Giảm tỷ lệ vay ngắn hạn, tăng hệ số rủi ro với BĐS
NHNN mới ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020.
Đáng chú ý nhất là Thông tư trên quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn lần lượt như sau: từ 01/01/2020 đến 30/9/2020 là 40%; từ 01/10/2020 đến 30/9/2021 là 37%; từ 01/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và kể từ 01/10/2022 là 30%.
Bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Đối với các khoản phải đòi khác có giá trị từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.
Đối với các lĩnh vực rủi ro, đến tháng 8, tín dụng đối với bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.
Lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8,7%, chiếm 0,4%. Tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%. Ước đến tháng 9, các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4%.
Hạn chế không cho vay ồ ạt
Như vậy, qua thông tư trên có thể thấy định hướng chung của NHNN vẫn là hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, nâng cao an toàn chung của hệ thống chứ không vì xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế mà phát triển tín dụng ồ ạt cho tất cả các lĩnh vực.
Theo công ty chứng khoán BVSC, lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống 30% trải dài trong 3 năm là dài hơn so với kỳ vọng ban đầu của thị trường (1-2 năm).
Việc kéo giãn thời gian dài hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động các kỳ hạn trung và dài tại các ngân hàng nhỏ vốn thường gặp khó khăn về thanh khoản.
Báo cáo Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30-9, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.
Đến tháng 8, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.
Đối với cho vay dự án BOT, BT, Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo hiện có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 53.000 tỉ đồng, có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.