Chủng mới của tin đồn

TP -  Tròn 9 năm trước, cũng vào những ngày này, thảm họa động đất và sóng thần Tōhoku ập xuống đất nước Nhật Bản, khiến hơn 18.400 người chết và mất tích. Trận động đất được xem là mạnh nhất trong lịch sử nước Nhật, kéo theo khủng hoảng hạt nhân tại các nhà máy điện Fukushima, đến nỗi nhiều chính khách châu Âu khi ấy phải thốt lên về một “ngày tận thế”. 

Thảm họa thiên tai giáng ào xuống trong chốc lát, hậu quả khủng khiếp. Nhưng có lẽ không kinh hoàng bằng chuỗi ngày cả thế giới dai dẳng giữa vòng vây đại dịch Covid-19. Dù con số hơn 4.300 người chết bởi virus Covid-19 gần hai tháng qua ít hơn nhiều so với nạn nhân thảm họa Tōhoku chỉ trong vòng vài giờ ở Nhật. Bởi sự gặm nhấm, chia rẽ, gây hoang mang không phải bằng chủng mới của virus Corona, mà bằng những chủng mới của tin đồn. 

Quán cà phê bình dân mang tên Ba Gà ở Đà Nẵng vẫn luôn chật khách, dù trong những ngày dịch. Nhưng hai hôm trước, chỉ một tấm ảnh chụp cái lưng hai ông Tây quần đùi ngồi uống cà phê được tung lên mạng, cho rằng đó là hai ông “bệnh nhân người Anh”, thế là khách chạy tung tóe. Cho dù đó là hai ông khách quen từ lâu nay, ngày nào cũng ngồi đấy. 

Một nhân viên bán hàng của siêu thị Điện Máy Xanh ở Đà Nẵng bị dính Covid-19, lập tức cổ phiếu của “mẹ” là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động bốc hơi hơn 5.700 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. 

Quán cà phê Ba Gà nhỏ xíu mất khách vì tấm ảnh fake (giả, nhái) đã đành. Còn con virus Corona đã đụng chạm hay lây lan gì đến chuỗi hàng ngàn siêu thị trên cả nước của doanh nghiệp chuyên bán lẻ thiết bị điện tử, viễn thông này, mà thiệt hại ghê gớm đến vậy? Dù đây là tin thật, nhưng sức mạnh của sự đồn thổi, tô vẽ thêm thắt của dư luận góp phần đẩy đánh đòn choáng váng vào tâm lý các nhà đầu tư, dẫn đến thiệt hại khôn lường. 

Hàng ngàn hàng vạn doanh nghiệp lớn nhỏ đã và đang khốn đốn trực tiếp vì dịch một phần, còn lại chủ yếu là do sự đồn thổi, và thông tin thiếu kiểm chứng, hoặc cách đưa tin thổi phồng thái quá. 

Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, những biến thể mới của tin đồn đã và đang gieo rắc nỗi đau và sự khủng hoảng đến không ít gia đình và cộng đồng xã hội. Bởi sự đổ xô truy đuổi, bới tìm, phơi bày mọi danh tính, tung tích, hình ảnh của bất kỳ ai mà cư dân mạng nghi ngờ, theo kiểu “diệt nhầm hơn bỏ sót”. 

Chủng mới của tin đồn giờ đây có những biến thể khác hẳn nguyên lý hoạt động quen thuộc trước kia. Giữa đại dịch, tin đồn, tin giả không còn đơn giản, thô sơ như trước. Mà trở nên tinh vi hơn, mang màu sắc “khoa học”, có dẫn "nguồn" tây tàu, nhà khoa học này, giới nghiên cứu kia, đủ hết.

Khiến những người yếu bóng vía trở nên hoang mang, nghi ngờ vào chính mình và công cuộc cũng như thành quả chống dịch của đất nước mình. Nỗi nghi ngờ, hoang mang ấy dễ dàng lây chéo trong cộng đồng hơn bao giờ hết. 

Rõ ràng, bên cạnh việc tăng cường những biện pháp mạnh trên “chiến trường” chống dịch, ngay lúc này, các cơ quan pháp luật cũng cần mạnh tay hơn, quyết liệt hơn trong việc “cách ly” những đối tượng gây rối loạn xã hội bằng tin đồn!

MỚI - NÓNG
Úc vận chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến Hà Nội ngày 11/9. (Ảnh: ĐSQ Úc)
Mỹ, Úc hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam ứng phó sau bão số 3
TPO - Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 gây ra. Chính phủ Úc hôm nay công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.