Cháu bé bị mẹ cắt gân chân tay sẽ về với gia đình

Bà Mỳ cùng 5 đứa con trước căn nhà của gia đình
Bà Mỳ cùng 5 đứa con trước căn nhà của gia đình
Sau 5 năm bị hạn chế quyền nuôi dưỡng đối với bé Hảo, vợ chồng bà Mỳ vừa được Tòa án nhân dân địa phương quyết định trao lại quyền nuôi dưỡng cháu. Cha mẹ nghèo, bản thân và 3 anh chị đều không ổn định về tâm thần, tương lai của cháu bé khá mờ mịt.

Mẹ bé Hảo: "Tôi muốn bù đắp cho con"

Cuối năm 2008, trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Phước Long (nay là huyện Bù Gia Mập) tỉnh Bình Phước xảy ra vụ việc gây chấn động dự luận: Bé Nguyễn Thị Hảo (5 tuổi) bị chính mẹ ruột của mình là bà Nguyễn Thị Mỳ bạo hành gây thương tích đầy mình. Với hành vi dùng kéo cắt vào tay con khi thấy bé nghịch tờ tiền và dùng dao chém vào gót chân con để phạt tội quậy phá, ngày 16/2/2009, Nguyễn Thị Mỳ đã bị tòa án nhân dân huyện Phước Long tuyên phạt 24 tháng tù giam.

Tòa cũng quyết định hạn chế quyền nuôi dưỡng của bà Mỳ và ông Nguyễn Văn Tước (cha đẻ của bé Hảo) trong thời gian 5 năm. Bé Hảo sau đó được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước gửi vào Trung tâm nuôi dưỡng người già tàn tật và trẻ em mồ côi của tỉnh tại huyện Lộc Ninh để được chăm sóc trong thời gian “cách ly” với gia đình.

Sau thời gian thụ án, năm 2011, bà Mỳ trở về địa phương. Cuối năm 2014, vợ chồng bà Mỳ đã làm đơn gửi đến chính quyền địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước và các ban ngành liên quan xin nhận lại bé Hảo để chăm sóc.

Nhưng qua thực tế khảo sát hoàn cảnh gia đình bà Mỳ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đã tham mưu cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Hạnh đệ đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập tiếp tục hạn chế quyền nuôi dưỡng bé Hảo của vợ chồng bà Mỳ.

Tuy nhiên, căn cứ theo Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, tòa đã bác đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Hạnh vì không có cơ sở để tiếp tục hạn chế quyền nuôi dưỡng của gia đình đối với bé Hảo. Ngày 3/3/2015, Tòa án nhân dân huyện chính thức gửi quyết định trao trả quyền nuôi dưỡng bé Hảo cho bà Mỳ và ông Tước.

Cháu bé bị mẹ cắt gân chân tay sẽ về với gia đình ảnh 1

Bé Hảo được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng người già tàn tật trẻ em mồ côi Lộc Ninh

Bà Mỳ chia sẻ: “Tôi không dám mong sự cảm thông, chia sẻ của xã hội bởi tôi cũng hổ thẹn với chính bản thân mình mỗi khi nghĩ đến nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần đã gây ra cho bé Hảo cùng những đứa con khác. Tội lỗi tôi gây ra cho con mình, tôi đã bị pháp luật nghiêm trị. Nhiều người cho rằng, tôi xin nhận lại con vì khoản tiền hàng trăm triệu đồng các nhà hảo tâm đã giúp bé, nhưng vợ chồng tôi không tơ hào đến chuyện đó. Hảo là đứa con tôi mang nặng đẻ đau, tôi chỉ muốn bù đắp lại cho con những tháng ngày đau khổ và sự chia lìa bằng chính tình yêu thương của mình”.

Không để tương lai bé Hảo đi vào ngõ cụt

Ngày 5/3/2015, trao đổi với phóng viên, ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, Sở đã được thông báo về quyết định của Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập về việc trao lại quyền nuôi dưỡng bé Hảo cho vợ chồng bà Mỳ. Sở đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, dự kiến trong tuần tới, sẽ đưa cháu về bàn giao cho gia đình tại UBND xã Đức Hạnh.

Cũng theo ông Trường Sơn, trước mắt các đơn vị chức năng sẽ tiến hành thủ tục bàn giao về mặt con người theo quyết định của tòa án. Các vấn đề liên quan đến tài sản cháu Hảo được cộng đồng ủng hộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ bàn bạc kỹ lưỡng với chính quyền địa phương, gia đình và các bên liên quan để có phương án giải quyết hợp tình hợp lý, đảm bảo cho cuộc sống của cháu ở thời điểm hiện tại và tương lai sau này. Chúng tôi hy vọng sẽ không có một Hào Anh khác xuất hiện tại địa phương mình” (Hào Anh, người từng bị chủ đầm tôm hành hạ ở Cà Mau đã dùng tiền nhà hảo tâm giúp để ăn chơi, đuổi gia đình ra khỏi căn nhà được xây bằng tiền của cộng đồng - PV).

Cháu bé bị mẹ cắt gân chân tay sẽ về với gia đình ảnh 2

Hảo tỏ ra rất thân thiện và gần gũi với bà Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm 

Ông Trường Sơn cũng bày tỏ sự trăn trở, vợ chồng bà Mỳ hiện là hộ nghèo của địa phương. Sau thời gian thụ án, bà Mỳ và ông Tước đã có thêm 1 bé gái, số con của họ đến nay là 6 người. Song gia đình không có đất sản xuất, nên 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào công việc làm thuê làm mướn. Ngoài bé Hảo mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần, vợ chồng bà Mỳ có 3 người con khác mắc bệnh tương tự đang hưởng trợ cấp xã hội. Vì thế, khi bé Hảo về với cha mẹ chắc chắn cháu sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Là người trực tiếp chăm sóc bé Hảo nhiều năm qua, bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già tàn tật và trẻ em mồ côi huyện Lộc Ninh chia sẻ: “Hiện bé Hảo đang phải dùng thuốc điều trị bệnh tâm thần. Sau nhiều năm học lớp 1, cháu vẫn không biết chữ, việc học tập của Hảo đã phải ngưng lại vì cháu quá chậm tiếp thu. Năm nay, Hảo 11 tuổi nhưng ý thức của cháu mới chỉ như trẻ lên 3. Chúng tôi hy vọng khi trở về với cha mẹ, trong môi trường sống và giáo dục của gia đình cháu sẽ có sự phát triển theo hướng tích cực”.

Với mục tiêu giúp bé Hảo có tương lai tốt đẹp hơn, theo dự kiến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình lập kế hoạch hỗ trợ bé Hảo cùng anh chị em của cháu, sớm đưa gia đình bà Mỳ thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.