Chẳng biết đâu mà lần

Chẳng biết đâu mà lần
TP - Lần đầu tiên, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước về ngành điện, họp báo công bố giá thành sản xuất điện của Việt Nam. Đây được coi là bước tiến, tiến tới sự minh bạch hoá giá sản xuất điện, dù đáng ra với loại doanh nghiệp nhà nước độc quyền như EVN, thì việc này phải làm từ lâu.

> Sếp EVN đau lòng vì nhân viên lương 7,3 triệu

Theo kết quả kiểm tra, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN là 101.096 tỷ đồng, tương ứng với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là 1.180 đồng/kWh điện thương phẩm, trong khi tổng doanh thu bán điện chỉ 90.934 tỉ đồng, tương ứng giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đồng/kWh điện thương phẩm. Tính ra, riêng năm 2010, EVN lỗ tới 10.162 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhìn vào cách tính giá của cơ quan kiểm tra, đều dựa vào những kê khai của chính EVN. Ví dụ, như dựa trên tỷ lệ tổn thất điện năng là 10,15%, chi phí khâu phát điện tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 916,2 đồng/kWh, giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 65,7 đồng/kWh, chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện thương phẩm là 189,2 đồng/kWh, giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 8,9 đồng/kWh...

Ở Việt Nam, duy nhất chỉ có EVN kinh doanh điện trọn gói, nên khó mà biết những thông số mà họ đưa ra là cao hay thấp, trong khi phần lớn các chỉ số chi phí cơ quan quản lý lại không có định mức tiêu chuẩn, nên không có chỉ số để so sánh.

Nên nhìn vào bản chất, việc Bộ Công Thương công bố chi phí sản xuất thế nào, người dân biết vậy, chứ có muốn phản biện cũng khó, vì chẳng biết đâu mà lần. Nhưng cái mà người dân có thể nhận biết được ngay, là mức thu nhập trung bình của hơn 10 vạn cán bộ ngành điện, như lời ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN công bố, là 7,3 triệu đồng/người/tháng (năm 2009), nếu so với mặt bằng chung là rất cao. Bởi nếu so sánh với GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2010 là 1.200 USD/người/năm, thì nó đã gấp tới 4 lần.

Còn nếu so sánh với thu nhập của 10 vạn lao động ngành than năm đó, nó vẫn cao hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Nhất là trong bối cảnh lỗ nặng, dù vì lý do gì, mức thu nhập đó vẫn là quá cao. Bởi thế, lâu nay, người ta từng ví von “nhất điện, nhì bưu” (nhất ngành điện, nhì bưu điện), nên ở các địa phương, nếu không phải người “có máu mặt” khó mà xin nổi chân làm việc trong ngành điện.

Với những ngành độc quyền như EVN, nếu không thị trường hoá nhanh, thì giá thành điện thương phẩm vẫn “chẳng biết đâu mà lần”!.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG