Kỳ vọng càng trở nên thực tế hơn khi thời điểm 1/11 (khi Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu chính thức có hiệu lực) đang đến gần.
Động thái mới nhất, cơ quan quản lý có bước chuẩn bị đầu tiên với việc thị trường hóa giá xăng dầu bằng việc “nới” quy định về tính chi phí định mức cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Về mặt giá trị, mức tăng từ 10% - 22% chi phí so với trước đây không hề nhỏ (trong bối cảnh yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng hiệu suất lao động chưa được đặt ra). Thông tư hướng dẫn cũng được chuẩn bị kỹ càng chờ ngày chính thức áp dụng.
Doanh nghiệp hẳn sẽ mừng vì sau nhiều năm kêu khó, kể khổ, trần khống chế chi phí định mức cho doanh nghiệp đã được nâng lên. Với mức trần này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi hoa hồng “đậm” hơn cho đại lý trong trường hợp muốn đẩy mạnh hàng bán ra.
Còn với người dân, thông tin đương nhiên không có gì đáng mừng. Điều thấy rõ, giá xăng sẽ khó có cơ hội giảm do chi phí của doanh nghiệp bị đội lên. Thậm chí, người dân (có thể hiểu) sẽ phải mua xăng giá đắt hơn do chi phí (hợp lý) của doanh nghiệp được tính cao hơn.
Câu hỏi, làm thế nào để minh bạch trong điều hành xăng dầu, lớn đến mức Thủ tướng Chính phủ đích thân vài lần nhắc cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải sớm có câu trả lời.
Đành rằng giá xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu thế giới do 70% phải nhập khẩu. Nhưng liệu điệp khúc giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm gây bức xúc cho người dân và cả doanh nghiệp tham gia thị trường có xóa được triệt để hay không ít người dám khẳng định.
Việc cơ quan quản lý cấp phép (được đánh giá là khá nhanh) nâng số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được cấp phép lên con số 21 cũng là động thái cho thấy quyết tâm của Bộ Công Thương trong tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nhưng nhìn xa hơn, dẫu số lượng tăng, hiệu quả cạnh tranh vẫn chả thấy đâu khi hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép mới chủ yếu “dồn kinh doanh” ở những địa bàn dễ (thành phố, khu đô thị đông dân).
Nhìn thực tế thị trường, tình trạng cạnh tranh hoa hồng, chiết khấu để bán hàng vẫn diễn ra âm thầm tùy thời điểm. Doanh nghiệp vẫn ngầm than, không được quyền quyết giá dù quy định có cho phép.
Một lân nữa câu chuyện giá thị trường lại được đặt lên bàn cân. Không thể phủ nhận, nhiều quy định của Nghị định 83 có những bước tiến đáng kể trong điều hành giá.
Đơn cử việc giảm tính bình quân giá theo quy định (trong Nghị đình 84) từ 30 ngày xuống còn 15 ngày (của Nghị định 83) và nâng tần suất điều hành giá từ 10 ngày lên 15 ngày là bước tiến khá dài về quan điểm. Không ít doanh nghiệp khẳng định, việc điều hành do cơ quan quản lý, doanh nghiệp không có quyền.
“Bảo tăng thì tăng, bảo giảm thì giảm” là tâm lý hiện hữu. Vì vậy, dù theo quy định mới, doanh nghiệp có thể nhiều lần giảm giá liên tiếp, nhưng sẽ chẳng ai “dại” chủ động xin “cắt lãi” của mình. Lý do, khi xin tăng thì cơ quan quản lý quyết chậm, vậy khi có lãi sao phải vội giảm. Kéo dài ngày nào, doanh nghiệp có cơ hội “gỡ lãi” chừng đó.
Đại diện doanh nghiệp xăng dầu lớn chia sẻ “Vẫn phải chờ cơ chế thị trường. Khó nói”.