Chậm hỗ trợ người lao động nghỉ việc do COVID-19: Quận, huyện 'om' hồ sơ

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tổ chức đoàn thể chung tay hỗ trợ lái phụ xe buýt, trong khi đó một số quận huyện vẫn “om” hồ sơ trợ cấp của người lao động
Nhiều tổ chức đoàn thể chung tay hỗ trợ lái phụ xe buýt, trong khi đó một số quận huyện vẫn “om” hồ sơ trợ cấp của người lao động
TP - Hiện tại một số quận, huyện Hà Nội “om” hồ sơ chưa giải quyết hỗ trợ người lao động bị nghỉ việc, hoãn việc. Thậm chí còn ra văn bản để chờ thành phố trả lời.

Sở LĐ, TB&XH Hà Nội cho biết, có khoảng 10.000 lao động thuộc diện hưởng trợ cấp của Chính phủ theo Nghị quyết 68, riêng các đơn vị vận tải buýt tại Tổng Cty Vận tải Hà Nội có 6.300 người.

Theo một đại diện của Sở LĐ, TB&XH Hà Nội cho biết, hiện nay, 16 đơn vị tại Tổng Cty này đã phải làm thủ tục tạm hoãn hợp đồng lao động đối với trên 6.300 lao động.

Để triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID, ngày 1/7, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 3642 hướng dẫn các sở, ngành và quận, huyện thực hiện. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, sau khi nhận hồ sơ của người sử dụng lao động trong 7 ngày làm việc, các đơn vị phải giải quyết. Tiếp đến Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng có văn bản số 4877 gửi các quận, huyện đang có đơn vị thành viên của Tổng Cty Vận tải đóng trên địa bàn, trong đó nêu rõ: “Trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội đồng thời để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động không lương, Sở LĐTB&XH để nghị UBND các quận, huyện quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp nhận hồ sơ giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động theo quy định”.

Huyện “om” 100% trợ cấp vì chờ ý kiến thành phố

Theo phản ánh của người lao động và khảo sát của PV Tiền Phong, sau hơn 2 tháng Nghị quyết 68 được ban hành, cùng với đó thành phố Hà Nội và đại diện Sở ngành cũng có các văn bản hướng dẫn nhưng hiện tại một số quận, huyện vẫn chưa giải quyết hoặc chỉ giải quyết được một phần nhỏ hồ sơ xin hưởng trợ cấp.

Cụ thể, tại quận Ba Đình, trong tổng số 630 hồ sơ người lao động ngành xe buýt đã gửi lên quận cả tháng nay thì hiện mới có 69 người (10%) được hưởng trợ cấp theo quy định. Đặc biệt tại huyện Thanh Trì hơn 1.200 lao động tại 3 đơn vị thành viên xe buýt gửi hồ sơ lên huyện gần 2 tháng nay, nhưng hiện chưa có bất kỳ hồ sơ nào (100%) được giải quyết.

Trả lời PV Tiền Phong về việc này, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì cho biết, thời gian này huyện đang chú trọng đến xét nghiệm và tiêm vắc-xin phòng chống COVID. Hơn nữa, huyện phải xem lại các đơn vị vận tải trên địa chỉ ở đâu vì Tổng Cty Vận tải Hà Nội có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm. “Không chỉ các đơn vị vận tải mà trên địa bàn huyện còn rất nhiều đơn vị khác, do vậy để triển khai được việc này, huyện vừa phải có văn bản xin ý kiến thành phố. Chúng tôi đang chờ ý kiến thành phố rồi mới thực hiện được”, lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì nói.

Tại quận Ba Đình, trả lời PV Tiền Phong ngày 15/9, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, ông sẽ kiểm tra và có phản hồi báo về việc giải quyết hồ sơ hỗ trợ cho người lao động. Đến cuối giờ chiều qua, đại diện Phòng LĐTB&XH quận Ba Đình đã liên lạc với đại diện báo Tiền Phong và cho biết, hiện quyết định hỗ trợ cho hơn 630 người lao động tại Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT đã được lãnh đạo quận duyệt, từ nay đến cuối tuần này quận sẽ thực hiện chuyển tiền hỗ trợ đến tất cả người lao động đã làm hồ sơ.

Cho ý kiến về trả lời của lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, đại diện Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, huyện Thanh Trì là một trong những địa phương đang có số lượng hồ sơ xin trợ cấp lớn nhất trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với các thông tin được đưa ra như trên cho thấy huyện chưa nắm được chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của thành phố và hướng dẫn của Sở LĐTB&XH.

MỚI - NÓNG