Kiên quyết chống tiêu cực, 'lợi ích nhóm', 'lợi ích cục bộ' trong xây dựng, thi hành pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý việc tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn, chú trọng phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ", tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Còn 11/50 văn bản chưa được ban hành

Sáng 6/9, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội, UBTVQH đã ban hành 1.010 văn bản.

Theo đánh giá bước đầu của UBTVQH, các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả phòng, chống đại dịch COVID-19, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành.

Kiên quyết chống tiêu cực, 'lợi ích nhóm', 'lợi ích cục bộ' trong xây dựng, thi hành pháp luật ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết. Đến ngày 23/8/2023, đối với 20 luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 đã có hiệu lực pháp luật và có nội dung giao quy định chi tiết, Chính phủ, các bộ đã ban hành 39/50 văn bản quy định chi tiết, đạt tỷ lệ 78%.

Đối với các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đã có hiệu lực pháp luật, Chính phủ đã ban hành 1 nghị định, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 4 thông tư quy định chi tiết thi hành đầy đủ các nội dung được giao tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam.

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh

Tuy nhiên, UBTVQH đánh giá, công tác tổ chức triển khai của Chính phủ đối với một số luật, nghị quyết còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục.

Tính đến ngày 23/8/2023, vẫn còn 11/50 văn bản (22%) thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ chưa được ban hành, trong đó một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm. Chính phủ vẫn đang "nợ" 2 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã có hiệu lực pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, nhiều dự án có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân và hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

“UBTVQH đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quy trình lập pháp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết không đưa vào chương trình phiên họp của UBTVQH, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội để xem xét các dự án mà hồ sơ, tài liệu gửi đến không đầy đủ hoặc chậm so với thời hạn quy định, không bảo đảm đủ thời gian để tổ chức nghiên cứu, thẩm tra”, ông Định nhấn mạnh.

Kiên quyết chống tiêu cực, 'lợi ích nhóm', 'lợi ích cục bộ' trong xây dựng, thi hành pháp luật ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Trên cơ sở đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thi hành pháp luật, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, "giấy phép con", tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi.

"Các cơ quan của Quốc hội được phân công thẩm tra, giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý cần chủ động phối hợp chặt chẽ 'từ sớm, từ xa' với các bộ, cơ quan chủ trì dự án; tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn, chú trọng phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm 'lợi ích nhóm', 'lợi ích cục bộ', tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.