Nơi phát tích Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng

Nơi phát tích Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng
TP - Ngày 20/5/1947, Bác Hồ ở tại đồi Khau Tý, xóm Nạ Tra, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên). Cách nơi Bác làm việc độ 600m là đồi Cọ, Bản Bắc sau này trở thành “Đồi Điện ảnh - Nhiếp ảnh”.

Ngày 17, 18 tháng 11/1949, Hội nghị đầu tiên các nhà nhiếp ảnh chiến khu Việt Bắc đã lập Đoàn nhiếp ảnh thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam gồm Vũ Năng An, Hoàng Tranh, Đinh Đăng Định... Đa số các nghệ sĩ quay phim, chiếu bóng, đạo diễn đều xuất thân từ nhiếp ảnh như Phan Nghiêm, Nguyễn Đăng Bảy, Nguyễn Hồng Nghi...

Ở Nam Bộ, nhiều nhà quay phim, nhiếp ảnh lên chiến khu, ra bưng biền dấn thân vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tổ Điện ảnh - Nhiếp ảnh của tiểu đoàn 307 nổi tiếng, điện ảnh, nhiếp ảnh Khu 8 với những gương mặt như Khương Mễ, Mai Lộc, Nguyễn Tiến Đoàn đã có bộ phim tài liệu Trận Mộc Hóa làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ, đồng bào...

Các nhà nhiếp ảnh ở Chiến khu Việt Bắc thì dùng máy quay phim 16 ly quay phim “Trao trả tù binh ở Thất Khê 1950”.

Năm 1952, phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh (ĐANA) thuộc Nha Thông tin tuyên truyền từ Bình Ca chuyển tới tới đồi Cọ, Bản Bắc, xây dựng cơ ngơi đầu tiên Ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng do nhà nhiếp ảnh, đạo diễn Phạm Văn Khoa phụ trách.

Ban phụ trách còn có Nguyễn Hùng (tức Nghinh), Nguyễn Ngọc Chung, Vũ Phạm Từ, Mai Lộc (từ miền Nam ra). Sau 1952, thêm Phan Nghiêm, Phan Trọng Quang, Nguyễn Quốc Phi, Quốc Huy. Các nghệ sĩ ở đồi Cọ có khoảng 30 người.

Khu đồi Cọ, Bản Bắc nguyên là Nhà khách của Trung ương Đảng, nơi đón cán bộ, chỉ huy từ các tỉnh, liên khu lên Việt Bắc. Tối chiếu phim đầu tiên ở chiến khu diễn ra tại đồi Cọ với rạp chiếu bóng làm bằng tre, nứa, lợp lá cọ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định và nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đăng Bảy cùng nhân chứng ở đồi Cọ, Bản Bắc nhớ lại Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh từng đến xem phim.

Cụ Hồ được cán bộ, chiến sĩ công kênh trên cánh tay đưa lên hàng ghế đầu (cột gỗ lát vầu)... Khi xem phim Trung Quốc, thấy cảnh địa chủ bóc lột, ức hiếp nông dân, quá căm thù, người xem còn ném đá, mũ, dép... lên màn ảnh.

Dưới mái lán vầu, cọ đơn sơ, Phan Nghiêm mày mò tìm cách in tráng phim, lần đầu tiên ở Việt Nam thu được tiếng, lồng nhạc vào phim, một kỳ tích trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn thiết bị, kỹ thuật.

Thành tựu này được ứng dụng vào làm bộ phim “Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc” (1952) - phim tự quay, in tráng thu tiếng đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam.

Tại đồi Cọ, Bản Bắc, phóng viên, cán bộ, công nhân viên đón nhận, công bố sắc lệnh số 147/SL, ngày 15/3/1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính thức khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.

Ông Vũ Phạm Từ nhớ lại: Lúc đó chỉ có 1, 2 máy quay phim 16 ly, 2 máy chiếu 35 ly và vài ba chiếc máy nổ. Mỗi đội “Nhiếp ảnh chiếu phim” thường có 7-8 người (có lúc 13, 14 người), khiêng vác, chuyên chở thiết bị bằng xe trâu, xe bò, ngựa thồ, ban ngày mở triển lãm ảnh gài vào panô, tối chiếu phim phục vụ cán bộ, bộ đội, nhân dân từ chợ Chu, Yên Lãng, Đại Từ, thị xã Thái Nguyên... đến vùng tự do Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa...

Sau chiến dịch biên giới 1950, được Liên Xô viện trợ 10 bộ máy chiếu phim 35 ly, máy nổ, đã phát triển được 12 đội phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và các chiến trường.

Tại đồi Cọ, trên 200 thợ máy nổ, máy chiếu, thuyết minh, chụp ảnh... được đào tạo cấp tốc rồi tung về các liên khu trong cả nước, đem phim ảnh phục vụ đồng bào, chiến sĩ.

Trong kháng chiến ác liệt, gian khổ, thiếu thốn máy móc, hóa chất, phim, giấy ảnh..., các phóng viên nhiếp ảnh vẫn chụp được nhiều bức ảnh quý: Ngày đầu đồng bào Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp (23/5/1945); những hình ảnh xúc động: Các chiến sỹ cảm tử Thủ đô ôm bom ba càng sẵn sàng lao vào xe tăng địch; “Tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân tự phá nhà, cầu, phố xá, cầu cống, đường xá, ngăn chặn bước tiến của quân viễn chinh Pháp...; Quân dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn... đánh bại cuộc tấn công của quân viễn chinh Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc; Hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp...

Vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày khai sinh Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng (15/3/1953 - 15/3/2003), đoàn Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam do Tổng Thư ký Lê Phức, các ủy viên Ban chấp hành Hội Vũ Huyến, Vũ Nhật, Vũ Văn Cảnh... cùng các nghệ sĩ Đinh Đăng Định, Nguyễn Đăng Bảy hành hương lên đồi Cọ, Bản Bắc - Địa điểm được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và dựng bia ghi dấu sự kiện, ôn lại truyền thống.

Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Đăng Bảy chỉ cho lớp anh em nhiếp ảnh trẻ nơi dựng lán vầu cọ, đào hầm, làm hệ thống in ảnh bằng ánh sáng trời, kể cho họ nghe về những trưa hè nóng nực, thợ in phóng cởi trần, mặc quần đùi chui vào hầm in phóng ảnh, ngâm vỗ ảnh đen trắng từ nước suối Roòng Khoa...

Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa Thái Nguyên. Huyện Định Hóa cùng 16 xã, thị trấn, trong đó có xã Điềm Mặc - nơi khai sinh ngành Điện ảnh, Nhiếp ảnh cách mạng, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp...

Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng - tiền thân của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2013) là khởi đầu chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị ngày 06/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, ATK Định Hóa quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG