Học tập Bác Hồ từ những điều giản dị

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. 
Học tập Bác Hồ từ những điều giản dị ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Tư liệu

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam.

Học tập Bác nếu chỉ dừng ở việc học những lời dạy của Bác thôi thì chưa đủ. Bên cạnh những bài viết, bài nói thể hiện tư tưởng, đường lối cách mạng, thì chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là minh chứng sinh động nhất, dễ thuyết phục nhất. Vì như Người đã viết: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có đủ tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” ([1]).

Học tập Bác, trước hết chúng ta học tập đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu vì nhân dân của Bác. Bác luôn coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Cái lớn nhất trong đạo đức của Bác là hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cả cuộc đời Bác chỉ có một ham muốn tột bậc là “... làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” ([2]).

Học tập Bác chúng ta học phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, học cách xử thế, ứng xử với bạn bè, đồng chí, với người thân, với cán bộ, với nhân dân... Có những chi tiết về cuộc sống đời thường của một vị chủ tịch nước chúng ta cũng nên biết để hiểu về Bác đầy đủ hơn. Ở mỗi con người nếu không biết yêu quý, hiếu thảo với cha mẹ, anh em mình thì làm sao có tình thương yêu và sự cảm thông đối với nhân loại. Bác đã cống hiến cả đời cho cách mạng, tới lúc đi xa chỉ tiếc một điều là không được phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa. Trong trái tim bao la của Người, chúng ta hiểu, vẫn có góc riêng dành cho gia đình, quê hương. Bác đã từng nói: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất”([3]). Những năm tháng lênh đênh trên con tàu vượt đại dương đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Người vẫn không quên người cha - ông Nguyễn Sinh Sắc ở quê nhà. Từ nước ngoài Người đã có 3 lần gửi thư về thăm tin tức của cha. Những tháng lương đầu tiên từ nghề phụ bếp trên tàu, Người gửi về biếu cha ([4]). Những kỷ niệm buồn khi ở Huế, mẹ Bác – bà Hoàng Thị Loan mất trong lúc cha vắng nhà, người em Nguyễn Sinh Xin khát sữa khóc đòi đã in đậm trong trái tim Bác, để sau này có lúc nghe tiếng trẻ khóc, Người lại giật mình nhớ tới tiếng khóc của người em năm xưa. Tháng 9 năm 1950, nghe tin người anh trai Nguyễn Sinh Khiêm mất, do hoàn cảnh kháng chiến không thể về chịu tang anh được, Bác đã viết một bức điện chia buồn gửi dòng họ Nguyễn Sinh (9/11/1950): “... xin bà con nguyên lượng[*] cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”([5]). Bức ảnh ấm mộ cha mà các đồng chí giúp việc tìm thấy trên giá sách của Bác, sau khi Người đi xa; bức điện báo tin người chị gái Nguyễn Thị Thanh qua đời ở quê nhà mà Bác không kịp về chịu tang và cũng không kịp gửi cả điện chia buồn đã làm Người day dứt. Những tình cảm ấy của Bác chắc chỉ những người rất gần Bác mới có thể biết được.

Vì công việc cách mạng Bác chưa kịp có một gia đình riêng thì tuổi đã già, nhưng không phải Người không quan tâm đến vấn đề này. Trong một buổi tối rét lạnh ở núi rừng Việt Bắc, bên đống lửa hồng, Người trầm ngâm suy nghĩ rồi tâm sự với các cộng sự của mình: “Mình cũng chẳng phải thần thánh gì, cũng như tất cả mọi người, nhưng với hoàn cảnh này còn điều kiện nào nghĩ tới gia đình... nhưng thôi, gia đình nhỏ chưa thể được, thì ta lo cho gia đình lớn đi vậy”([6]). Bác phát biểu điều này khi vừa ủng hộ tác thành cho một đôi anh chị trong chính phủ. Dù không có gia đình, nhưng Bác lại là người rất tâm lý, dễ cảm thông. Ông Hoàng Đạo Thúy, một người đã có những năm tháng được làm việc gần Bác kể lại, có những buổi chiều ở chiến khu Việt Bắc, bà Trường Chinh đưa các con đến thăm Bác. Khi các cháu theo mẹ ra về, Bác rất buồn, đôi mắt rưng rưng lệ. Có đồng chí cán bộ nhìn thấy, Bác cười buồn và nói rằng cái nghiệp của mình nó thế. Thế nhưng Người nói thu xếp nhà cho cán bộ gần cơ quan. 

