Chẳng hạn, chồng cháu thường bảo người ta thì sắc sảo, nhanh nhẹn, khéo léo còn vợ mình thì chậm chạp, hiền quá thành ra đần... bằng một giọng chán nản khiến cháu rất tủi thân mặc dù cháu đang cố gắng thay đổi mình. Cháu phải làm gì để nhà cháu không so sánh như vậy nữa? (Hà)
Trả lời
So sánh là một phương pháp nhận thức cơ bản nhất của con người. Nhờ so sánh nên người ta mới biết được ngày và đêm, mới biết được xấu và tốt, thiện và ác... Tuy nhiên, lạm dụng phương pháp so sánh có thể gây những bất cập, ví dụ: có một chiếc bình cổ, độc bình mà so sánh thì thật là khó và vô lý. Cũng vậy, nếu so sánh cha mẹ ta nghèo với cha mẹ họ giàu để mà buồn thì thật là vô lý... Đây là những vấn đề của phương pháp so sánh mà nhiều khi người ta không biết sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách.
Với bạn, “vợ chồng kết hôn được 2 năm, chồng là người chịu khó, tiết kiệm, yêu thương vợ con” thì đây là những ưu điểm tuyệt đối của người chồng mà nhiều người phụ nữ không có được. Có điều, về mặt tâm lý, người “chịu khó, tiết kiệm, yêu thương vợ con” lại dễ rơi vào tâm trạng phân tích được hơn, thua kém... với mọi người và ít có sự tế nhị. Âu cũng là tạo hóa không cho người ta tất cả mọi thứ, thường cho người ta cái này thì lấy đi của người ta cái khác. Chính tâm lý này đã dẫn đến “hay so sánh vợ với người phụ nữ khác”. Nếu so sánh ở mức độ nào đó thì có thể chịu được, nhưng nếu so sánh quá lên thì đó là một loại bệnh về tâm lý.
Theo bạn, “chồng bạn hay bảo người ta thì sắc sảo, nhanh nhẹn, khéo léo còn vợ mình thì chậm chạp, hiền quá hóa đần”... và thể hiện cả tâm trạng “bằng một giọng chán nản”, so sánh đến kiểu này thì kể cũng hơi quá. Bạn cần xem lại mình, không phải là “cố gắng thay đổi” mà là đón nhận sự so sánh như một tất yếu, tức là biết tính chồng mình thế thì không tức bực khi anh ấy so sánh. Nếu khi anh ấy so sánh mà bạn tức bực thì anh ấy càng so sánh nhiều. Bởi vì khi so sánh, trong tâm lý anh ấy cho rằng anh ấy là người hiểu biết nên đã so sánh đúng.
Ở đời này, ai thấy mình đúng rồi thì rất thích theo đuổi ý đúng của mình đến tận cùng và dễ bất chấp người khác có buồn hay không. Nhóm người “bất chấp” cái buồn của người khác để thỏa mãn ý chí của mình cũng nhiều lắm. Nhóm người “bất chấp” này khi thấy mình đúng mà thấy người sai lại có thái độ phản ứng ý của họ là họ không chịu được. Chồng bạn phê phán bạn mãi đến độ “nghiện” rồi, nếu bạn biết đón nhận sự phê bình một cách vui vẻ thì tự nhiên anh ta sẽ quê và chấm dứt.
Bây giờ bạn hãy vui vẻ và hài hước mỗi khi anh ấy so sánh bạn với người phụ nữ khác, ví dụ: khi anh ấy nói bạn “chậm chạp”, bạn vui vẻ nói “anh yên tâm, chậm mà chắc, mà nhờ vậy mới lấy được anh“... Bạn cứ vui vẻ như thế mọi việc sẽ thuận lợi cho bạn.
Chúc khéo léo, hài hước.