Chủ tịch Quốc hội: Nhiệm vụ của ngành ngân hàng rất nặng nề

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng.
TPO - Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng tổ chức sáng 28/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ngành ngân hàng giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng và then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau khi kết thúc dịch COVID-19. Nhiệm vụ của ngành ngân hàng còn rất nặng nề.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao kết quả mà ngành ngân hàng đạt được trong 5 năm qua, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VIII diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tập trung mọi nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép": vừa kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng và then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau khi kết thúc dịch, do vậy, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng còn rất nặng nề; đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành phải ra sức thi đua, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, giai đoạn 2015-2020, ngành ngân hàng đã đạt một số kết quả như, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng tín dụng phù hợp, gắn với chất lượng và hiệu quả, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ…

Công tác thi đua, khen thưởng toàn ngành đã có nhiều đổi mới, thiết thực, đúng quy định phù hợp với điều kiện thực tế. Các cụm, khối thi đua đã tổ chức phong phú, linh hoạt, phù hợp với chương trình, kế hoạch theo từng lĩnh vực công tác gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điều đó đã tạo động lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành ngân hàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhiều phong trào thi đua đã thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ công chức, viên chức và người lao động.

Giai đoạn 2011-2020, toàn ngành ngân hàng có 51 đơn vị đăng ký hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại 45 tỉnh, 34 huyện và 152 xã với số tiền, vật chất là hơn 5.729 tỷ đồng. Đến 31/3/2020 dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 1.216.713 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với thời điểm kết thúc giai đoạn 1 với hơn 9.5 triệu khách hàng; phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”...

Tại Đại hội, các tập thể, cá nhân ngành ngân hàng đạt nhiều thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2015 – 2020 đã được trao các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước.

MỚI - NÓNG