Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô

Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô
TP - Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Sơ kết chương trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo báo cáo của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô thuộc dự án khuyến nông trung ương giai đoạn 2014- 2016 với mục tiêu tăng thu nhập của nông dân tối thiểu 20% so với trước chuyển đổi, năng suất ngô mô hình đạt từ 8 đến 12 tấn/ha. 

Kết quả dự án năm 2014 triển khai ở 4 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Long An và Đồng Tháp cho thấy, ở vụ xuân hè năng suất ngô trên đất lúa đạt 8- 8,5 tấn/ha, vụ hè thu và thu đông đạt 10-12 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế vụ xuân hè 2014 tại Cần Thơ cho lãi 12,7 triệu đồng/ha, cao hơn 7 triệu đồng/ha so với trồng lúa. Vụ thu đông ở Đồng Tháp, 1 ha ngô lãi 10,3 triệu đồng/ha, cao hơn 6,1 triệu đồng so với trồng lúa. 


Thực hiện chương trình chuyển đổi của Bộ, Cty TNHH Dekalb Việt Nam đã triển khai 54 mô hình với 7.780 nông dân tham gia. Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Giám đốc kinh doanh và phát triển thị trường của Cty, mô hình chuyển đổi ngô có hiệu quả cao như: hộ ông Phạm Thành Lượng ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, chuyển đổi 0,7 ha ngô vụ hè thu 2013 cho lãi 10,6 triệu đồng, trong khi lúa chỉ cho lãi 3,5 triệu đồng; gia đình ông Đặng Thanh Tuấn ở xã Phú Ninh, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi 0,7 ha lúa vụ hè thu 2014 cho lợi nhuận 12,7 triệu đồng, trong khi sản xuất lúa cho lợi nhuận 8,7 triệu đồng...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi đang gặp phải một số khó khăn như: Giá ngô nhập khẩu đang ở mức giá thấp, nên cạnh tranh của ngô sản xuất trong nước rất khó khăn khi việc chuyển đổi còn manh mún, tỷ lệ cơ giới hóa trồng trọt thấp, giá thành sản phẩm cao. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn giống ngô thích hợp vùng ĐBSCL và đẩy mạnh cơ giới hóa. Coi đây là chương trình khuyến nông trọng điểm.

MỚI - NÓNG