pha đã phải nhận nhiệm vụ mới. Anh cùng Hoàng Xuân Bình, em trai học giả Hoàng Xuân Hãn, cũng là học viên Trường TNTT đã làm cái việc tháp tùng vị Cố vấn Vĩnh Thụy ra Hà Nội làm việc.

Chuyện Hùm xám Đường 4: Cờ trên Ngọ Môn và cuộc vợ nhỡ ảnh 4

Tác giả (trái ảnh) cùng ông Đặng Văn Việt

Tuổi 25, Đặng Văn Việt, chàng trai xứ thần kinh đâu có để tuổi trẻ của mình suông và xuôi như dòng Hương Giang?

Em gái Đặng Văn Việt là Đặng Thị Tâm có cô bạn xinh đẹp, Tôn Nữ Lan Huê học sinh trường Đồng Khánh. Anh trai Lan Huê cũng là bạn học của Đặng Văn Việt. Cha Lan Huê là cụ Tôn Thất Quảng, Thượng thư Bộ Công là chỗ đi lại quen biết lâu nay với cụ Đặng Văn Hướng. Thời gian học ở Huế, Việt và Lan Huê thường xuyên gặp gỡ nhau. Rồi mối tình giữa đôi trai tài gái sắc ấy chớm nở!

Cơn lốc cách mạng Tháng Tám đã cuốn theo 43 học sinh của Trường TNTT trong đó có Đặng Văn Việt. Việt xung vào Vệ quốc đoàn rồi mau chóng trưởng thành. Trở thành chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9 ở chiến trường Tây Nghệ Tĩnh và Nam Lào. Khi là tham mưu trưởng Mặt trận đường số 7, Việt bị sốt rét lá lách phình to. Sau Hiệp định sơ bộ tháng 3/1946, Việt được người anh rể là Phan Huy Quát đưa ra Hà Nội chữa trị tích cực. Cụ Hoàng Đạo Thúy khi ấy là Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục Quân Trần Quốc Tuấn nghe tin và gặp lại Việt. Cụ xin cho Việt về Trường sĩ quan Lục quân làm giáo viên.

Lúc này, Lan Huê cũng gia nhập Việt Minh. Ít lâu sau cô được cử làm Y tá ở chiến trường Nha Trang.

Thời gian đang ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Đặng Văn Việt nhận được điện của cụ Hướng bảo về Huế có việc gấp.

Thu xếp công việc bươn bả về Huế. Thì ra việc cưới vợ.

Chiến sự đang có chiều hướng căng thẳng. Con có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Con không thể bỏ quân đội lấy vợ lúc này được…

Chất giọng hiền từ nhưng nghiêm lạnh của người cha đã thuyết phục được cậu con trai tính khí bướng bỉnh này:

Con cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Cái Lan Huê ở nhà với bố mẹ. Cuối năm sinh cháu là được rồi.

Đám cưới khá xôm tổ chức tại Huế theo tục lệ của gia đình thượng lưu. Có đến mấy trăm thực khách dự tiệc cưới. Ông bố vợ nguyên Thượng thư bộ Công tặng chàng rể một phong bì 100 đồng bạc Đông Dương. Thời giá khi ấy 1 tấn gạo chỉ 3 đồng bạc!

Đang kể, cụ Việt bất chợt im lặng. Ánh mắt cụ ngó là lạ.

Này anh có tin không? Chỗ đàn ông với nhau. Là cả tuần trăng mật tôi chưa hề đụng vào cô ấy?

Là có tuần trăng mật nhưng chả có mật mỡ chi cả!

Mãi rồi cụ mới nhấn nhá cái điều khó nói ấy.

Từng là sinh viên trưởng Y Hà Nội, lại là một thanh niên cường tráng, tuy bị sốt rét sức lực có kém sút, chàng sĩ quan Lục quân đâu phải gà mờ?

Thì ra cũng mới chỉ quen biết và tìm hiểu. Càng chuyện, khoảng cách giữa hai người càng doãng ra vì khác tính nhau.

Nhưng cái quan trọng là Lan Huê không muốn có con!

Cái câu thẳng băng ấy trong đêm tân hôn ấy khiến Đặng Văn Việt bao nhiêu là ức chế!

Thoạt đầu ngạc nhiên. Ngơ ngác. Sau thì nổi xung. Và rồi xuội lơ mọi thứ…

Đặng Văn Việt mau chóng trở ra Sơn Tây.

Trong câu chuyện, cụ Việt chỉ vắn tắt rằng, Lan Huê có trở về quê chồng một thời gian. Cụ Hướng và gia đình cũng cố sức vun vào. Rằng cái thời bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì thiếu chi những đôi tính khí không hợp, thậm chí xung khắc? Nếu có thời gian không bận trận mạc thì mọi sự đâu đến nỗi nào? Nhưng mọi sự đã khác. Việc đã ngoài ý của gia đình bên chồng và cả người chồng nữa… Bông hoa lan ấy chỉ một thời gian ngắn, sau thời điểm Đặng Văn Việt hành quân lên chiến trường Đông Bắc đã có chủ khác!

Có một chi tiết nữa là sau này khi nàng và chàng đã có thêm gia đình mới thì họ không hiểu sao, vẫn không tiến hành việc ly dị? Và sinh thời, cụ nhạc, ông bố vợ nguyên là Thượng thư bộ Công của triều đình Huế ấy vẫn luôn coi Đặng Văn Việt là con của mình!

MỚI - NÓNG