Cảnh báo tác hại lớn do đốt rơm rạ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo ông Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế, việc đốt rơm làm mất chất dinh dưỡng, bên cạnh giết mầm bệnh thì cũng giết vi khuẩn có lợi trong đất, làm giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Ngày 7/6, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến lúa gạo”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - cho biết, kinh tế tuần hoàn đã hình thành trong ngành lúa gạo Việt Nam, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng để phát triển. Với khối lượng rơm cả nước trên 40 triệu tấn mỗi năm, nếu được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả sẽ đem lợi ích to lớn cho nông dân, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải do Bộ NN&PTNT xây dựng và chỉ đạo thực hiện là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo” - ông Bổng nói.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT - cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích trồng lúa 4 triệu ha, sản lượng lúa hằng năm đạt gần 24 triệu tấn, tạo ra 24,4 triệu tấn rơm rạ và 4,8 triệu tấn vỏ trấu.

Trong 24,4 triệu tấn rơm, có 70% được đốt hoặc vùi vào ruộng; 30% được thu gom để trồng nấm, che phủ và đóng hàng trái cây, làm thức ăn gia súc và mục đích khác. Trong 4,8 triệu tấn vỏ trấu, có 49% được sử dụng cho các nhà máy sấy, 20% cho công nghiệp, 16% đóng bánh củi trấu, 6% làm vật liệu xây dựng và 9% cho mục đích khác.

Cảnh báo tác hại lớn do đốt rơm rạ ảnh 1

Đốt rơm rạ là tập quán phổ biến trong canh tác lúa. Ảnh: CK.

Ông Tùng thông tin, ngành nông nghiệp phát thải 88,6% triệu tấn carbon/năm. Trong nông nghiệp, 75% tổng lượng khí thải là methane, trong đó 75% là từ sản xuất lúa. Hiện các địa phương vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng vấn đề giảm phát thải.

Ngoài ra, vẫn còn thiếu cơ chế thúc đẩy, động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp. Bên cạnh đó, nhận thức của người sản xuất còn hạn chế; việc quản lý nguồn phát thải như rơm, rạ chưa tối ưu và thiếu những chính sách giảm phát thải mang tính đột phá.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), mỗi năm vùng ĐBSCL có 25-30 triệu tấn rơm rạ, trong đó lượng rơm (thu hoạch cùng hạt lúa) chiếm 50-60%, lượng rạ còn lại trên đồng chiếm 40-50%.

Nói về lý do tại sao nông dân đốt rơm, ông Hùng cho biết, từ khảo sát ở ĐBSCL 15 năm qua cho thấy có những nguyên nhân sau: Thời gian quay vòng giữa hai vụ liên tiếp ngắn, trong khi thiếu dịch vụ thu gom hoặc máy thu gom rơm; chi phí dịch vụ thu gom cao trong khi giá bán rơm tại ruộng quá thấp/không đáng kể.

Cảnh báo tác hại lớn do đốt rơm rạ ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI). Ảnh: CK.

Bên cạnh đó, nông dân còn thiếu nhận thức/kiến thức về hạn chế ô nhiễm; thiếu lựa chọn sử dụng rơm để sản xuất các sản phẩm khác. Hành vi/tập quán truyền thống là đốt rơm rạ để làm sạch ruộng và làm than sinh học…

Theo ông Hùng, việc đốt rơm làm mất chất dinh dưỡng, bên cạnh giết mầm bệnh thì cũng giết vi khuẩn có lợi trong đất, làm giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Việc vùi rơm trong ruộng ẩm làm tăng ít nhất 30% lượng phát thải khí nhà kính…

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, việc chuyển đổi ngành lúa gạo Việt Nam theo mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp bách. Với sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo.

Theo ông Nam, với khối lượng hàng chục triệu tấn rơm rạ, vỏ trấu, hoàn toàn có khả năng sản xuất ra hàng triệu tấn năng lượng sinh khối xanh. Việc này không chỉ giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

MỚI - NÓNG