Phải giảm được giá thuốc

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật dược (sửa đổi). Ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật dược (sửa đổi). Ảnh: TTXVN.
TP - Chiều nay (27/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dược (sửa đổi). Trước đó, các đại biểu yêu cầu phải có biện pháp xử lý hiệu quả vấn đề liên quan công khai, minh bạch giá thuốc, kiểm soát biệt dược, bác sĩ kê đơn hưởng hoa hồng… để người dân không phải mua thuốc giá cao.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói rằng, giá thuốc tăng là do đấu thầu có vấn đề, chưa kiểm soát được độc quyền nâng giá, môi giới mua bán lòng vòng, bác sĩ kê đơn hưởng hoa hồng… Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, đấu thầu giá thuốc còn hình thức, bệnh nhân phải mua thuốc ở bệnh viện với giá cao hơn bên ngoài. Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đã quy định chi tiết về việc đấu thầu thuốc của các bệnh viện, tuân thủ Luật Đấu thầu.

Ngoài một chương riêng về đấu thầu thuốc (đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu, đấu thầu tập trung cấp tỉnh…), Luật Đấu thầu bổ sung hai hình thức mới đối với mua sắm thuốc: đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá cấp quốc gia với các thuốc độc quyền… để hạn chế tình trạng các hãng dược tăng giá biệt dược gốc lên mức quá cao, có khi hàng chục lần, như trường hợp công ty dược phẩm Mỹ Turing bất ngờ tăng giá Daraprim (thường dùng cho bệnh nhân AIDS) từ 13,5 USD/hộp lên 750 USD/hộp.

Ngày 26/11, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, nói rằng, đối với các loại biệt dược gốc, thuốc có ít nhà cung ứng trên thị trường, sẽ áp dụng hình thức đàm phán giá cấp quốc gia - phương thức đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng vì có nhiều ưu điểm so với các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu riêng lẻ như: đảm bảo mức giá trúng thầu thống nhất trên toàn quốc, tiết kiệm chi phí, thời gian tổ chức đấu thầu cho các đơn vị; có được mức giá thấp hơn vì mua sắm tập trung với số lượng lớn… “Việc đàm phán giá sẽ được thực hiện ở cấp quốc gia do Hội đồng đàm phán giá quốc gia thực hiện. Thực hiện Luật Đấu thầu, Bộ Y tế đang nghiên cứu để triển khai thí điểm với một số mặt hàng để từng bước đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất mở rộng trên cơ sở các kết quả thực hiện thực tế”, ông Đông cho biết. Cũng để giảm giá biệt dược, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) cho phép nộp hồ sơ đăng ký sớm trước khi thuốc phát minh hết hạn bản quyền; ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất biệt dược gốc vừa hết hạn bằng sáng chế…

Lâu nay, bệnh nhân thường phải mua thuốc giá cao mà một trong những lý do là bác sĩ kê đơn theo hướng có lợi cho một hãng dược nào đó để hưởng hoa hồng. Bà Phạm Khánh Phong Lan đề xuất: “Chúng ta cần phải bổ sung những chế tài mạnh và nghiêm về việc này. Ở nước ngoài, bắt tay với bác sĩ kê đơn, án phạt rất nặng”. Ban soạn thảo dự luật đã tiếp thu và quy định rõ về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dược, như lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi. “Trên cơ sở đó sẽ có các chế tài nghiêm khắc để xử lý”, ông Đông nói. Ngoài ra, việc kê đơn thuốc còn được điều chỉnh bởi Luật Khám chữa bệnh. Luật quy định rõ, việc kê đơn phải ghi theo tên generic (tên gốc), không phải tên biệt dược.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.