Một vài suy nghĩ về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Chế độ sinh hoạt của Chi bộ phải nghiêm túc”

Sinh hoạt chi bộ là hoạt động rất quan trọng của chi bộ, có vai trò tác dụng to lớn đối với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảm bảo cho chi bộ và mỗi đảng viên thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
“Chế độ sinh hoạt của Chi bộ phải nghiêm túc” ảnh 1

Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên HTX nông nghiệp Lai Sơn - Vĩnh Phúc ngày 30.3.1958. Ảnh tư liệu

Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò của sinh hoạt chi bộ trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác sinh hoạt chi bộ. 

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trong đó Người chỉ rõ: “Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc”([1]) và xem đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giáo dục đạo đức cán bộ đảng viên nói riêng và xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, góp phần tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Đã 45 năm trôi qua nhưng lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị. Việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Sinh hoạt chi bộ là cuộc họp toàn thể những đảng viên của chi bộ, trên cơ sở những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, nhằm phát huy trí tuệ tập thể, sự thống nhất về ý chí và hành động để lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục quản lý và rèn luyện đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ.

Chi bộ là tổ chức tế bào của Đảng, lập thành nền tảng của Đảng, là nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, nơi trực tiếp đưa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng vào quần chúng và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách ấy. Chi bộ cũng là nơi thể hiện đầy đủ các mặt hoạt động và sức chiến đấu của Đảng. Các mặt hoạt động của Đảng có đầy đủ, đa dạng, phong phú hay không, sức chiến đấu của Đảng mạnh hay yếu, tất cả đều được thể hiện ở chi bộ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”([2]). Bởi vậy, “đối với Đảng ta, việc xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một công việc vô cùng quan trọng”([3]).

Muốn xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh thì phải nghiêm túc thực hiện chế độ sinh hoạt chi bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của các cán bộ và đảng viên”([4]). Nếu không có kỷ luật, không thống nhất về tư tưởng và hành động, “Đảng sẽ xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bế tắc”. Từ việc phải tuân thủ kỷ luật của Đảng, mỗi đảng viên dù ở cương vị nào, mỗi cấp uỷ dù ở cấp nào cũng phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật của các đoàn thể và pháp luật của Nhà nước. Như vậy, thiết nghĩ, tính “nghiêm túc” trong sinh hoạt chi bộ trước hết qua sinh hoạt chi bộ phải thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng... Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương, theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương”([5]). Do đó tính chất lãnh đạo chính là yêu cầu cụ thể của tính Đảng trong sinh hoạt chi bộ.

Tính lãnh đạo trong sinh hoạt chi bộ đòi hỏi phải chấp hành đúng nguyên tắc nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Mỗi đảng viên bất kỳ ở cương vị công tác nào cũng phải chịu sự quản lý của chi bộ, tham gia sinh hoạt chi bộ; “Phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách... Nội bộ phải thật đoàn kết. Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể”([6]), “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”([7]). 

Trong sinh hoạt chi bộ, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng chi bộ Đảng thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi đảng viên, vừa phát huy sức mạnh của tất cả những đảng viên đã tự nguyện gắn bó với nhau trong một tổ chức Đảng. Nó không biến buổi sinh hoạt Đảng thành nơi để mọi người có thể tranh cãi nhau hay ra vào tuỳ tiện. Như vậy sẽ triệt tiêu sức mạnh của chi bộ. Khi sinh hoạt thì cần phải lấy ý kiến của nhiều người vì nhiều người thì nhiều kiến thức do đó có thể hiểu được mọi mặt của vấn đề. Nhưng khi đã bàn bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì chỉ cần giao cho một người phụ trách. Như thế công việc mới chạy, tránh được thói dựa dẫm, ỷ vào tập thể.

Bên cạnh đó, để củng cố và xây dựng sự đoàn thống nhất của các thành viên trong chi bộ nhất thiết phải nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đây là quy luật phát triển Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tự phê bình và phê bình là vũ khí để rèn luyện đảng viên. Tuy nhiên để thực hiện nguyên tắc này thật đúng đắn, nghiêm túc không phải là việc dễ dàng. Đây là một vấn đề của khoa học và nghệ thuật cách mạng, nghệ thuật ứng xử vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý cán bộ đảng viên và các cấp Đảng từ trên xuống dưới phải “khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”([8]) và trong phê bình “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”([9]).

Tính “nghiêm túc” trong sinh hoạt chi bộ thể hiện ở nội dung sinh hoạt. Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo các mặt hoạt động của cơ quan, đoàn thể, vì vậy, nội dung của sinh hoạt chi bộ phải toàn diện. Nội dung sinh hoạt chi bộ được xác định trong Điều lệ Đảng. Chi bộ phải lãnh đạo mọi vấn đề liên quan đến thực hiện nhiệm vụ sao cho sát hợp với đường lối, quan điểm của Đảng, sát với thực tế, làm cho các mặt công tác đạt hiệu quả cao.

Trong sinh hoạt chi bộ, các đảng viên phải thảo luận quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ của cơ quan và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Thảo luận quyết nghị các nội dung công tác của chi bộ để lãnh đạo cơ quan thực hiện đường lối chính sách của Đảng, chỉ thị nghị quyết của cấp trên. Định hướng và tổ chức các hoạt động thực hiện của cán bộ đảng viên và quần chúng trong đơn vị đạt hiệu quả cao. Không được biến buổi sinh hoạt chi bộ thành hoạt động hành chính đơn thuần.

