Joie de Vivre – Niềm vui sống
Tôi đi thăm Champagne một ngày đông cuối năm 2016. Đường cây trơ trụi tối sẫm, những gốc nho ướt át run rẩy; tim thấp thỏm theo từng giọt mưa đập vào kính xe. Vậy mà khi qua Épernay đã thấy đèn đóm trong các tiệm rượu và quầy hàng Giáng sinh lấp lánh, rồi tới Reims vừa khi chuông nhà thờ chánh tòa đổ sáu tiếng vang lừng, nghe như đâu đó có tiếng ly cốc va đâp lanh canh. Lòng hiu hắt chợt hửng. Nâng li Champagne đầu mùa lễ thấy phấn khích mãnh liệt, thật thấm thía «uống là vui sống»!
Nghĩa lý đơn giản này khác với hiểu biết thông thường, rằng uống Champagne để ăn mừng một dịp nào đó- lễ lạt cưới hỏi đánh trận làm ăn. Thực ra nên nói ngược lại: cứ uống Champagne khắc có một dịp đặc biệt.
Nhờ thứ nước trong vắt và nồng cháy này mà một nơi trầm uất nhất nhì trong lịch sử, chiến tranh thiên tai liên miên đời sống buồn tẻ, trở thành điểm đến đắt giá. Chỉ có cách thử một li Champagne mới hiểu được vì sao xứ Champagne không anh hùng cũng chẳng mỹ nhân lại nuôi dưỡng các tác giả truyện ngôn tình nghĩa hiệp (chivalric romance), đất đai cằn cỗi mà cất được rượu quícó ma lực khiến phụ nữ xinh đẹp hơn, đàn ông tâm linh hơn, và giới này nồng nàn với giới kia hơn.
Tận hưởng mỗi ngày
Bà Bollinger: "Vui tôi uống Champagne, buồn tôi uống Champagne. Có những lúc một mình tôi uống Champagne. Khi cùng ai đó tôi uống với cảm giác nghĩa vụ. Tôi uống hững hờ khi không thấy đói, và uống khi thấy đói. Ngoài ra thì tôi sẽ không đụng tới nó trừ phi tôi khát". Mark Twain: "Làm gì nhiều quá cũng không tốt, nhưng uống quá nhiều Champagne lại chẳng sao". Napoleon: "Tôi uống Champagne để mừng chiến thắng và để tự trấn an khi thua trận". Những nhân vật nổi tiếng ấy đã uống champagne với tâm thế chào đón mọi thăng trầm của cuộc đời.
Cũng như họ, bạn có thể uống Champagne bất cứ khi nào tùy hứng. Từ tinh mơ mờ đất thay cho cữ cà phê đầu ngày đến buổi trà xế trước khi mặt trời lặn; từ bữa tối đến thâu đêm suốt sáng. Hãy uống khi nào muốn vinh danh cuộc sống. Uống khi muốn thấy mình đặc biệt. Song có lẽ nói đặc biệt chưa đủ. Uống để thăng hoa sự đơn điệu của bản thân, để tự mê hoặc tâm hồn và cơ thể bằng vẻ đẹp được chăm chút tinh xảo của những chai những li Champagne. Chính ma lực của Champagne đã làm lung linh thêm cuộc sống thường nhật cùng hết thảy vuibuồnthànhbại. Vậy nên không chỉ uống để ăn mừng một sự kiện mà có thể uống để chào đón mỗi ngày. Champagne nên là bạn chân tình hơn là khách sang quí.
Uống Champagne vì vậy không thể theo nghi thức cứng nhắc, mà cần thư giãn uống để nhận lấy niềm hân hoan nó đem lại, nhấm nháp sự hưng phấn thường chỉ có trong một cuộc ái ân hay thỉnh thoảng, trong một chuyến du hành kinh khí cầu Montgolfiere trên cánh đồng nho ma mị vào một ngày đẹp trời. Từ trên không trung nhìn xuống, người lẫn giữa đám cây nho nom giống nhau và giống những chai Champagne lượn qua lượn lại, lấp lánh trong gió. Không có vẻ gì là họ đang tuân thủ những luật lệ làm Champagne nghiêm ngặt, tới nỗi chỉ có vang bọt xứ này được phép mang tên Champagne. Làm đúng cách như không và uống đúng cách càng nên như không; chỉ cần cầm cán li tránh không cho rượu ấm lên, và ngắm nhìn màu sắc rồi ngửi mùi thơm của li trong vắt sủi bọt lấp lánh, trước khi để ý xem ăn món gì cho hợp vị hay không ăn gì cả.
