Chùa Phật Tích lưu dấu Ấn Độ

Khi các vị sư Ấn Độ hát. Ảnh: N.M.Hà
Khi các vị sư Ấn Độ hát. Ảnh: N.M.Hà
TP - Trong khuôn khổ Lễ hội Ấn Độ tại Việt Nam, một buổi trình diễn nghệ thuật hi hữu của các nhà sư Ấn Độ và Việt Nam vừa diễn ra tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh tối 14/3.

Khán giả không chỉ được thưởng thức nghệ thuật mà còn hòa mình vào không gian thiêng do các tiết mục “mở” ra.

Hàng nghìn khách thập phương ngồi chờ sẵn hàng tiếng đồng hồ, để chiêm ngưỡng tài nghệ độc đáo của các nhà tu hành cũng như đón nhận ân phúc gia trì từ các tiết mục trình diễn vốn đều là những nghi thức thiêng liêng mang ý nghĩa tâm linh sâu xa.

Mở đầu là màn trình diễn trống của các ni sư tịnh thất Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Hàng chục ni sư trẻ tuổi thể hiện khả năng hòa tấu nhiều bè một cách chuẩn xác, khoan thai. Điều khác biệt của các nhà sư khi lên sân khấu chính là phong thái ung dung, tự tại. 

Trong tiết mục múa Ngũ Trí Như Lai, các ni sư Tây Thiên hóa thân vào các vị Phật, hoặc nói cách khác, chư Phật giáng xuống người vũ công. 

Quả thực, sự diễn cảm trên gương mặt cũng như thần thái thoát tục của các ni sư hoàn toàn thuyết phục người xem. Chẳng hạn, “vai” Quan Thế Âm xuất hiện với gương mặt đầy vẻ từ bi- là phẩm chất nổi bật của vị Phật này. Khán giả lặng đi rồi vỗ tay nhịp theo tiếng nhạc “Om Mani Padme Hum”. Các động tác múa cũng chính là những thế ấn của Phật mang lại sự may mắn cho người xem.

Những vũ điệu có thể đem lại cảm nhận bên ngoài rất khác nhau. Nếu các ni sư tịnh thất Tây Thiên dễ dàng khiến khán giả thăng hoa trong hình dáng tuyệt mỹ của các vị Phật, Bồ Tát… thì các nhà sư Ấn Độ lại tỏ ra dữ tợn trong hóa trang của các vị hộ pháp đầu lợn rừng (ấy là còn một số mặt nạ hình đầu lâu chưa được dùng tới).

Theo giáo lý nhà Phật, đó cũng chính là chư Phật đang dùng những hóa thân dữ tợn để điều phục chúng sinh. Vì thế việc chiêm bái vũ điệu này cũng có thể phần nào giúp người xem chiến thắng được cảm giác sợ hãi do vô minh.

Các điệu múa với mặt nạ của các nhà sư Ấn Độ được gọi là Cham, một hình thức thiền, thường được dùng để diễn tả lại cuộc đời của các vị Phật trong lịch sử. Ở Ấn Độ, múa Cham được thực hành ở hầu khắp các tự viện vùng Himalaya như Ladakh, Uttarakhand, Sikkim… Âm nhạc, đúng hơn là âm thanh để múa được tạo nên từ một số trống và tù và dài do các nhà sư chơi trực tiếp.

Tiết mục “hát” duy nhất trong chương trình của các nhà sư Ấn Độ có khả năng làm khán giả choáng ngợp. Có lẽ phải cực sung mãn về khí lực cũng như làm chủ được các khoảng vang sâu trong cơ thể mới có thể phát ra những âm thanh trầm hùng như vậy. Lời hát chỉ duy nhất một âm “Om”. Đây được coi là âm thiêng biểu đạt nguồn gốc vũ trụ.

Bên cạnh các tiết mục trình diễn trên sân khấu, phái đoàn Phật giáo Ấn Độ cũng thực hiện hai tác phẩm thị giác là Mandala làm từ cát nhiều màu và Torma nặn bằng bơ. Theo truyền thống Kim Cương thừa, các vật cúng này sẽ không được lưu lại sau khi nghi lễ hoàn tất. Song vì tính chất quý hiếm của tác phẩm trong hoàn cảnh Việt Nam nên chúng vẫn được trưng bày nguyên trạng tại bảo tàng chùa Phật Tích, cũng là lưu lại dấu ấn độc đáo của Lễ hội văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam.

Thực tế đó đều là những màn trình diễn dâng lên chư Phật, khán giả chỉ gọi là được thưởng thức “ké”. Các nhà sư dùng nghệ thuật cũng là để giáo hóa quần chúng, người xem tùy căn cơ mà cảm nhận.

MỚI - NÓNG