Chủ tịch Quốc hội: Nhiều loại quảng cáo như thuốc nhưng là thực phẩm chức năng

TPO - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề quảng cáo thuốc trên truyền hình, nhiều loại quảng cáo như thuốc nhưng lại là thực phẩm chức năng, quảng cáo mà không chịu trách nhiệm thì như thế nào. Điều này cần phải được quy định chặt chẽ.

Ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo đã chỉnh lý quy định về kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Trên cơ sở đó, thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, không thuộc thuốc trong danh mục hạn chế bán lẻ.

Chủ tịch Quốc hội: Nhiều loại quảng cáo như thuốc nhưng là thực phẩm chức năng ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: QH

Tương tự, thuốc và nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử, trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong diện phải kiểm soát đặc biệt.

Việc sửa đổi lần này cũng quy định theo hướng cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc online nhưng không qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Cùng với đó, dự án luật còn quy định cụ thể hơn về biện pháp quản lý giá, quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc.

“Đừng để tiền mất tật mang

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, điểm mới của dự án luật lần này là kiểm soát về giá bán buôn với thuốc. Nội dung này cần tiếp tục nghiên cứu, không làm ảnh hưởng việc mua thuốc của cơ sở y tế. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi công bố giá và của cơ quan quản lý cảnh báo về giá bán thuốc.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề người dân quan tâm nhất là chất lượng thuốc. Điều này ông cũng đã phát biểu tại phiên thảo luận tổ là “đừng để tiền mất tật mang” về quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để người dân sử dụng thuốc an toàn, theo Chủ tịch Quốc hội, ngành Y tế phải kiểm soát được chất lượng thuốc, giá bán ở các nhà thuốc phải thống nhất. Không thể cùng một loại thuốc, nhưng nhà thuốc A bán giá này, nhà thuốc B bán giá kia.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề quảng cáo thuốc trên truyền hình, nhiều loại quảng cáo như thuốc nhưng lại là thực phẩm chức năng, quảng cáo mà không chịu trách nhiệm thì như thế nào. Điều này cần phải được quy định chặt chẽ.

Đề cập đến Quy định 178 của Bộ Chính trị về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát luật này, xem có nhóm tiêu cực, nhóm lợi ích nào không để điều chỉnh.

Chủ tịch Quốc hội: Nhiều loại quảng cáo như thuốc nhưng là thực phẩm chức năng ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình với dự thảo về giá bán buôn thuốc dự kiến. Theo ông Tùng, quy định đặc thù không trái với luật giá, doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phải gửi thông báo đến Bộ Y tế để công bố và có quyền kiến nghị.

Tuy nhiên, theo ông, cần làm rõ giá trị pháp lý về kiến nghị của Bộ Y tế, khi có kiến nghị như vậy, các doanh nghiệp có bắt buộc thực hiện không? Nếu không thực hiện thì sao, vì kiến nghị không phải bắt buộc. “Cần làm rất rõ quy trình, chi tiết và rõ thẩm quyền trách nhiệm của từng cơ quan”, ông Tùng đề nghị.

Liên quan đến việc quản lý oxy y tế, tại báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Xã hội đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại dự thảo luật do không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Dược. Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn mong muốn đưa quy định về oxy tế vào dự thảo Luật này.

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm khắc phục khoảng trống pháp lý đối với sản phẩm này bằng cách ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế.

Theo cơ quan thẩm tra, nếu cần, có thể nghiên cứu quy định vào Nghị quyết của Kỳ họp tới hoặc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo thủ tục rút gọn. Trong đó quy định 1 điều về khí y tế dùng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tương tự như quy định về thiết bị y tế dùng trong khám bệnh, chữa bệnh.

Tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng, nên quy định vào ngay trong Luật Dược, vì Tổ chức Y tế thế giới đã quy định oxy y tế là thuốc thiết yếu, thuộc danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam và cũng có trong dược điển của Việt Nam.

MỚI - NÓNG