Bác sĩ Chánh, người đã có nhiều năm phục vụ Bác xúc động kể lại, có lần Bác đã cử ông đến công tác gần nơi bà Liên, vợ ông làm việc, với thiện ý để bác sĩ có dịp ghé thăm vợ. Nhưng bác sĩ Chánh lại là người rất nghiêm túc. Xong việc ông về luôn. Khi trở về Bác hỏi: chú ghé thăm cô ấy có khỏe không? Khi biết ông không vào thăm vợ, Bác phê bình luôn: “Chú làm như thế không được, đã tới đó mà không ghé thăm cô ấy, động viên, thăm hỏi để cô ấy yên tâm, phấn khởi công tác” lại một điều bất ngờ đối với ông, phục vụ Bác nhiều năm mà ông chưa hiểu Bác, một người rất chu đáo, nặng nghĩa tình”([7]).

Dẫn ra một số những câu chuyện trên để chúng ta hiểu thêm về Bác. Bác chăm lo những việc lớn của đất nước, song những việc nhỏ Người cũng không quên. Đó là nét đẹp đời thường của một vị Chủ tịch nước. Đó là những điều chúng ta nên học bên cạnh học những điều lớn lao mà Bác đã dạy chúng ta. Có ai đó chưa hiểu hết về Bác, viết và nói chưa đúng về Bác là không nên. Có những bài viết đi sâu tìm hiểu về đời sống riêng tư của Bác nhưng lại sử dụng nguồn tư liệu chưa đáng tin cậy là một điều đáng tiếc.

Về cuộc sống tình cảm riêng của mình, chính Bác đã nói với những cộng sự thân nhất của mình. Một trong số những cộng sự thân nhất của Bác là đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết: “Sau cách mạng Tháng tám, trong kháng chiến chống Pháp, nhiều đồng chí, đồng bào, với lòng yêu thương săn sóc vị lãnh đạo của mình, đã nhiều lần suy tính để Hồ Chí Minh có người bạn trăm năm. Bác không từ chối việc bình thường và cần thiết tự nhiên ấy trong cuộc sống của một con người”([8]). Nhưng rồi việc không thành, đó là một điều ân hận đối với đồng chí đó. Và rồi ông tự an ủi rằng: “Trong cuộc đời bất cứ ai, cũng có những việc không thành như vậy”([9]).

Khi nói học tập đạo đức trong sáng của Bác, chúng ta học đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, học đức giản dị khiêm tốn của Người. Cuộc sống của Người giản dị, thanh bạch. Một ngôi nhà sàn nho nhỏ ẩn giữa lùm cây, bên ao cá. Những bữa cơm đơn giản, thanh đạm, bên cạnh vài người giúp việc. Đó là cuộc sống thanh tao, lịch lãm, văn hóa. Nhưng đó không phải là cuộc sống khắc khổ, theo kiểu tu hành. Một cuộc sống giản dị nhưng tâm hồn lại vô cùng phong phú, bao la nhân ái. Những tấm ảnh về cuộc sống đời thường trong quãng thời gian 15 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch được phát hành rộng rãi cũng minh chứng cho những điều này. Đó là những hình ảnh Bác ngồi làm việc giữa giàn hoa Phủ Chủ tịch; Bác đang quây quần giữa các cháu thiếu nhi ngày 1- 6; Bác đang cuốc đất tăng gia cùng cán bộ nhân viên trong cơ quan; Bác ngồi cho cá ăn bên bờ ao; Bác cầm bình tưới cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi tặng Người... Đứng ở cương vị cao nhất của Đảng, của đất nước nhưng Bác đến với mọi người một cách rất bình dị, tự nhiên, không nghi thức, màu mè: gặp gỡ nông dân đang cấy thì Người cũng bỏ dép, xắn quần, lội xuống ruộng hoặc nắm chắc tay gàu sòng tưới nước mà không ngỡ ngàng, lúng túng, đi thăm tàu hải quân thì Người cũng cầm lái như một thuỷ thủ, Người còn bế em nhỏ hoặc ngồi bón cơm cho trẻ như bất kỳ một người bình thường nào ta gặp… Và chính tác phong quần chúng bình dị ấy như có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng đến với nhau, hiểu nhau, đồng cảm với nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tiết kiệm và luôn kêu gọi mọi người phải biết tiết kiệm, nhưng Người cũng nói rõ: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Nhưng thế mới đúng là tiết kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu là bủn xỉn, chứ không phải là tiết kiệm”([10]). Người cũng khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”([11]). Bác yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện để có được tác phong sinh hoạt giản dị, lành mạnh, trong sạch. Những tư tưởng, đạo đức cách mạng cao đẹp phải biến thành những thói quen trong cuộc sống của mỗi người. Con người ta ai cũng có ham muốn, nhưng theo Bác, phải hướng những ham muốn vào việc phấn đấu thực hiện những mục tiêu, lý tưởng của cách mạng. Bác dạy: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”([12]). Khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm đã trở thành đạo đức truyền thống mà toàn Đảng, toàn dân ta luôn phải học tập và làm theo.