Tính “nghiêm túc” còn thể hiện ở việc sinh hoạt chi bộ có đúng mục tiêu hay không. Mục tiêu của sinh hoạt chi bộ không chỉ đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm của đơn vị mà còn giáo dục quản lý, rèn luyện đảng viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Trình độ mọi mặt của cán bộ, đảng viên trong chi bộ có thường xuyên được nâng cao hay không phụ thuộc rất lớn vào khâu bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “các cấp uỷ phải quan tâm hơn nữa đến giáo dục đảng viên. Từ nay trở đi công tác giáo dục đảng viên phải là một điều quan trọng trong chương trình công tác của cấp uỷ. Phải bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các chi bộ”([10]). Thông qua sinh hoạt chi bộ mà giáo dục nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt cho đảng viên, trước hết là trình độ lý luận chính trị, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình thế giới… để cho đảng viên tiếp nhận được những thông tin mới, những kinh nghiệm và hiểu biết mới - cơ sở cho việc tự giáo dục, rèn luyện. Bên cạnh đó, phải bảo đảm cho cán bộ đảng viên luôn nhận thức đầy đủ về tình hình nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của người đảng viên, luôn ý thức được những yêu cầu về tiêu chuẩn, về tư cách đảng viên để tự tu dưỡng, rèn luyện làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, với Nhà nước, làm gương tốt cho quần chúng. Thông qua sinh hoạt chi bộ mà cán bộ, đảng viên thấy được ưu, khuyết điểm, khẳng định được mặt tích cực, tiến bộ, thấy rõ những việc làm sai trái, vạch được những biện pháp sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, rút ra được những bài học thiết thực công tác.

Cuối cùng, tính “nghiêm túc” trong sinh hoạt chi bộ còn thể hiện ở phương thức sinh hoạt. Trong sinh hoạt chi bộ có 3 hình thức sinh hoạt tương ứng với 3 tính chất, đó là: sinh hoạt lãnh đạo - tính lãnh đạo, sinh hoạt học tập - tính giáo dục, sinh hoạt tự phê bình và phê bình - tính chiến đấu. Vậy, căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà chi bộ duy trì các hình thức, chế độ sinh hoạt một cách có nền nếp và phải bảo đảm đúng nguyên tắc quy định.

Như vậy, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ gói gọn trong 10 từ nhưng đã khái quát toàn bộ những quan điểm, luận điểm của Người về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và sinh hoạt chi bộ nói riêng. Từ lời dạy của Người, chúng ta nhìn lại tình hình sinh hoạt chi bộ hiện nay nhận thấy rằng chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, “vẫn còn không ít tổ chức cơ sở đảng và chi bộ yếu kém”([11]). 

Tình trạng trong sinh hoạt “ngại nói thật” vì sợ mất lòng là khá phổ biến. Trong nội dung sinh hoạt, không có những chuyên đề cụ thể, đôi khi lại đồng nhất với nhiệm vụ chuyên môn. Chi bộ chưa thực sự là nơi sinh hoạt tư tưởng để cấp uỷ nắm và hiểu tâm tư, nguyện vọng của đảng viên... Vì thế sinh hoạt chi bộ rơi vào hình thức, đảng viên không “mặn mà” với sinh hoạt chi bộ. Từ sự thờ ơ đến tính thiếu thẳng thắn đã làm mất đi tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng. Nếu sức chiến đấu của mỗi đảng viên bị giảm sút thì sinh hoạt chi bộ sẽ không phát huy được trí tuệ tập thể, tính giáo dục, tính lãnh đạo thì tất yếu chi bộ sẽ không khẳng định được vai trò là hạt nhân chính trị tại cơ sở.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do nhiều cấp uỷ, chi bộ chưa thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt đảng, buông lỏng công tác quản lý, giáo dục đảng viên. Tình trạng này đã làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngay từ chi bộ. Trong phương hướng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: Coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, tổ chức đảng, chất lượng tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng. Thật sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, từ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ ở cơ sở đến sinh hoạt Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Chống quan liêu, bè phái, cục bộ, địa phương, lối làm việc vô nguyên tắc, vi phạm kỷ luật, vi phạm dân chủ .

Xuất phát từ thực trạng sinh hoạt chi bộ tại các cơ quan đơn vị và phương hướng, nhiệm vụ của Đảng yêu cầu bức thiết là phải có những giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt trong chi bộ nhằm kiện toàn và đổi mới hoạt động của tổ chức cơ sở đảng góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới. Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương giải pháp về xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ như Chỉ thị số 10-CT/TƯ ra ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Hướng dẫn số 57-HD/BTCTW ngày 16/3/2006 và Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW ngày 25/5/2007 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Theo đó, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương ra Nghị quyết số 01 ngày 10/1/2012 và kế hoạch số 62 lấy năm 2013 là “năm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, các cấp uỷ, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, tạo được một số chuyển biến tích cực về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng cho việc thực hiện Chỉ thị 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là việc làm thiết thực nhất của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi chi bộ Đảng để kỷ niệm 45 năm tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Theo Th.s Cù Thị Minh

Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 1996, Tr.498

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 1996, Tr.590

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 1996, Tr. 77

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 1996, Tr. 311

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 1996, Tr. 23

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 1996, Tr. 36

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 1996, Tr. 498

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 1996, Tr. 265

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 1996, Tr. 498

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 1996, Tr. 95

[11] Chỉ thị của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, ngày 30/3/2007

MỚI - NÓNG
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hư hỏng
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hư hỏng
TPO - Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh ở vườn hoa Hàng Đậu (Ba Đình, Hà Nội) bị hư hỏng khá lớn do cây đổ vào khi bão YAGI đổ bộ. Tượng đài là biểu tượng tôn vinh lòng kiên cường, anh dũng hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với chiến công của quân dân Thủ đô trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu những ngày mùa đông năm 1946.