Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm vi phạm về đê điều

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chỉ thị yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, môi trường, an ninh. Đồng thời, phát hiện và có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm mới phát sinh.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, năm 2023, tình hình thiên tai tiếp tục phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới, mưa đá, lũ lụt, sạt lở đất...

Theo Chỉ thị, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt công tác chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc cơ bản Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, chú trọng công tác xây dựng, thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Ông Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT xây dựng và tổ chức thực hiện phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2023, phương án bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, phương án ứng phó ngập, lụt...

Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo xây dựng phương án chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, nếu xảy ra sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài ra, các địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn và xây dựng phương án bảo vệ tính mạng, tài sản, hoạt động sản xuất của nhân dân nếu sự cố xảy ra.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát hiện và có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm mới phát sinh.

Liên quan đến vấn đề này, theo báo cáo của cơ quan chức năng từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã ghi nhận 47 vụ vi phạm pháp luật về đê điều.

Thống kê cho thấy các vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình, chứa vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ công trình đê điều, không gian thoát lũ, đào xẻ, xây dốc, phá chạch, đắp và tôn cao đê…

Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội vừa gửi Đoàn khảo sát của HĐND thành phố cho thấy trên địa bàn thủ đô có 191 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông. Trong đó, chỉ có 37 bến bãi được UBND thành phố cho thuê đất, giao đất để thực hiện hoạt động tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng và hoạt động cảng. Hiện có 158/191 bãi đang hoạt động.

Ngoài ra, trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn huyện Thanh Oai đang tồn tại một số điểm tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên đê, mái đê. Tuyến đê cấp IV ở huyện Ba Vì hiện có 6 điểm kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng, trong đó, có một điểm nằm trong khu vực phía hạ lưu đê. Trên tuyến đê hữu Hồng ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) hiện có một điểm tập kết trung chuyển kinh doanh vật liệu xây dựng. Qua kiểm tra, các vị trí này đều hoạt động không phép.

Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cho rằng tất cả vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm đều ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất thải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống tập trung nhiều tại các quận, huyện, thị xã Thường Tín, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Sơn Tây… tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ.

Một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mép bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ…

MỚI - NÓNG