Sách dịch: “Thảm hại, tồi tệ, đáng báo động”

Sách dịch: “Thảm hại, tồi tệ, đáng báo động”
Chiều 18/11, tại trụ sở Hội Nhà văn VN, đông đảo dịch giả đã toạ đàm về chất lượng sách văn học dịch trong thời gian gần đây - nguyên nhân và giải pháp.
Sách dịch: “Thảm hại, tồi tệ, đáng báo động” ảnh 1
Sách ngày càng nhiều nhưng chất lượng bao nhiêu?  

Đại diện một số NXB cũng có mặt, kể cả “điểm nóng”- là NXB Văn hóa Thông tin nơi in cuốn “Mật mã Da Vinci ”- nguyên nhân chính dẫn đến cuộc tọa đàm này.

“Thảm hại, tồi tệ, đáng báo động”

Dịch giả Đoàn Tử Huyến đã thâu tóm các phát biểu vào mấy từ này và cật vấn: “Có ai thấy tình hình không phải như vậy không, là tốt không?”.

Một tờ báo chuyên văn chương đồng thời cũng chuyên dịch sai, ví dụ “Bonjour Tristesse” (Buồn ơi chào nhé) lừng danh của Francois Sagan, dịch là “Nỗi buồn muôn năm” do lấy từ nguồn tiếng Nga.

“Xạ thủ của binh đoàn Vorosilov” - tên bộ phim Nga thì biến thành “Mũi tên của binh đoàn Vorosilov”, “Luận chứng và sự kiện” thành “Nhân chứng và sự kiện”... Đó chỉ là chuyện “vặt” trong số sai sót hàng ngày trên báo chí và sách dịch - Dịch giả Lê Sơn thống kê.

Tập truyện ngắn nhiều người dịch thì có thể, nhưng một tiểu thuyết xé lẻ 5 cha 3 mẹ, làm gì mà chẳng đầu Ngô mình Sở.

Sách mới dịch ẩu đã đành - để ra kịp tiến độ, mà sách cũ dịch lại, như văn học cổ điển Nga cũng sai be bét. Người dịch là sinh viên mới ra trường kém đã đành, có người là nhà văn hóa tiếng tăm, mà bản dịch cũng sai không ít.

Tóm lại, nói cả ngày cũng không hết chuyện, không hết bức xúc.

Bản dịch “Mật mã Da Vinci” - thảm họa hay quá lời?

“Nói như thế là kết án tử hình người dịch” - Dịch giả Thái Bá Tân phát biểu thứ hai, sau Phạm Xuân Nguyên. Trong khi ông Nguyên lập tức nổ “Mật mã Da Vinci” và NXB thì Thái Bá Tân (chuyên viên tiếng Anh Hội đồng dịch Hội Nhà văn VN) có ý bào chữa.

Nguyên “thảm họa” là từ mà dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng dành cho “Mật mã Da Vinci” (bài in báo Văn nghệ), sau lan dần thành dư luận. Thái Bá Tân cho biết chỉ mới đọc một phần bản tiếng Anh và bản dịch, thấy rằng tiếng Anh của Dan Brown khá đơn giản.

“Chưa đọc hết nên chưa phát hiện sai kém về kiến thức tôn giáo nhưng tôi cho rằng anh Đăng nói bản dịch sai sơ đẳng, thảm họa, là quá nặng.  Nhiều cuốn thảm họa hơn nhiều”.

Dịch giả Vũ Thế Khôi tỏ ra đồng tình: “Không hiểu sao lại có chuyện đao to búa lớn. Tôi nghi ngờ tác động của báo chí quanh vụ việc này, chúng ta phải bảo vệ đồng nghiệp”. Theo ông Khôi, bản dịch sai sót là bản dịch dễ chữa, khó là bản dịch mờ mờ nhạt nhạt chẳng thấy nhà văn đâu nữa.

Một ý kiến tương tự, rằng đâu có gì mà ầm ĩ, là của dịch giả Lê Bầu: Nhiều thứ thảm họa hơn thế, báo chí lẫn sách vở. Tống Giang cập thời vũ dịch là Tống Giang gặp mưa. “Mật mã” chưa điển hình đâu.

Vào khoảng giữa cuộc, ông Bùi Việt Bắc - Giám đốc NXB Văn hóa Thông tin lên tiếng: “Chúng ta gióng lên hồi chuông dịch thuật và chuông ấy lại rơi xuống đầu tôi, đau quá”. 

