Câu chuyện F0 lay động lòng người

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ vùng tâm dịch, câu chuyện từ những thầy thuốc đang mỗi phút giây trực tiếp giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần hay chính những người từng là F0 được kể qua chương trình “Cất cánh: Câu chuyện F0” phát sóng tối 21/8 một cách đầy xúc động.

Những y bác sĩ làm việc với 200% sức lực của mình bằng mọi giá giữ lại mạng sống cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19

Gần 3 tháng nay, các bác sĩ tại tầng 3, tầng cao nhất trong mô hình điều trị COVID-19 ở TPHCM, gồm 8 bệnh viện hồi sức COVID-19 và 5 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn đã nỗ lực hết mình, giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần.

Dành khoảng thời gian ít ỏi giữa những chặng điều trị liên tục, bác sĩ tại Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện quân y 175 đã có những chia sẻ xúc động trên chương trình Cất Cánh phát sóng tối 21/8.

Câu chuyện F0 lay động lòng người ảnh 1

Thượng úy, Bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung

Ngay tại khoảng sân bệnh viện, Thượng úy, Bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung bày tỏ: “Bản thân hai vợ chồng tôi đều là bác sĩ quân y và đều cố gắng hết mình để bảo vệ sức khỏe, bình yên cho nhân dân. Trong tình nhiều bệnh nhân đang chuyển biến nặng và dẫn đến kết cục không ai mong muốn là tử vong. Ngoài chúng tôi, họ không biết cầu cứu, bấu víu vào ai nên chúng tôi phải gồng mình, hết sức, bằng mọi giá để giúp đỡ họ nhiều nhất có thể. Sự phục hồi của người bệnh là động lực tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Khát khao trở về cuộc sống bình thường, về với gia đình buộc chúng tôi phải cố gắng chiến đấu thắng lợi. Không còn con đường nào khác ngoài chiến đấu với dịch COVID-19”.

F0 khỏi bệnh, xin quay lại bệnh viện làm tình nguyện viên để trả ơn bác sĩ

Câu chuyện F0 lay động lòng người ảnh 2

Anh Nguyễn Hồng Kỳ - tình nguyện viên Bệnh viện dã chiến số 4, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Câu chuyện tiếp theo của chương trình là một tình nguyện viên, điều dưỡng đặc biệt trong khu điều trị COVID-19. Ngày 2/8, anh Nguyễn Hồng Kỳ (sinh năm 1987) đã được xuất viện sau gần một tháng điều trị COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Chỉ 2 ngày sau, anh bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại Bệnh viện dã chiến số 4 với nhiệm vụ rất đặc biệt: Động viên tinh thần, lan tỏa sự lạc quan, năng lượng tích cực cho những F0 đang điều trị tại đây bằng những câu chuyện đùa, chuyện tếu thường ngày. “Trong thời gian chữa trị tại đây, tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm, sự quan tâm của các y bác sĩ nên giờ đây quay trở lại, tôi thực sự muốn giúp đỡ và trả ơn mọi người”, anh Kỳ tâm sự.

Những người đồng hành với các ca F0 ở cộng đồng

Câu chuyện F0 lay động lòng người ảnh 3

Võ Việt Hản - bác sĩ Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Tổ phó Tổ Y tế Cộng đồng Phường Tân Kiểng, Q7, TP HCM

Khác với những bác sĩ tuyến đầu, đang cấp cứu, điều trị cho những bệnh nhân là F0 nặng trong các bệnh viện, những thành viên của các tổ y tế cộng đồng, tổ bác sĩ gia đình hay tổ phản ứng nhanh với COVID-19 (tùy theo cách gọi của từng địa phương) sẽ đồng hành với F0 ở cộng đồng có triệu chứng nhẹ hơn. nhưng số lượng có thể lên đến hàng trăm người.

Anh Võ Việt Hản, bác sĩ Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhưng hiện tại, anh là Tổ phó Tổ Y tế Cộng đồng Phường Tân Kiểng, Q7, TP HCM. Theo chia sẻ, mỗi ngày anh và đồng nghiệp phải làm việc với tần suất rất lớn, đến các khu dân cư trực tiếp đến tận nhà thăm khám, điều trị cho F0. Anh giãi bày: “Đôi khi cũng có những ca nặng không qua khỏi tại nhà. Tôi và mọi người nhắc nhau bình tĩnh vì nếu không giữ vững tinh thần thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ tốt được. Mình đã tham gia công việc này thì phải hết mình với nó và không được phép mệt, vì mình mệt thì những bệnh nhân ngoài kia họ sẽ cảm thấy như thế nào”.

MỚI - NÓNG