Đẹp và tỏa hương
Nghề làm Champagne khởi nguồn từ thế kỷ 16 trong các tu viện Công giáo, đến thế kỷ 19 thì phát triển rực rỡ ra các tư gia rồi các công ty lớn, một phần quan trọng nhờ công nghệ thủy tinh đến từ nước Anh. Champagne, hơn bất kỳ loại rượu nào khác, hấp dẫn mắt nhìn trước hết, nhờ màu sắc và độ lấp lánh kỳ lạ, rồi mới đến mùi thơm của hoa trái cỏ cây gỗ đá được gia giảm trong từng loại riêng biệt, và sau cùng mới đến vị thanh nhẹ nhưng bốc. Nhìn rồi mới uống nên vẻ đẹp của chai và li Champagne cũng tạo hứng thú riêng, nhiều khi mang dấu ấn phong cách và nghệ thuật một thời. Có vẻ như người thời thế kỷ 19 ngọt ngào và lãng mạn hơn người hiện đại. Ngay cả Champagne thời nay cũng «khô» hơn, không nhiều vị ngọt như thời trước (manh nha từ mùa nho 1846 nhà Perrier-Jouët đã ngừng không thêm đường khi ủ lô rượu vintage thuần chất Belle Epoque của năm đó).
Dẫu sao tinh thần vui sống của Champagne luôn làm ta liên tưởng đến một thời kỳ tươi đẹp được ghi nhớ trong lịch sử - thời Belle Epoque mấy chục năm thanh bình hiếm hoi của châu Âu và của xứ Champagne trước Thế chiến thứ nhất. Nói đến thời kỳ này là nói đến nghệ thuật và kiến trúc Art Nouveau và những phát minh tầm cỡ của giới mày râu – những xe hơi đèn điện máy ảnh máy bay. Nhưng dấu ấn sâu đậm hơn cả của thời ấy chính là vẻ đẹp cá tính và khả ái của những người đàn bà, được lưu lại trong thơ ca nhạc họa điện ảnh thời trang.
Riêng trong giới Champagne có không ít phụ nữ, dù sống trước hay sau thời Belle Epoque, đã lưu lại những nét đẹp khó quên trong lịch sử của thứ rượu nho thần thánh. Madame Lily Bollinger của nhà Bollinger, Madame Clicquot của nhà Veuve Clicquot và Madame Marie-Louise Lanson de Nonancourt của nhà Laurent Perrier; và không thể không kể đến Madame Adèle Jouët của nhà Perrier-Jouët. Tên bà là một nửa tên hãng rượu « lứa đôi » hơn 200 năm tuổi trên đại lộ Champagne của quận Épernay.
Tình yêu chỉ có một
Dấu ấn nữ tính của Champagne dường như lan tỏa rộng sang nhiều lĩnh vực. Năm 1993 hiệp sỹ thời trang Yves Saint Laurent cho ra đời chai nước hoa mới mang tên Champagne có mùi hương của các cô nàng “nhẹ nhàng, vui tươi, nồng nhiệt” (light, happy, bubbly) như rượu Champagne vậy. Lập tức các hãng rượu xứ Champagne đồng khởi kiện quí ông Sain Laurent là đã làm tăng “dục tính” và xóa mờ vẻ đẹp độc đáo của thương hiệu Champagne. Ngậm ngùi rút lui và đổi tên nước hoa thành Yvresse, nhà thiết kế lừng danh kịp gửi một thông điệp cho giới thưởng ngoạn rằng (rượu) Champagne đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều thứ không rượu;mặc các nhà làm rượu xứ Champagne vẫn khăng khăng theo cách một câu nói rất cũ, rằng “tình yêu chỉ có một, những thứ tương tự tình yêu thì có hàng ngàn!”. Rượu vang bọt xứ khác không được gọi là Champagne, và rượu vang không bọt cùa xứ Champagne khác (bên Thụy sĩ) cũng không được gọi là Champagne!!
Tôi không biết có bao nhiêu tình yêu thật trên đời, chỉ biết Champagne thứ thiệt cũng có hàng ngàn tên riêng. Như nhà Perrier-Jouët có dòng vintage (cất từ nho thuần chất một mùa) Belle Epoque, và dòng Cuvée (cất từ ba loại nho hảo hạng khác mùa) Grand Brut. Cách pha trộn nho chế ra từng loại Champagne là bí quyết nghệ thuật, và tinh xảo không kém là những chai những li chạm khắc theo phong cách Art Nouveau. Bạn chọn rượu nào vào dịp nào, uống với thức ăn hay uống suông tùy bạn;tôi sẽ chọn rượu và uống theo cách của riêng tôi. Li của bạn hình ống sáo tôn ánh bọt lấp lánh, li của tôi chỉ là li vang trắng thường giúp Champagne tỏa hương. Uống sao cho mình trở thành một “mình tốt hơn” (be your better self) là được. Lỡ không uống hết chai thì hãy “sáng tạo” tiếp, tham khảo những Bellini, Mimosa hay Black Velvet mà pha cocktail Champagne theo cách riêng. Tác phẩm cá nhân càng gần với tinh thần giao hòa giữa thiên nhiên và nghệ thuật càng tốt. Dù sao cũng chỉ có một tôi, một bạn, và một cái tên Chamapgne.
Vẫn câu chuyện “chỉ có một”. Em gái trẻ sắp làm mẹ nhờ tôi gợi ý đặt tên con gái. Tôi mong bé sẽ mang tên một loài hoa đẹp mộc mạc mà tươi tắn, chỉ nhờ gió mới nở tung cánh. Hoa Hải quỳ (Anemone) được khắc trên vỏ chai Belle Epoque trứ danh. Hay gọi bé là Champagne long lanh và bay bổng? Chẳng như nước hoa nhà YSL, tên này chắc không bị kiện đâu!