Chuyên gia nghi ngờ chất lượng cầu treo sập

Chuyên gia nghi ngờ chất lượng cầu treo sập
TPO - Các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân ốc neo tăng đơ cầu treo Chu Va ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bị vỡ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, có thể do thiết kế, thi công hoặc vật liệu không đảm bảo.

Tải trọng chỉ một phần?

“Khối lượng vượt không nhiều, trong khi thông thường trọng tải dự phòng của cầu treo rất lớn, để đảm bảo an toàn. Khối lượng vượt như vậy không đáng kể, nên không thể nói hoàn toàn do quá tải”, chuyên gia này nhận định.

Theo vị chuyên gia trên, cầu sập do vỡ ốc neo tăng-đơ nên lỗi có thể xảy ra trong quá trình thiết kế, chất lượng chốt néo không đảm bảo, quy cách thi công không đúng. Nên khi tải trọng tăng lên chút ít đã xảy ra sự cố. Thậm chí, trọng tải dự trữ không đảm bảo. “Cầu mới đưa vào sử dụng hơn một năm, lại vừa hết bảo hành, nên không thể do rỉ sắt”, ông khẳng định.

Về trách nhiệm, theo chuyên gia, trước tiên thuộc chủ đầu tư (quản lý xuyên suốt quá trình thi công, nghiệm thu, khai thác). Ngoài ra, hiện thiếu hướng dẫn cho người dân sử dụng cầu treo sao cho đảm bảo. Theo quản lý, ngành giao thông phải có trách nhiệm ban hành để các địa phương thực hiện.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy định đã đầy đủ, nhưng việc hướng dẫn sao cho người dân hiểu và thực hiện chưa có, đặc biệt với bà con dân tộc thiểu số.

“Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để tuyên truyền hiệu quả hơn, bằng những dẫn dụ cụ thể cho người dân hiểu”, ông Hiệp khẳng định. Tuy vậy, theo ông, câu chuyện tuyên truyền này đã nói nhiều, nhưng chuyển biến ở các địa phương không bao nhiêu.

Về trách nhiệm, theo ông Hiệp, trước nhất là của Ban quản lý dự án huyện Tam Đường – chủ đầu tư cầu. Bộ GTVT đã lập đơn vị kiểm tra độc lập, sẽ có kết luận về nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan.

Chỉ mình huyện có lỗi?

Chiều 25/2, ông Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân sự cố vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ. “Về trách nhiệm của nhân, tổ chức liên quan phải khi nào có kết luận kiểm tra mới nói được. Tuy nhiên, trách nhiệm theo phân cấp là do huyện quản lý”, ông Chương nói.

Theo ông Chương, cầu treo trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên được kiểm tra, sự cố vừa qua chỉ là hy hữu. “Nhưng đây là bài học không chỉ với địa phương mà cả Bộ GTVT trong hướng dẫn quản lý công trình giao thông. Cần rà soát lại toàn bộ những vấn đề này”, ông Chương nói thêm.

Ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, cầu treo Chu Va vừa hết bảo hành [1 năm] hồi tháng 12/2013. Khi hết bảo hành, huyện đã nghiệm thu và đảm bảo chất lượng, nên giao cho Phòng Công thương huyện phối hợp với xã quản lý, kiểm tra. “Ốc neo tăng-đơ bị vỡ không phải do rỉ sắt, không phải do quá trình bảo dưỡng”, ông Trung khẳng định.

Về trách nhiệm, ông Trung cũng nói, phải chờ kết quả kiểm tra, lỗi do khâu nào. “Nhìn bằng mắt thường, sự cố do cường lực đột ngột. Thế nên trách nhiệm của huyện (chủ đầu tư – PV) chưa nói hết được”, ông Trung nói, vì còn liên quan tới thiết kế, vật liệu và một phần ý thức người dân khi không chấp hành về giới hạn tải trọng. Tuy vậy, ông vẫn thừa nhận: “Một phần trách nhiệm thuộc chủ đầu tư quản lý điều hành”.

Cũng theo lãnh đạo huyện Tam Đường, hiện chưa có tuyên truyền riêng về việc vận hành cầu treo, cũng không có văn bản nào về những hướng dẫn đó. Tuy vậu, sau sự việc này, phải thay đổi cách tuyên truyền. “Trước giới hạn tải trọng ghi là 1,5t (1,5 tấn) bà con không hiểu, không ước lượng được. Nhưng tới sẽ giới hạn cụ thể bao nhiêu người, bao nhiêu xe”, ông Trung khẳng định.

Tới cuối giờ chiều 25/2, trong số 38 người bị thương, có 28 trường hợp bị nặng điều trị tại bệnh viện tỉnh Lai Châu, 10 trường hợp điều trị tại bênh viện huyện Tam Đường (2 trường hợp đã xuất viện).

Chiều cùng ngày, đoàn bác sĩ từ bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức đã lên tới nơi và bắt tay ngay vào công việc.

Trong 28 người bị thương nặng, có 11 người (bị dập gan, phổi…) đã được bệnh viện tỉnh Lai Châu mổ thành công, sức khỏe đang tiến triển tốt. 16 người còn lại bị gãy xương, cột sống… các bác sĩ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đang tiến hành mổ.

Riêng 1 trường hợp bị đa chấn thương, ảnh hưởng não các bác sĩ đang theo dõi, có thể chuyển về bênh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhưng cũng không loại trừ khả năng trả về gia đình.

Được biết, trong ngày mai (26/2) sẽ xong đường tạm cho người dân đi qua suối. Sau khi cơ quan chức năng thu thập xong số liệu, chứng cứ vụ việc sẽ khắc phục lại cầu cũ để người dân đi lại. Kinh phí trước mặt do huyện Tam Đường chi trả.

Theo UBND huyện Tam Đường, đã có nhiều cơ quan, đơn vị quyên góp ủng hộ các nạn nhân, hỗ trợ 25 triệu đồng/người chết, hơn 7 triệu đồng/người bị thương. Trong số nạn nhân, thân nhân Phó Chủ tịch HĐND xã (người đang được đưa đi chôn) có 6 người bị thương nặng, đều là anh em ruột và cháu.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.