Chăm sóc F0 tại cộng đồng, chặn đà tử vong

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bằng hình thức chăm sóc trực tuyến, các bác sĩ không chỉ nắm bắt được mọi diễn biến của người bệnh mà còn hỗ trợ nâng đỡ tinh thần cho các F0. Những trường hợp trở nặng được phối hợp chuyển viện kịp thời, đúng tuyến làm tăng thêm khả năng cứu chữa cho bệnh nhân, ngăn chặn hiệu quả tử vong ngoài cộng đồng.

Đồng hành cùng người bệnh

Đó là thành quả của mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” đang được Đại học Y Dược TPHCM triển khai hiệu quả tại nhiều quận huyện trên địa bàn Thành phố.

Cuối tháng 7/2021 mô hình trên của Đại học Y Dược được TPHCM phê duyệt trong bối cảnh số F0 tăng nhanh, lan rộng trong cộng đồng nên việc thu dung, chuyển đến các khu cách ly tập trung khó khả thi.

Trên cơ sở huy động các lực lượng giảng viên, y bác sĩ, sinh viên y khoa, tình nguyện viên, Đại học Y Dược đã tổ chức mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng, điều trị cho F0 tại nhà với sự phối hợp cùng lúc của hai đội tư vấn trực tuyến và cấp cứu ngoại viện.

Trong đó, thông qua hình thức tư vấn trực tuyến, đội một sẽ thiết lập những hồ sơ bệnh án điện tử để theo dõi liên tục sức khỏe, diễn biến và nguy cơ trở nặng của người bệnh.

Chăm sóc F0 tại cộng đồng, chặn đà tử vong ảnh 1

Các đội y tế lưu động là lực lượng đặc biệt quan trọng hỗ trợ chăm sóc F0 tại cộng đồng

Khi F0 có dấu hiệu trở nặng, nhân viên y tế của đội một sẽ liên hệ với đội hai là lực lượng cấp cứu ngoại viện, sẽ trực tiếp đến hiện trường đưa F0 về trạm y tế để hỗ trợ điều trị. Trường hợp sau cấp cứu, bệnh nhân vẫn không cải thiện, có dấu hiệu trở nặng sẽ tiếp tục được chuyển lên tầng trên.

“Có thể nói, mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng đã giúp giảm tỷ lệ tử vong rõ rệt ở các địa bàn triển khai. Cụ thể, tại quận 8 là điểm rất nóng về dịch COVID-19 của Thành phố, ngày 8/8 là ngày đầu tiên triển khai, số F0 trên địa bàn lên tới hơn 7.000 trường hợp, tỷ lệ tử vong cao" - bác sĩ Ngọc Lan cho hay.

Giải pháp này giúp các y bác sĩ có thể cùng lúc chăm sóc số lượng F0 lớn trong cộng đồng. Mỗi bệnh nhân được cá thể hóa việc chăm sóc theo mô hình bác sĩ gia đình. Người bệnh được bác sĩ tư vấn, theo dõi sát mọi diễn tiến sức khỏe từ khi phát hiện đến khi điều trị khỏi nên bệnh nhân luôn vững tâm về tinh thần. Việc phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng sẽ giúp bệnh nhân được can thiệp, hỗ trợ kịp thời từ đó giảm tử vong tại nhà. Giải pháp phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, chuyển viện đúng tầng đã tăng khả năng cứu chữa người bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tầng trên.

Chia sẻ với Tiền Phong, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan - Trưởng khoa Y Đại học Y Dược cho biết, mô hình đã được triển khai đầu tiên tại quận 10, TPHCM. Sau khoảng 10 ngày thực hiện và đánh giá sơ bộ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố nhận thấy các khu vực áp dụng, tình hình kiểm soát tử vong giảm rõ rệt. Từ thực tế trên, Thành phố chỉ đạo tiếp tục triển khai trên địa bàn quận 8 và mới đây đã mở rộng thực hiện sang địa bàn quận Bình Tân.

