“Không “bật” lên được”, nữ bác sĩ lý giải về việc mình ra đi. Nguyên nhân sâu xa nhất, theo nữ bác sĩ là cơ chế vận hành của một bệnh viện công nặng nề và tư duy trì trệ khiến nhiều người không phát huy được năng lực, sở trường. Nếu tiếp tục kéo dài trong môi trường như vậy, con người sẽ dần trở nên ù lì, thiếu năng động, sáng tạo. Ngoài ra, còn một lý do khác nữa là thu nhập ở bệnh viện quá thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra, trong khi áp lực công việc cao và trách nhiệm rất nặng nề. Bác sĩ TLH cũng cho biết, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế khác cũng rời bỏ bệnh viện này với lý do tương tự.
Tác giả: Đại Dương |
Làn sóng nhân viên y tế rời bỏ các cơ sở y tế công ngày càng gia tăng trong những năm gần đây và diễn ra ở nhiều nơi. Tại TPHCM, theo số liệu của Sở Y tế, năm 2020 có 500 nhân viên y tế tại các cơ sở công lập trực thuộc xin nghỉ việc. Con số đó tăng lên gần 1.000 người trong năm 2021 và riêng ba tháng đầu năm nay đã có khoảng 400 người.
Có nhiều lý do để khiến các nhân viên y tế tại các cơ sở công lập ra đi, song có một điểm chung là họ muốn tìm đến các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có cả những cơ sở do nước ngoài đầu tư khá bài bản, với trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc năng động và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, bản thân.
“Làn sóng” nhân viên y tế rời bỏ cơ sở y tế công lập vẫn chưa dừng lại ở đó và nó cho thấy đang có một sự dịch chuyển mạnh mẽ nguồn nhân lực ngành y tế giữa khu vực công lập và khu vực tư nhân. Nhìn ở góc độ thị trường lao động, đó là một sự dịch chuyển bình thường, bởi sức lao động là một loại hàng hóa và vận động theo nguyên lý “nước chảy chỗ trũng”. Ở góc nhìn khác, nó cho thấy sự chảy máu chất xám rất đáng lo ngại, tạo nên những khoảng trống, thậm chí đứt gãy trong quá trình vận hành tại các cơ sở y tế công lập vốn rất mong manh. Vì thiếu nhân lực chất lượng cao nên ở nhiều cơ sở y tế công lập không thể phát triển thêm nhiều chuyên ngành điều trị chuyên sâu như mong muốn, thậm chí không có người vận hành các thiết bị, máy móc đã được trang bị.
Nhà nước đã đầu tư, tăng mức thu nhập thực tế nhằm giữ chân các nhân viên y tế là cần thiết, song chỉ là giải pháp tình thế. Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách phải thay đổi tư duy trong quản lý, vận hành hệ thống y tế. Nhà nước nên tập trung vào việc xây dựng chính sách và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế theo hướng thu hẹp khu vực công và chỉ nên giữ lại những cơ sở y tế cần thiết như cơ sở y tế điều trị chủ lực, chuyên sâu hoặc hệ thống y tế cơ sở, dự phòng…, phần còn lại để thị trường tự quyết định. Với các cơ sở y tế được giữ lại, nhà nước cần có chính sách đầu tư đủ mạnh về mọi mặt, đồng thời có những ưu đãi xứng đáng để các nhân viên y tế không còn phải nhấp nhổm ra đi, chất xám không bị chảy máu.