Chạy lại và chạy đi

Sách dịch nhiều thể loại tràn ngập. Ảnh: Sơn Phú
Sách dịch nhiều thể loại tràn ngập. Ảnh: Sơn Phú
TP - Hầu như người đọc nhiều sách dịch đều biết trường hợp một dịch giả trẻ, nổi lên rất nhanh nhờ bản dịch những cuốn tiểu thuyết Âu - Mỹ hàng đầu. 

Ban đầu dịch giả được tấm tắc khen hơi quá so với chất lượng bản dịch. Thì cũng là sự động viên người dịch còn trẻ mà dám làm. Thì cũng là làm cho công chúng chú ý vào những cuốn khi ấy không dễ in, nhưng đã được anh bắt tay vào dịch. Người ta khen là khen ở mức ấy. Nhưng khen rồi thì gây ra ảo tưởng và hoang tưởng cho người dịch. Sự táo bạo ở việc dịch bắt đầu chuyển sang thành sự quyết định trở thành nhà phê bình văn chương. Thao tác phê bình rất thiếu hụt về lý luận thiếu hụt về năng lực lại được trợ lực bằng sự cao ngạo vô căn cứ.

Điều ấy dẫn đến sự ngã ngựa. Trời quang mây tạnh, không sấm chớp và không sóng gió, người ta lôi ra vô vàn cái sai trong những bản dịch của anh ta. Mới chỉ sơ sơ dăm ba cuốn đã gây kinh động về sai phạm ngoại ngữ cũng như yếu kém tiếng mẹ đẻ. Dịch là phải giỏi cả ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ mà anh này không đáp ứng được cả hai. Chắc chắn người ta sẽ còn động đến những cuốn khác bởi trong ấy còn nhiều cái sai hơn nữa. Bỗng nhiên tên tuổi của người dịch này được gắn với những câu ngớ ngẩn gây cười về bệnh ung thư và cái chết. Những câu để đời theo kiểu sự nổi danh ngược, nổi danh trớ trêu. Tứ đại khổ, sinh lão bệnh tử. Trường hợp này chỉ dịch sai chuyện bệnh và tử thôi, thế mà nó vận vào sự nghiệp. Một sự nghiệp dịch thuật khai sinh thật nhanh và khai tử cũng thật nhanh.

Đấy là vị đắng của hư danh. Không phải danh thật mà là hư danh.

Người Việt bảo ngã rồi thì đứng lên làm lại. Nhưng cửa hiệu của anh đã vang lừng vụ bán hàng rởm hàng kém phẩm chất, liệu sau đó có còn khách hàng nào tin anh nữa. Cái tên trên biển hiệu đã bị người chủ tự bôi xóa rồi còn gì.

Người Việt bảo đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại. Mở rộng vòng tay bao dung. Triết lý rất đúng. Nhưng trường hợp này phải xem xét lại. Vị dịch sách này không hề chạy lại mà cứ ngựa quen đường cũ, cứ chạy đi. Sự hoang tưởng đã dẫn vị đi xa hơn, dẫn đến một tâm lý cả thế giới chống lại ta, ta trần trụi giữa bầy sói, ta một mình chống lại mafia.

Người cao ngạo không bao giờ hối hận về việc mình đã làm sai. Mình không bao giờ sai. Không bao giờ. Có sai chăng là mình không may, sự nổi danh của mình trở thành tâm điểm cho ghen ghét đố kỵ. Chỉ hối hận vì không tiêu diệt được những kẻ mà mình cho là ác ý. Nhiệt kế thành khẩn tụt xuống mức thấp nhất trong khi nhiệt kế phản công vọt lên mức cao nhất. Chiến đấu. Ta trần trụi giữa bầy sói nhưng ta sẽ cắn xé sói. Ta một mình chống lại mafia nhưng ta sẽ tiêu diệt mafia. Không phải là sói không phải mafia thì cũng diệt. Để chứng tỏ gì? Chứng tỏ cái mà ta tự cho là bản lĩnh, là ý chí kiên cường, là quyết tâm không để người đời hả hê công kích.

Đấy là cái mà người ta gọi là hội chứng Napoleon. Người mặc cảm là mình ở tầm thấp thì tìm cách rướn lên, đa ngôn đại ngôn to mồm để tự yên tâm rằng mình không thua kém gì ai. Anh ta sợ không ồn ào cay độc thì sẽ bị khinh khi.

Nhưng cuộc phản công bừa bãi chỉ chứng tỏ sự tuyệt vọng đồng thời là sự trơ trẽn của người cao ngạo. Nó cũng là vấn đề đạo đức nhân cách như Mahatma Gandhi đã chỉ ra.

Nhiều người đã gợi ra hai lối đi cho trường hợp của dịch giả này:

Một: sự nghiệp dịch giả đã kết liễu, anh ta nên im lặng và lặng lẽ rút lui khỏi văn đàn. Một sự im lặng đầy phẩm cách.

Hai: anh ta nhờ công ty truyền thông của mình đứng ra tổ chức một cuộc họp báo. Anh ta sẽ xuất hiện để thừa nhận sai lầm của mình, kêu gọi sự khoan dung, đồng thời hứa sẽ tu tâm và tu trí để làm ăn một cách tử tế từ nay.

Sao lại không nhỉ. Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại.

*

*   *

Mahatma Gandhi từng định nghĩa bảy cái tội của người đời:

- Làm chính trị mà vô nguyên tắc

- Có của cải mà không nhờ lao động

- Hưởng lạc thú mà không có lương tâm

- Có tri thức mà không có nhân cách

- Làm thương mại mà vô đạo đức

- Làm khoa học mà không nhân văn

- Có thờ cúng mà không chịu dâng hiến.

Đối chiếu vào bảy điều này, thử hỏi giới trí thức, giới chính khách, giới doanh nhân, giới thực hành đức tin… mỗi giới phạm phải bao nhiêu điều?

Tôi nhớ khi xa xứ, có chuyện một chuyến phà qua eo biển bị lật thì vị thủ tướng nhận trách nhiệm về mình và từ chức, một chiếc máy bay đang lăn bánh chuẩn bị bay lên thì quệt cánh vào một máy bay khác trên đường băng… thế thôi, mà ông bộ trưởng giao thông xứ ấy từ chức ngay. Từ chức, vì ông tự thấy đó là trách nhiệm của mình. Trong khi tôi đang là người đứng đầu, mà nhân viên dưới quyền tôi để xảy ra vụ việc, thì tôi là người chịu trách nhiệm.

Ông ta không đổ lỗi cho phi công hay nhân viên trực tiếp gây ra tai nạn. Ông ta không đổ lỗi cho đối thủ chính trị lợi dụng vụ việc để công kích ông, không đổ lỗi cho báo chí ác ý moi móc ông, không đổ lỗi cho công chúng thiếu thiện chí đòi ông nhận trách nhiệm.

Ông không ngồi một mình mà thương thân rồi bật dậy phản kháng. Ông không tự nuôi dưỡng tâm lý mình đang tuẫn tiết vì mục tiêu cao cả. Ông cũng không tự nung nấu tâm lý một mình chống lại mafia. Đầu tiên và trên hết, ông tự thấy trách nhiệm thuộc về mình.

Đấy là ông có đạo đức nghề nghiệp.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.