"Sau 5 tuần triển khai, số ca bệnh tử vong vì COVID-19 đã giảm rõ rệt chỉ còn vài trường hợp xảy ra trên bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền. Tôi cho rằng đây là kết quả rất khả quan, mô hình có thể áp dụng ở những địa bàn có số F0 lớn với tỷ lệ tử vong cao” – PGS Ngọc Lan nói.

Có thể nhân rộng nhiều địa phương

Ths.BS Lê Phước Truyền - Trưởng khu Hồi sức cấp cứu Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Quận 8 số 1 nhận định, mô hình chăm sóc F0 tại nhà rất hữu ích. Các y bác sĩ, tình nguyện viên đánh giá, tư vấn qua điện thoại được tập huấn kỹ càng. Hàng ngày đội cấp cứu ngoại viện đến chăm sóc hoặc đón bệnh nhân đều sẵn sàng cho thở oxy và cấp ngay một số túi thuốc.

“Khi người bệnh được chuyển đến khu cấp cứu, tùy tình trạng bệnh để xử lý, có thể thở HFNC, thở oxy mask… Trường hợp nặng quá, không đáp ứng được tại đây thì chuyển đi tuyến điều trị cao hơn. Điều quan trọng nhất để mô hình này vận hành thành công là sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế phường xã với 2 đội của mô hình. Y tế phường, xã phải cung cấp danh sách, địa chỉ chính xác nhất các F0” - BS Lê Phước Truyền nói.

Thời gian tới Đại học Y Dược sẽ chuyển giao mô hình cho các địa phương vận hành, đây là giải pháp đảm bảo tính bền vững của cả chiến dịch hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà, bảo vệ các thành quả phòng chống dịch đã đạt được.

Sau khi chuyển giao, các trạm y tế địa phương sẽ phụ trách đội 1 với nhiệm vụ tư vấn, giám sát từ xa; bệnh viện quận sẽ đảm nhiệm đội 2 với lực lượng cấp cứu, đưa bệnh nhân trở nặng về bệnh viện để kịp thời hỗ trợ chuyên môn sâu.

Chăm sóc F0 tại cộng đồng, chặn đà tử vong ảnh 2

Sự hỗ trợ kịp thời cho F0 là giải pháp then chốt ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng, tử vong

ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế người đang trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TPHCM cho biết: “Khoảng 1 tháng trước chúng tôi liên tục nhận được các cuộc điện thoại cầu cứu của người dân Quận 8 để nhờ hỗ trợ cấp cứu tại nhà. Nhưng 2 tuần qua, đường dây nóng gần như không nhận thêm cuộc gọi nào. Chúng tôi đánh giá đây là giải pháp hỗ trợ tốt cho người bệnh, giúp bệnh nhân tiếp cận y tế ngay tại phường xã”.

Theo BS Trọng Khoa, mô hình quản lý F0 tại cộng đồng, thực hiện trong tình thế bắt buộc bởi bối cảnh dịch bùng phát với số lượng rất lớn không đủ cơ sở điều trị thu dung bệnh nhân.

Tuy nhiên, việc triển khai quản lý F0 tại cộng đồng phát huy hiệu quả rất tích cực đã giúp giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19, giúp bệnh nhân tự quản lý tại nhà với những điều kiện chăm sóc tốt hơn.

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến quận huyện đã chuyển công năng sang điều trị bệnh nhân COVID-19, phương tiện công cộng, phương tiện cá nhân đang bị giới hạn. Những vấn đề cấp cứu tại nhà cho người dân đang gặp khó khăn.

Việc vận hành nhịp nhàng và hỗ trợ kịp thời cho cả bệnh nhân COVID-19 và các trường hợp mắc bệnh lý thông thường có nhu cầu cần hỗ trợ y tế sẽ là giải pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng tốt hơn cần được nghiên cứu triển khai.

Đại diện Cục quản lý khám chữa bệnh cho rằng, việc chuyển giao mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” cho y tế địa phương cần có sự tham gia của cả y tế công lập và tư nhân trên địa bàn để mang lại hiệu quả khả quan hơn. Mô hình quản lý F0 tại cộng đồng không chỉ cần nhân rộng ở TPHCM mà có thể áp dụng tại các địa phương khác.

MỚI - NÓNG