Chưa yên tâm về chất lượng và giá thuốc

Người dân mua thuốc tây tại một hiệu thuốc trên đường Khương Trung - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Người dân mua thuốc tây tại một hiệu thuốc trên đường Khương Trung - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi) chiều 27/11, các đại biểu Quốc hội đề nghị phải sớm khắc phục tình trạng độc quyền giá, đấu thầu thuốc lòng vòng, bác sĩ bắt tay với nhà thuốc.

Dân rất nghèo lại phải dùng thuốc quá đắt

Đại biểu (ĐB) Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị luật sửa đổi cần phải quy định cụ thể để quản lý thị trường thuốc hiệu quả hơn, đặc biệt trong vấn đề giá thuốc. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị luật sửa đổi lần này cần đảm bảo tính minh bạch, khắc phục bất cập hiện nay. Theo ĐB Minh, cần phải quy định việc in giá thuốc cụ thể trên bao bì để việc quản lý được thuận tiện hơn. Nhà nước cần phải quản lý đầu vào, công khai niêm yết giá cho các cơ sở, đồng thời phải xử phạt nghiêm minh, không để tăng giá quá cao so với nước ngoài, ĐB Minh nêu.

“Không thể để các công ty nhập khẩu thuốc vào Việt Nam bao nhiêu cũng được mà không cần biết thuốc có đảm bảo chất lượng hay không”.

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng)

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, việc kiểm soát giá thuốc thời gian qua chưa hiệu quả. ĐB Lan đề nghị phải khắc phục ba nguyên nhân: Độc quyền giá, câu kết nâng giá thuốc ngoại, mua bán lòng vòng đẩy giá lên và tình trạng hãng dược, bắt tay bác sĩ, chi hoa hồng. Bà Lan đề nghị phải có chế tài đủ mạnh, khi phát hiện ra vi phạm phải xử phạt nghiêm minh.

Dù dự thảo đã quy định việc quản lý theo cơ chế giá thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, dự thảo chưa quy định cụ thể trong việc kê khai như thế nào hợp lý, chỉ thiên về quản thuốc trong nước mà không để ý đến thuốc nước ngoài. ĐB Cương đề nghị cần phải khắc phục được tình trạng bất ổn giá, đặc biệt là độc quyền giá thuốc.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị luật sửa đổi phải quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Y tế, tránh tình trạng dân dùng thuốc giá thế nào cũng được. “Tôi tha thiết mong Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, có cách quản lý minh bạch để giảm bớt tầng lớp trung gian, ăn chặn quá nhiều vì dân ta còn đang rất nghèo mà phải dùng thuốc giá đắt, lại không phù hợp với chất lượng”, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nói.

Chất lượng thuốc: Chưa yên tâm

ĐB Huỳnh Văn Tính đề nghị luật sửa đổi cần phải có quy định kiểm tra chất lượng thuốc có nguồn gốc từ nước ngoài.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc kiểm nghiệm thuốc còn dàn trải, manh mún, do vậy, cần định hướng quy hoạch vào trong luật. Thực tế cho thấy, việc kiểm nghiệm thuốc chỉ tập trung vào mặt hàng thuốc nội, bởi thực tế cho thấy 80% mẫu kiểm nghiệm là thuốc nội và chỉ có 20% mẫu thuốc ngoại... “Những lý do trên khiến chúng tôi chưa yên tâm về chất lượng thuốc. Do vậy, phải quy định để xác định rõ trách nhiệm, và xử lý nghiêm minh đối với thuốc giả”, bà Lan đề nghị.

Trước thực trạng hàng trăm loại thuốc bị cấm lưu hành, ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) tỏ ra quan ngại vì thuốc kém chất lượng bị phát hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc loại cao nhất thế giới. ĐB đề nghị cần phải thực hiện nghiêm việc kiểm nghiệm trước khi lưu hành để người dân được sử dụng thuốc an toàn, chất lượng.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.