Cánh cửa hy vọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Y tế vừa cho triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà ở TPHCM từ ngày 16/8. Mô hình này như một cánh cửa hy vọng cho những F0 đang cách ly tại nhà, những F0 muốn được điều trị nhưng bệnh viện không thể tiếp nhận vì quá tải.

Đây cũng là cách giúp tất cả bệnh nhân được tiếp cận y tế, đề phòng F0 trở nặng, nhằm giảm tỉ lệ tử vong vì không kịp chữa trị.

Đây có lẽ là thông tin tốt nhất trong ngày được đăng tải trên các mặt báo, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam vẫn diễn biến phức tạp; nhiều ổ dịch vẫn được ghi nhận ngoài cộng đồng. Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao trong khi hệ thống cách ly điều trị đã quá tải suốt thời gian qua.

Thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 15/8, TPHCM đã gần 150 nghìn ca mắc COVID-19. Trong đó, có khoảng hơn 30 nghìn ca F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Thực tế, có không ít các trường hợp F0 cách ly tại nhà trở nặng, gọi cấp cứu từ sáng đến chiều không được và đã tử vong khi không kịp đưa đến bệnh viện.

Hơn 10 ngày trôi qua, tôi vẫn chưa hết ám ảnh câu chuyện của đôi vợ chồng già ở quận Tân Phú mắc COVID-19. Người vợ 70 tuổi, mắc COVID với bệnh nền chạy thận nhân tạo, đã ra đi trong đau đớn và bất lực của chồng vì những cuộc gọi cầu cứu đến lực lượng y tế đều trong vô vọng. Chị Thuý chia sẻ lên nhóm “Tôi là dân Quận 4” chuyện của gia đình chị có người mắc COVID-19 trở nặng, nhưng chị gọi lên phường, lên quận, gọi cấp cứu nhờ hỗ trợ nhưng đợi từ sáng đến chiều không có phản hồi. Sau thông tin chị đăng tải, nhiều ý kiến bình luận cho thấy, đó là thực tế chung khi lâm vào tình cảnh F0 điều trị tại nhà trở nặng, “phao cứu sinh” mà họ cầu cứu đến đều thông báo “hết giường”…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm kể rằng, sáng qua ông nhận được một cuộc gọi từ người thân của một F0 đang trở nặng tại nhà. Dù vậy, họ bất lực khi không thể gọi được xe cấp cứu và sự giúp sức từ các bệnh viện khiến người này muốn nhảy lầu tự tử.

Có lẽ do cảm giác bất lực trước dịch bệnh bị dồn nén khiến cho thông tin F0 được chăm sóc và điều trị tại nhà theo mô hình “3 tại chỗ” mà Bộ Y tế đưa ra: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ gây nhiều chú ý. Mặc dù, Bộ Y tế khi đưa mô hình này vào áp dụng, mục đích lớn là giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, đồng thời góp phần giảm tải trong điều trị tại các bệnh viện, giảm tử vong F0 nặng. Thế nhưng, với người bệnh, họ luôn cảm thấy được nhận về nhiều hơn như thế. Đó là, cảm giác được quan tâm, thăm khám, chữa trị, vẫn luôn là cảm giác dễ chịu nhất mỗi khi mình mắc bệnh.

Việc điều trị tại nhà, các F0 được thăm khám, cấp thuốc, kèm gói thực phẩm hỗ trợ an sinh… Như vậy, F0 được chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch COVID-19. Từ đó, mở ra cách cửa hy vọng cho mỗi người, sớm trở về cuộc sống bình thường mới.

MỚI - NÓNG