Giá thuốc cao, sinh mạng dân nghèo rất mong manh

Người dân mua thuốc tây vẫn phải chịu giá cao, chưa kể có thể mua phải hàng giả, kém chất lượng (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: Như Ý.
Người dân mua thuốc tây vẫn phải chịu giá cao, chưa kể có thể mua phải hàng giả, kém chất lượng (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: Như Ý.
TP - Có mặt tại phiên thảo luận tổ về Luật Dược (sửa đổi) chiều 19/11, không ít lần Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngắt lời khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phản ánh về giá thuốc cao khiến người dân phải gánh chịu.

Nhiều lần bị ngắt lời, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề nghị “chị Tiến để tôi nói hết đã”, rồi tiếp tục chỉ ra hàng loạt bất cập trong ngành Dược hiện nay. Đối với vấn đề giá thuốc, theo bà Lan, sở dĩ thuốc nhập khẩu, thuốc biệt dược, độc quyền giá rất cao do qua quá nhiều tầng lớp trung gian. “Mỗi đơn vị trung gian lại hưởng một chút phần trăm, tới khi thuốc đến tay người tiêu dùng thì đã bị đội giá lên cao”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, trên thị trường có gần 30.000 mặt hàng thuốc nội nên việc kiểm soát không dễ. Tuy nhiên, việc giá thuốc tăng là do đấu thầu, độc quyền nâng giá chưa kiểm soát được. Bên cạnh đó là tình trạng môi giới mua bán lòng vòng và bác sỹ kê đơn hưởng hoa hồng. “Chúng ta cần phải bổ sung những chế tài mạnh và nghiêm về việc này. Ở nước ngoài bắt tay với bác sỹ kê đơn, án phạt rất nặng. Tôi đề nghị nếu bắt được thì ta phải xử nghiêm và nên đưa vào luật để có căn cứ xử lý”, bà Lan nói và đề nghị phải có quyết sách đảm bảo quyền lợi người dân là trên hết, không để tồn tại “lợi ích nhóm” trong ngành Dược.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến tỏ ra bức xúc trước tình trạng giá thuốc nhập khẩu tăng vô tội vạ. Theo ĐB Lê Như Tiến, đây mới chính là cái làm cho người dân bức xúc nhất. “Người ta ăn cả vào sinh mạng, sự sống chết của người dân. Chỉ cần tăng giá thuốc, người nghèo không có tiền thì sinh mạng trở nên hết sức mong manh”, ông Tiến nói.

ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, công tác thanh tra, kiểm soát việc giá thuốc những năm qua rất yếu kém. Điều này khiến việc đấu thầu giá thuốc trở nên hình thức, còn tiêu cực đẩy giá thuốc tăng cao. Người bệnh không bao giờ được trả giá, bệnh viện bán giá nào thì bệnh nhân phải mua giá đó, cao hơn nhiều so với
thị trường.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Dược, Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, hiện thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường có giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá. Tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng hiện phổ biến ở nhiều nơi.

Trung Quốc tử hình cục trưởng vì thuốc giả

Một bất cập khác được ĐB Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra là các quy định về việc xử lý, ngăn chặn thuốc kém chất lượng, thuốc giả chưa kịp thời. Khi phát hiện ra thuốc chất lượng không đạt, báo lên Cục Quản lý Dược và đến khi đơn vị này vào làm việc thì các nhà thuốc đã tẩu tán hết rồi. “Về thuốc giả, Trung Quốc đã tử hình Cục trưởng Cục Quản lý Dược, còn ở Việt Nam, các vụ án bị chìm vào quên lãng cho nên phải có hình phạt đủ sức răn đe”, bà Lan đề xuất.

Trước tình trạng nhiều nhà thuốc hoạt động bằng giấy phép đi thuê, ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nói: “Người dân có nhu cầu khi mua thuốc không được mặc cả, trong khi chất lượng thuốc có nhiều loại. Đang có tình trạng thuê bằng để mở cửa hàng bán thuốc, mà người bán hàng đó lại không có trình độ. Như vậy thuốc có đảm bảo không?”.

ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nói: “Ở tỉnh Hải Dương có hơn 600 cửa hàng thuốc, trong khi chỉ có hai thanh tra dược. Hai người này đi cả năm mới chỉ kiểm tra hết được một nửa, vì vậy cần thêm thanh tra mới quản lý hết được”. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung hướng dẫn nghiệp vụ, cấp chứng nhận đào tạo trong hồ sơ cấp lại chứng chỉ hành nghề, đồng thời cần bổ sung trách nhiệm về bán thuốc theo đơn.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, song Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, có những vấn đề ĐB nói hoàn toàn đúng nhưng lại không có trong Luật Dược mà được quy định trong các luật khác. Chẳng hạn như thuốc giả thì đưa vào luật hình sự, không đưa vào Luật Dược, hay việc quản lý giá thuốc cũng không đề cập sâu mà ngành Y tế đang thực hiện theo Luật Đấu thầu và Luật Giá.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.