Học tập Bác, chúng ta học tinh thần học tập, phấn đấu kiên trì, không mệt mỏi, quyết tâm thực hiện cho bằng được mục đích của mình. Khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước, Bác bắt đầu một cuộc sống vất vả, khó khăn. Người kiên trì học tập, trau dồi kiến thức và quan sát. Từ lúc làm phụ bếp trên tàu, Bác đã phải học ngoại ngữ bằng nhiều cách, trong đó có cả sáng kiến viết chữ lên cánh tay để vừa làm vừa có thể học. Sau này, kể cả khi Người đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học. Đồng chí Vũ Kỳ thư ký riêng của Người cũng kể lại, trước mỗi chuyến đi công tác nước ngoài, đến những nước mà Người không biết tiếng nước đó, bao giờ Người cũng phải học lấy mấy câu chào hỏi và nói rất chuẩn. Nên đến nơi, Người xóa ngay khoảng cách giữa khách và chủ nhà ([13]).

Bác đã dạy cán bộ: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy không đúng. 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời”. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng” ([14]). Cả cuộc đời Bác là sự vận dụng sáng tạo những điều đã học vào thực tiễn cách mạng. Với một kho tri thức cộng với những kinh nghiệm tích lũy được mà Bác đã có những dự đoán chính xác và đưa ra những quyết định sáng suốt trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả của cả một quá trình kiên trì học hỏi, phân tích, đúc kết, chứ không phải Người sinh ra đã là một ông thánh như một số người đã nói và viết.

Bác là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, nhưng đồng thời là một nghệ sĩ, một họa sĩ, một nhà thơ. Cả cuộc đời Người theo đuổi những hoài bão lớn: Độc lập cho dân tộc, tự do cơm áo cho đồng bào, nhưng cuộc sống của Người lại giản dị, yêu thương con người, yêu thiên nhiên và sống lạc quan. Cuộc đời hoạt động của Bác trải qua nhiều biến cố thăng trầm cùng với những bước thăng trầm của cách mạng Việt Nam. 79 mùa xuân của Bác là một bản anh hùng ca bất diệt. Vĩ đại là thế nhưng Người thật gần gũi với mỗi chúng ta. Chúng ta luôn hình dung được đôi mắt sáng, nụ cười hiền và cảm thấy được tình cảm yêu thương, nhân ái, bao dung độ lượng của Người. Tất cả những điều đó sẽ tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh trong cuộc sống đời thường, trong cuộc sống hàng ngày. Những câu chuyện thường ngày về Bác, mỗi câu chuyện có những ý nghĩa khác nhau. Chắt lọc từ những câu chuyện tưởng là nhỏ ấy, chúng ta thấy được bao nhiêu điều lớn lao để suy nghĩ, để học theo Bác và làm theo Bác.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông nhớ lại ấn tượng sâu sắc lần đầu tiên gặp Bác Hồ: “Khi gặp Bác, nay nhớ lại, tôi không thấy một vẻ gì lạ hoặc đặc biệt, như trước đây tôi hằng tưởng tượng, mà chỉ thấy, chỉ gặp một phong cách, một cảm tưởng trong sáng, giản dị và cho mãi về sau này, trong công tác trực tiếp với Bác, cái phong cách trong sáng, giản dị ấy ở Bác, tôi vẫn giữ được một cảm giác nguyên như ngày mới gặp. Tôi mới gặp đồng chí Vương lần đầu, nhưng thấy từ phút đầu đã gần gụi ngay, rất gần như đã quen từ lâu. Tôi nghĩ rằng con người vĩ đại thì lúc nào cũng giản dị, giản dị đến không bao giờ có gì là đặc biệt cả”([15]).

Theo Lê Xuân Tuyên - Ngô Tuấn Anh
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
[*] Nguyên lượng: tha thứ

Chú thích

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia. H.1995, T.5, tr.552

[2] Sđd. T.4, tr.161

[3] Sđd. T.5, tr.60

[4] Theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2006, tr.45: Ngày 31/10/1911, từ Sài Gòn Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển số tiền 15 đồng cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Số tiền trên đã được ông Nguyễn Sinh Huy ký nhận ngày 9-11-1911.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia. H.1995, T.6, tr.114

[6] Lê Văn Hiến, Nhật ký của một Bộ trưởng. Nxb Đà Nẵng, 1995, T.1, tr.356

[7] Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

[8] Báo Nhân dân số Xuân 1991

[9] Báo Nhân dân số Xuân 1991

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, T.5, tr.637.

[11] Sđd. T.5, tr.642

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.392

[13] Tư liệu Khu di tích Phủ Chủ tịch

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, T.5, tr.92

[15] Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2005, T.1, tr.192

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…