Ông kể: Một nhà xuất bản văn hóa nhưng nhiệm vụ chính trị lại phải đặt lên hàng đầu. Giám đốc chỉ cốt không sai sót chính trị còn không thể đi sâu chất lượng. So với 20 năm trước, đầu sách mỗi năm tăng gấp mấy chục lần, tới 700 cuốn/năm, mà nhân viên thì giảm, làm không xuể.

Ông Bắc nhân dịp này đề nghị Hội đồng dịch Hội Nhà văn tổ chức thẩm định giúp “Mật mã Da Vinci” rồi nói thêm “nhưng việc thẩm định là rất khó, vì có nhiều kiểu dịch khác nhau”.

Phần phát biểu của ông Bắc khiến Phạm Xuân Nguyên phải phát biểu thêm lần nữa, đại ý: Không hề có chuyện báo chí đánh hội đồng như ông Bắc kết tội. Tình hình dịch thuật thảm hại đã lâu, và “Mật mã...” chỉ là giọt nước tràn ly, không thể không báo động.

Thẳng thắn, dịch giả Đoàn Tử Huyến phát biểu: “Chúng ta phải xác định thái độ. Tôi không đồng ý với anh Thái Bá Tân, Vũ Thế Khôi cùng một số người cho rằng mọi chuyện là bình thường, phải có thái độ mềm dẻo, phải thông cảm...

Thái độ của anh Tân làm nhẹ rất nhiều tình hình hiện nay, làm cho sự hăng hái của người khác bị nguội đi, rằng mình đã nói quá lời chăng. Có thể tránh dùng lời đao to búa lớn trong những trường hợp cụ thể, nhưng trong trường hợp này (Mật mã Da Vinci), anh Trần Tiễn Cao Đăng hoàn toàn đúng. Trường hợp này thái độ gay gắt là cần thiết”.

Giải pháp, có không?

Cách nay 2 năm từng có một hội thảo sách dịch ở Khánh Hòa nêu thực trạng tương tự, từ bấy đến nay tình hình không mới. Hai tiếng rưỡi thì chỉ có thể xới lên được một vấn đề và rồi “để đấy”, như dịch giả Hoàng Hưng tiên liệu.

Ông Hưng kiến nghị phải có một NXB đầu tư về nhân lực, tài chính để sách ra thật “xịn”. Như một sự độc quyền chăng?

Dịch giả Châu Diên trái lại muốn: mỗi cuốn sách có thể nhiều nhà cùng dịch và in, ai chất lượng sẽ nổi lên?

Trong khi dịch giả Đức Mẫn nêu tầm quan trọng: “Nhà nước phải coi dịch thuật là quốc sách. Năm 1941, Cụ Hồ về nước đã viết “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”, chứng tỏ công tác dịch quan trọng thế nào”, thì bên lề cuộc họp, dịch giả Phạm Tú Châu thấy: “Người dịch có bao giờ được coi trọng đâu”.

Thông tin của dịch giả Dương Tất Từ: ở Czech, một cuốn sách có yếu tố nước ngoài nhất định phải qua 3 khâu: biên tập + hiệu đính + đọc lại bản thảo.

Ông Bùi Việt Bắc kiến nghị: phải có đầu tư vĩ mô, phải kiến nghị các nơi, ví dụ Ban Tư tưởng văn  hóa...

“Đòi hỏi cao là đúng nhưng không nên tách khỏi mặt bằng chung” - Kết luận này của dịch giả Thái Bá Tân đối với trường hợp “Mật mã Da Vinci” phải chăng báo hiệu mặt bằng sách dịch sắp tới sẽ càng lún hơn nữa và nói chung chẳng nên đòi hỏi làm gì?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến: 4 nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng dịch thuật: Sự kém cỏi của nhiều người dịch; Sự tham: cả người dịch, nhà xuất  bản, đầu nậu - chụp giật làm mọi cách để lãi suất cao; Sự cẩu thả; và cuối cùng: Sự vô trách nhiệm trong đó có sự bàng quan của người có trách nhiệm.

Dịch giả Phạm Xuân Nguyên (Ngân Xuyên): Không có biên tập dịch, phê bình dịch thì tình hình còn bi đát. Một cuốn sách phải dịch trong 3 tháng thì biên tập cũng phải mất 3 tháng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.