Chuyên gia hàng không: Vụ QZ8501 không bí ẩn như MH370

Cơ quan cứu hộ Indoensia tiến hành tìm kiếm xác máy bay QZ8501 tại Biển Java (Nguồn: CNN)
Cơ quan cứu hộ Indoensia tiến hành tìm kiếm xác máy bay QZ8501 tại Biển Java (Nguồn: CNN)
Nhiều khác biệt quan trọng giữa 2 vụ tai nạn máy bay sẽ khiến người ta khó có thể dựa trên trường hợp mất tích của chuyến bay MH370 để lý giải cho sự mất tích của QZ8501.

Trong lúc các cơ quan cứu hộ vẫn đang vật lộn với thời tiết xấu để trục vớt thi thể các nạn nhân của chuyến bay xấu số QZ8501 thuộc AirAsia thì việc truy tìm nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn cũng vẫn được các chuyên gia khẩn trương tiến hành.

Nhiều người thử lý giải về nguyên nhân dẫn tới việc máy bay này mất tích, trong đó đáng chú ý nhất là giả thuyết của Robert Goyer, Tổng biên tập tạp chí Flying nổi tiếng.

Kinh nghiệm từ một số thảm họa hàng không lớn cho thấy những chứng cứ và dấu vết thu được ở giai đoạn đầu của cuộc điều tra có thể là vô giá hoặc vô dụng.

Một số dấu vết ban đầu khiến người ta tưởng như vụ mất tích QZ8501 giống với vụ mất tích chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines. Tuy nhiên nhiều khác biệt quan trọng giữa 2 vụ này sẽ khiến người ta khó có thể dựa trên trường hợp MH370 để lý giải cho sự mất tích của QZ8501.

Dưới đây là những khác biệt lớn giữa 2 sự kiện mà Goyer đã chỉ ra. Trước tiên, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 đi qua một khu vực rộng lớn, có điều kiện thời tiết thuận lợi, trong khi chiếc Airbus 320-200 của AirAsia đi qua một khu vực thường xuyên xảy ra bão sấm sét.

Đỉnh các cơn bão này có thể đạt độ cao tới 17.000 mét, tức lớn hơn gần 6.000 mét so với độ cao hành trình mà chiếc máy bay đang bay, khi phi công thực hiện liên lạc lần cuối.

Thứ hai, hành động của các phi công thuộc hãng AirAsia vẫn diễn ra bình thường cho tới thời điểm mất liên lạc. Trong khi đó các phi công trên MH370 đã có hành vi kỳ lạ là tắt thiết bị liên lạc.

Thứ ba, cơ quan điều tra biết vị trí tương đối mà xác chiếc máy bay AirAsia có thể nằm lại, dựa vào dữ liệu radar trực tiếp. Trong khi đó vị trí MH370 rơi xuống chỉ có thể được ước tính sử dụng các thuật toán phức tạp, dựa trên dữ liệu ít ỏi thu từ vệ tinh. Điều này không có nghĩa lực lượng tìm kiếm chắc chắn sẽ phát hiện thấy xác QZ 8501. Chỉ có điều, họ biết phải tìm chiếc máy bay ở đâu.

Vì thế, trong khi không phù hợp khi so sánh vụ mất tích của QZ 8501 với MH370, sẽ hợp lý hơn nếu đối chiếu sự kiện này với một vụ tai nạn khác xảy ra hồi năm 2009, liên quan tới chiếc máy bay mang số hiệu 447 của hãng Air France.

Chuyên gia hàng không: Vụ QZ8501 không bí ẩn như MH370 ảnh 1 Xác nạn nhân QZ8501 đầu tiên được đưa tới Surabaya (Nguồn: CNN) 
Chiếc máy bay đang bay từ Rio de Janeiro tới Paris thì bị mất tích. Chiếc máy bay gặp nạn là loại Airbus A330, với hệ thống điều khiển bay giống với chiếc Airbus A320 của AirAsia. Chiếc A330 này cũng đi qua một khu vực có điều kiện thời tiết xấu.

Chỉ sau khi thu được hộp đen của chuyến bay 447 từ đáy Đại Tây Dương, gần 2 năm sau khi máy bay mất tích, cơ quan điều tra mới biết nguyên nhân gây tai nạn. Cụ thể, sau khi đi vào một khu vực đang có bão, các ống pitot chuyên đo tốc độ và độ cao của máy bay đã bị băng phủ kín. Tình trạng đó khiến thiết bị có vai trò hết sức quan trọng này trở nên mất tác dụng.

Các phi công đã phải bay trong tình trạng bị “mù”, khi bên ngoài trời tối đen. Chuyện trở nên tồi tệ hơn khi phi công nhận được thông tin bất thường từ nhiều thiết bị báo về. Cuối cùng họ đã lao chiếc máy bay vẫn có khả năng bay xuống biển, khiến 228 người thiệt mạng.

Có 3 manh mối để cơ quan điều tra so sánh vụ QZ 8501 với chuyến bay số 447. Đầu tiên là người ta biết rõ về độ mạnh, vị trí và cường độ của cơn bão đã khiến các phi công của QZ 8501 phải đảo hướng tránh né.

Manh mối thứ hai, dựa trên liên lạc cuối cùng của phi công đề nghị nâng độ cao của máy bay sau khi đã đảo hướng, cho thấy phi công nhận ra họ đang tiến nhanh tới một khu vực có điều kiện thời tiết rất tồi tệ. Thực tế, có khả năng họ đã phải trải qua tình trạng nhiễu loạn không khí mạnh do bay vào bên rìa một cơn bão mạnh.

Manh mối cuối là thông tin radar, được vài hãng tin đưa lại, cho thấy máy bay đang có tốc độ di chuyển so với mặt đất khá thấp, chỉ khoảng 200km/h. 


Điều này có nghĩa máy bay có khả năng gặp gió cản rất mạnh và đã cố gắng để tiếp tục bay. Tuy nhiên tốc độ thấp cho thấy máy bay đã mất lực nâng khí động học và đang giảm độ cao một cách mất kiểm soát.

Tất cả các manh mối này đã dẫn tới những khả năng QZ8501 gặp nạn bởi các sự cố rất giống chuyến bay số 447. Hiện nay người ta chỉ có thể hy vọng sẽ sớm xuất hiện đột phá trong vụ mất tích QZ8501 và tìm được các hộp đen của máy bay.

Dựa vào dữ liệu thu được từ những hộp đen này, chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác về việc chuyện gì đã xảy ra với QZ8501.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.