Ngày 8/1, Trung tâm Báo chí, Văn phòng Quốc hội phát đi thông cáo cho biết, ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu QH khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội.
Cơ sở để UBTVQH ban hành Nghị quyết trên là căn cứ vào Luật Tổ chức QH và đề nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao tại Công văn số 4866/VKSNDTC-V1 ngày 31/12/2014. Sau khi xem xét, UBTVQH đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Châu Thị Thu Nga vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Huy Sơn cho rằng, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, vì thế UBTVQH chưa thể làm thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của bà Nga. “Luật Tổ chức QH cũng đã quy định rõ: Đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, sau khi bản án của Tòa có hiệu lực pháp luật thì lúc đó QH có thể bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga. Còn chưa có bản án thì chưa thể bãi nhiệm được”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo một lãnh đạo Văn phòng QH, UBTVQH mới tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu còn việc xem xét tư cách đại biểu của bà Nga phải chờ đến kỳ họp QH tới (tháng 5/2015). Khi đó, nếu có đủ những căn cứ theo quy định, các ĐBQH sẽ bỏ phiếu bãi miễn tư cách đại biểu của bà Nga. Tại nhiệm kỳ QH khóa XIII, đã có một ĐBQH bị bãi miễn đó là bà Đặng Hoàng Yến, ĐBQH tỉnh Long An.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong rằng, Điều 56 Luật Tổ chức QH quy định: “Đại biểu QH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm”. Vậy trong trường hợp cử tri, Mặt trận Tổ quốc hoặc cơ quan nào đó yêu cầu QH bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Nga ngay trong kỳ họp tới có được không?
Ông Hà Huy Sơn cho rằng, các cơ quan hoàn toàn có quyền làm đơn kiến nghị để UBTVQH xem xét. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, các cơ quan, tổ chức phải có căn cứ cụ thể bà Nga sai phạm gì, lý do gì mà bị mất tín nhiệm; bao nhiêu cử tri không còn tín nhiệm...
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Từ đầu khoá XIII đến nay đã có một số đại biểu là doanh nhân làm những điều không hay, ảnh hưởng đến uy tín của QH. Theo tôi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên trước hết là do khâu kiểm tra, giám sát, đề cử các ứng cử viên chưa chặt chẽ. Tiếp đến, khi có các đơn khiếu nại, tố cáo đối với các ứng cử viên, hoặc ngay từ đầu khoá chúng ta cũng chưa xem xét giải quyết thấu đáo “đến nơi, đến chốn”.